Vẫn còn băn khoăn việc lựa chọn môn thi thứ 3

Dự thảo quy chế tuyển sinh THCS và THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố có 3 phương thức thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT gồm: thi tuyển, xét tuyển, hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương. Sở GD&ĐT có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn, phê duyệt phương thức. Tuy nhiên, dự thảo vẫn khiến dư luận băn khoăn về quy định lựa chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 THPT theo phương thức thi tuyển.

Cô trò Trường THCS Cù Chính Lan trong giờ học.

Cô trò Trường THCS Cù Chính Lan trong giờ học.

Theo quy định của Dự thảo quy chế tuyển sinh THCS và THPT, nếu sử dụng phương án xét tuyển, căn cứ để thực hiện xét tuyển là kết quả rèn luyện và kết quả học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) cấp THCS hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.

Đối với việc tổ chức thi tuyển, dự thảo quy chế quy định chung việc thực hiện 3 môn thi gồm: Toán, Ngữ văn và một môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp do Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn và công bố trước ngày 31/3 hàng năm.

Môn thi thứ 3 sẽ được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong CTGDPT cấp THCS. Việc lựa chọn môn thi thứ 3 có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản. Bài thi tổ hợp các môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong CTGDPT cấp THCS.

Sau khi nghiên cứu Dự thảo quy chế tuyển sinh THCS và THPT, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù trong dự thảo không quy định bốc thăm lựa chọn môn thi thứ 3 như đề xuất của Bộ GD&ĐT trước đó, tuy nhiên để thực hiện “việc lựa chọn môn thi thứ 3 có sự thay đổi qua các năm” thì khó có cách nào khác ngoài bốc thăm lựa chọn môn thi thứ 3 để đảm bảo không lựa chọn theo ý kiến chủ quan của người đứng đầu, tránh việc môn thi thứ 3 bị “lộ” và tránh việc dự đoán môn thi thứ 3 bằng phương pháp loại trừ.

Nêu quan điểm về việc lựa chọn môn thi thứ 3, Hiệu trưởng Trường TH & THCS Đông Yên (Đông Sơn) Lê Duy Hải cho rằng: Môn thi thứ 3 do Sở GD&ĐT quyết định là phù hợp. Năm học 2024-2025 được xem là năm khép kín chu trình thực hiện CTGDPT 2018 từ lớp 1 đến lớp 12. Là năm học đầu tiên thực hiện quy chế thi tuyển sinh THCS, THPT mới, do đó, để tránh áp lực cho học sinh, Sở GD&ĐT nên lựa chọn môn thi thứ 3 tránh những môn tổ hợp như: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, do đây đều là những môn học mới, việc tổ chức dạy học cũng như ôn thi cho học sinh còn nhiều bỡ ngỡ do giáo viên chưa được đào tạo dạy môn tích hợp; đồ dùng, thiết bị dạy học còn thiếu thốn... ít nhiều làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.

Thầy Lê Duy Hải cũng đề xuất việc công bố môn thi thứ 3 nên thực hiện sớm để các nhà trường có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trong công tác ôn thi cho học sinh.

Đồng quan điểm, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Định Liên (Yên Định) Lê Thị Yến cho rằng: Việc thực hiện đổi mới phương thức tuyển sinh THCS và THPT là phù hợp theo tinh thần của CTGDPT 2018 là phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, giúp học sinh phát triển toàn diện. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, CTGDPT 2018 còn rất mới và khó do việc đồng bộ giữa giáo viên được đào tạo và thực tế giảng dạy vẫn còn nhiều “khoảng cách”, do đó, việc lựa chọn môn thi thứ 3 nên tránh các môn tích hợp để học sinh làm quen dần với phương thức thi mới.

Là trường học thuộc huyện miền núi Quan Sơn, Trường THCS Trung Thượng hiện có 44 học sinh lớp 9. Thầy Lương Minh Thắng, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Môn thi thứ 3 nếu bốc thăm ngẫu nhiên thì rất khó cho học sinh miền núi bởi nếu bốc phải môn thi tích hợp hoặc các môn như Tin học, Công nghệ, thì chắc chắn kết quả thi sẽ khó được như mong đợi do điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên giảng dạy các môn học này ở khu vực miền núi còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Do đó, nhà trường vẫn mong muốn phương án thi 3 môn cố định: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh để đảm bảo chất lượng công tác tuyển sinh và đảm bảo chất lượng dạy học môn Tiếng Anh ở các huyện miền núi.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường THCS Cù Chính Lan (TP Thanh Hóa) Lê Thị Hoa cho rằng: Bộ GD&ĐT quy định việc bốc thăm môn thi thứ 3 nhằm tránh tình trạng học sinh học lệch, học “tủ”. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT dự kiến các địa phương công bố môn thi thứ 3 trước ngày 31/3 là quá sát với lịch thi, nhất là trong điều kiện thi vào lớp 10 THPT ở các trường học khu vực thành phố thực sự là một “cuộc đua” với các em học sinh. Do đó, giáo viên, học sinh, phụ huynh mong muốn môn thi thứ 3 nên được công bố sớm, có kế hoạch lâu dài và ít thay đổi để học sinh không bị xáo trộn nhiều. Bên cạnh đó, thời gian thi nên là 120 phút mỗi môn để kiểm tra tổng thể kiến thức của học sinh. Tỷ lệ câu hỏi tự luận nhiều hơn câu hỏi trắc nghiệm. Tỷ lệ nên là 30% trắc nghiệm và 70% tự luận.

Việc Bộ GD&ĐT dự kiến thay đổi môn thi thứ 3 qua các năm nhằm tránh việc học lệch, học “tủ” của thí sinh, tuy nhiên điều này lại khiến các địa phương khó lựa chọn. Trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT Thanh Hóa Trịnh Trọng Nam cho biết: Sẽ có một số phương án được đưa ra như quy định lấy một số môn trong chương trình THCS sau đó luân phiên hoặc cố định luân phiên tất cả các môn theo quy định (là các môn học có đánh giá bằng điểm số trong CTGDPT cấp THCS... Các phương án này vẫn đang trong quá trình bàn thảo, thống nhất.

Dự kiến Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và THPT thay thế thông tư hiện hành sẽ được Bộ GD&ĐT hoàn thiện và ban hành chính thức trước ngày 31/12/2024. Trước nhiều luồng ý kiến về việc lựa chọn môn thi thứ 3, dư luận xã hội mong muốn Bộ GD&ĐT sẽ tìm được phương án khả thi, tránh gây xáo trộn và lo lắng không cần thiết, ảnh hưởng đến tâm lý học sinh.

Bài và ảnh: Linh Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-con-ban-khoan-viec-lua-chon-mon-thi-thu-3-231715.htm