Vẫn còn nhiều băn khoăn về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Ngày 20-6, sau khi Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo luật này.
Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐB) đồng ý ban hành luật này, vì lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nhấn mạnh, trong điều kiện hiện nay khi tình hình trong nước, khu vực và thế giới liên quan đến công tác bảo đảm ANTT đang diễn biến hết sức nhanh chóng, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp với nhiều vấn đề mới nảy sinh đã đặt ra yêu cầu phải tăng cường và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT tại địa bàn cơ sở.
“Tình hình tai nạn, tệ nạn xã hội ở nhiều địa phương vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp; tình hình vi phạm các quy định về tham gia giao thông, về quản lý cư trú… diễn ra khá phổ biến. Như vừa qua xảy ra vụ tấn công ở Đắk Lắk là ví dụ, nên người dân rất cần lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở”, ĐB Trần Hoàng Ngân phát biểu.
ĐB Nguyễn Minh Hoàng (TPHCM) cũng đồng tình thành lập vì càng ngày lực lượng tại chỗ càng quan trọng, thể hiện rõ nhất qua công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua.
ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM) cho rằng, nhân dân rất cần lực lượng này, luật sẽ tạo hành lang pháp lý cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở hoạt động hiệu quả, đúng luật, đây là lực lượng nòng cốt hỗ trợ công an chính quy.
Tuy nhiên, tương tự ý kiến thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và an ninh (QPAN) của Quốc hội, các ý kiến cho rằng, do nội dung dự thảo luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an nhân dân và một số lực lượng khác có liên quan ở cơ sở, nên đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; bảo đảm chặt chẽ, khả thi khi áp dụng luật.
Các ý kiến cũng đề nghị việc sắp xếp, kiện toàn các lực lượng này cần phải quán triệt nguyên tắc không làm tăng biên chế và ngân sách nhà nước, không phát sinh thủ tục hành chính, không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng khác ở cơ sở hiện nay.
Theo ý kiến của nhiều ĐBQH ở đoàn TPHCM, việc không làm tăng thêm ngân sách nhà nước cho lực lượng này hoạt động rất khó thực hiện, vì không có nguồn lực thì không bảo đảm được hoạt động, do đó, cần tính toán việc chi ngân sách cho lực lượng này. Chính phủ cần đánh giá kỹ, tính toán đủ mức kinh phí mà ngân sách nhà nước phải bảo đảm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; động viên, khuyến khích được người dân tham gia, phù hợp với khả năng chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, làm cơ sở để Quốc hội xem xét quyết định.
ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho rằng, cần tính kỹ nguồn lực và điều kiện bảo đảm hoạt động cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Bên cạnh đó, cần làm rõ nội dung bố trí địa điểm làm việc của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
ĐB Tạ Thị Yên cho rằng, khi thu gọn từ 3 đầu mối là công an xã bán chuyên trách, lực lượng bảo vệ dân phố và lực lượng dân phòng thành 1 đầu mối là lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở (Tổ bảo vệ ANTT) thì việc bố trí địa điểm làm việc sẽ đỡ áp lực hơn. “Tuy nhiên, điều này có thực sự không làm tăng chi ngân sách, không gây áp lực đối với các địa phương trong việc bảo đảm kinh phí để đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị cho lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở, cần làm rõ?”, ĐB Tạ Thị Yên đặt câu hỏi.
Dự thảo luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được giao thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ bảo vệ ANTT với tính chất là tham gia hỗ trợ công an cấp xã và theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của công an cấp xã (lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở không thực hiện nhiệm vụ quản lý, không thực hiện biện pháp bảo đảm ANTT mà do công an cấp xã trực tiếp thực hiện).
Tuy nhiên, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) và một số ý kiến băn khoăn cho rằng dự thảo luật quy định các nhóm nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là rộng và “nặng” so với vị trí, chức năng là lực lượng tham gia, hỗ trợ lực lượng công an chính quy trong hoạt động bảo đảm ANTT, nhiều nhiệm vụ đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức về pháp luật, có chuyên môn, nghiệp vụ ở mức độ nhất định.
Về xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, các ĐB đề nghị đánh giá cụ thể hơn tính khả thi về mô hình tổ chức, số lượng người tham gia tùy vào yêu cầu thực tế tình hình ANTT ở cơ sở để bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao mà không lãng phí nhân lực cũng như không để chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ. Cần tách bạch rõ giữa nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở với nhiệm vụ của công an cấp xã và chính quyền cơ sở.
Phát biểu về dự thảo luật, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, nguyên tắc xuyên suốt là xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, trong đó Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, lực lượng vũ trang là nòng cốt. Nhưng để đảm bảo ANTT nói chung, ANTT ở cơ sở nói riêng là nhân dân. Phải dựa vào dân, lấy sức dân để bảo đảm ANTT ở cơ sở.
ĐB Phan Văn Mãi băn khoăn, dường như chúng ta đang nâng vai trò, vị trí của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở lên cao quá, chỗ này cần điều chỉnh lại cho đúng tầm mức. Chúng ta cần có một lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để tham gia, hỗ trợ, nhưng vị trí, vai trò phải đúng, từ đó tuyển chọn, tập huấn lực lượng, đầu tư, xây dựng quy chế hoạt động phối hợp cho phù hợp. Mặt khác, vì đây là lực lượng hỗ trợ cho lực lượng công an, quân đội trên địa bàn nên cần làm rõ sự phối hợp giữa các lực lượng trên địa bàn cơ sở. Bên cạnh đó, trong tình huống xảy ra sự việc ngoài địa bàn thì cũng cần có quy định điều lực lượng sang địa bàn khác. Theo đồng chí Phan Văn Mãi, nếu dự thảo còn nhiều băn khoăn thì nên nghiên cứu thêm để hoàn thiện dự án luật.