Vẫn còn băn khoăn về dự thảo Thông tư Quy định dạy thêm, học thêm

Trên một số diễn đàn của giáo viên, không ít thầy cô giáo nêu quan điểm, dự thảo Thông tư Quy định dạy thêm, học thêm (sau đây gọi tắt là dự thảo Thông tư) của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn khó có thể quản lí việc dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay.

Liên quan đến việc dạy thêm, học thêm, chia sẻ với truyền thông, vừa qua, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nói rằng, dạy thêm, học thêm cũng là nguồn lực xã hội, những giáo viên giỏi thì luôn có những học sinh hiếu học muốn học để phát triển được năng lực của các em. Như vậy, dạy thêm ở đây không phải là cái gì phải cấm và chê trách cả.

Hầu hết giáo viên các cấp học đều đồng tình với sự chia sẻ này.

Tuy vậy, giáo viên vẫn mong dự thảo Thông tư ghi rõ, đối với bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nếu đã tổ chức dạy 2 buổi/ngày thì không được dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Quy định này là cần thiết, bởi lẽ, học sinh học tối đa 8 tiết/ngày ở trường, nếu các em tham gia học thêm nữa thì chỉ có thể học vào các buổi chiều tối hoặc ngày thứ Bảy, Chủ nhật.

Như vậy, học sinh không còn thời thời gian để tự học, các em chỉ biết vùi đầu vào việc học chính khóa, học thêm, cũng như không còn thời gian vui chơi giải trí, luyện tập thể thao.

Cùng với đó, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nói thêm, bản thân việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường cũng có tình trạng không mạch lạc, thậm chí gây ra sự phân biệt giữa "môn chính, môn phụ", giữa giáo viên này với giáo viên kia, hiệu trưởng ưu ái giáo viên dạy môn này hơn giáo viên dạy môn kia…

Cần phải thấy rằng, học sinh tham gia học thêm trong trường, các em chỉ học một số môn như: Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh (bậc tiểu học); Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh (bậc trung học cơ sở, phục vụ cho việc thi tuyển sinh vào lớp 10); Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn (bậc trung học phổ thông phục vụ cho kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi đánh giá năng lực và lấy điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông xét tuyển vào đại học).

Các môn còn lại, ví dụ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Công nghệ,… học sinh rất ít hoặc không tham gia học thêm. Vì vậy, theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường mà dự thảo đang xin ý kiến đã hướng tới làm sao để quy định việc tổ chức dạy thêm, học thêm một cách công khai, minh bạch.

Muốn công khai, minh bạch chuyện học thêm, cần nhất là học sinh phải được chọn giáo viên, hiệu trường không được chia đều tiết dạy cho các giáo viên và giáo viên cũng không được lôi kéo học sinh trong việc học thêm. Nhưng điều này chưa được dự thảo Thông tư cụ thể hóa bằng những quy định tường minh, chi tiết.

Điều băn khoăn là, dự thảo Thông tư có nội dung quy định khi giáo viên thấy cần thiết phải dạy thêm, học thêm thì phải nêu rõ lý do tại sao; mục tiêu là gì; nội dung ra sao, thời lượng thế nào…

Căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn thì hiệu trưởng sẽ tổ chức cuộc họp với thành phần gồm lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm môn học nào, ở khối lớp nào, bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch, vì quyền lợi học sinh.

Sau khi công khai kế hoạch dạy thêm, học thêm thì nhà trường mới cho học sinh đăng ký, trên cơ sở đăng ký của học sinh thì mới xếp lớp, phân công giáo viên giảng dạy.

Về quy định này, giáo viên không khó để nêu lên sự cần thiết phải dạy thêm, học thêm. Đó là, học sinh yếu cần phải học thêm để lấy lại kiến thức; tương tự học sinh trung bình cần được phụ đạo để đạt loại khá; học sinh khá, giỏi cần được bồi dưỡng để học giỏi hơn,… Như thế, rất có nguy cơ việc dạy thêm, học thêm trong sẽ được tổ chức tràn lan nhưng hợp pháp.

Ngoài ra, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo còn cho biết, dự thảo lần này cũng thêm vào nguyên tắc: "Không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh" nhằm tránh hiện tượng gây bức xúc lâu nay là học sinh nào học thêm thì có điểm cao trong bài kiểm tra, đánh giá và ngược lại.

Vậy thì, giáo viên sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập tương tự như đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh thì sao?

Nhìn chung, không thể cấm cũng như không thể buông lỏng việc dạy thêm, học thêm. Vì vậy, rất cần hành lang pháp lí để quản lí việc này. Tuy vậy, dạy thêm, học thêm cần nhất vẫn là cái tâm của người thầy và sự quản lí, giám sát đồng bộ của các cơ quan quản lí giáo dục, hiệu trưởng, phụ huynh học sinh thì mới chấm dứt được mặt trái của dạy thêm, học thêm biến tướng.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/van-con-ban-khoan-ve-du-thao-thong-tu-quy-dinh-day-them-hoc-them-179240901134313995.htm