Vạn dặm tìm về cội nguồn sông Nile

Từ khi phiến đá Rosetta được phát hiện vào đầu thế kỷ 19 thì thung lũng sông Nile và lịch sử Ai Cập đã luôn là nỗi ám ảnh điên cuồng đối với thế giới phương Tây. Thế nhưng phải đến 7 thập niên sau thì những bí ẩn mới được vén màn qua cuộc hành trình vô cùng thú vị nhưng cũng bi thương sẽ được tái hiện trong tác phẩm 'Dòng sông của những vị thần' từ tác giả Candice Millard.

‘Thương vụ’ bất khả thi

Suốt nhiều thế kỷ, việc tìm ra điểm bắt nguồn của dòng sông Nile được xem là “chén Thánh” của ngành địa lý bởi sự khốc liệt trong việc tìm ra lời giải. Nó từng thu hút sự quan tâm của Herodotus, Alexander Đại đế, Caesar cho đến bạo chúa Nero cũng như nhiều nhà thám hiểm vào thế kỷ 19 khi những bí ẩn từ châu Phi đến châu Úc, châu Á và Nam Cực đã dần được phơi bày.

Roderick Murchison, Chủ tịch Hiệp hội Địa lý Hoàng gia Anh, vào thời điểm đó đã tuyên bố rằng bất cứ ai tìm ra “cội nguồn đích thực của nhánh sông Nile Trắng” sẽ được “coi là một trong số những người có công lớn nhất đối với ngành khoa học địa lý thời nay.”

Bản đồ Ai Cập cổ đại. Nguồn: carnegiemnh.org

Bản đồ Ai Cập cổ đại. Nguồn: carnegiemnh.org

Sự quan tâm sâu sắc của họ dành cho sông Nile không chỉ vì đây là con sông dài nhất thế giới với lưu vực kéo dài hơn một triệu dặm vuông, mà còn bởi nó đã góp phần sản sinh ra một trong những nền văn minh lâu đời và giàu có nhất thế giới.

Hành trình để khám nó vốn là khó nhằn bởi phần lớn vùng lãnh thổ này nằm dưới sự bảo vệ của người bản địa cũng như có vô vàn thách thức về mặt thể chất, khí hậu, thổ nhưỡng, bệnh tật... Vì vậy đến khoảng những năm 1850 khi niềm tự hào dân tộc của Anh Quốc cũng như uy tín của những khám phá khoa học mang tính cách mạng cùng các kế hoạch để bành trướng thêm tầm ảnh hưởng của đế quốc bị đe dọa, thì Hiệp hội Địa lý Hoàng gia đã đi đến quyết định triển khai một trong những cuộc thám hiểm phức tạp và đòi hỏi nhiều nguồn lực nhất từ trước đến nay.

Mặc dù trong số các thành viên của tổ chức này có nhiều ngôi sao sáng chói của giới khoa học như Charles Darwin hay David Livingstone, nhưng họ biết rằng công việc này sẽ đòi hỏi kinh nghiệm và vốn hiểu biết sâu sắc vượt ngoài tầm với của bất cứ thứ gì từng đạt được trong quá khứ. Nó sẽ cần đến sự trợ giúp của những hướng dẫn viên và người khuân vác lành nghề gốc Phi, một khoản nợ to lớn hiếm thấy và cũng sẽ cần nhiều hơn một nhà thám hiểm thông thường. Cuối cùng, Đại úy Richard Francis Burton cùng người hỗ trợ - John Hanning Speke, đã được chọn lựa.

Đại úy Richard Francis Burton, một trong hai người đã tìm thấy thượng nguồn sông Nile. Ảnh: Telegraph

Đại úy Richard Francis Burton, một trong hai người đã tìm thấy thượng nguồn sông Nile. Ảnh: Telegraph

Bằng những tài liệu là các cuốn sách kể lại những chuyến du hành vốn đã quen thuộc vào giai đoạn đó khi các nhà khám phá thường cho xuất bản hay đăng trên báo nhật ký ghi lại hành trình của mình, tác giả Candice Millard đã đối chiếu, so sánh cũng như bổ khuyết giữa những lời kể mang tính đối lập, từ đó tạo ra tác phẩm đầy đủ cũng như đa chiều về hành trình này.

Nói đa chiều là bởi từ lâu cuộc khám phá thượng nguồn của dòng Nile Trắng không chỉ nổi tiếng vì sự khó nhằn như đã nói trên, mà còn vang danh giữa sự cạnh tranh của Burton và Speke – những người đều coi bản thân là người dẫn dắt hành trình nói trên và dành cho người còn lại những sự đả kích. Hẳn nhiên Millard đã rất may mắn để không tạo ra cảm giác thiên vị, vì cái chết đột ngột của Speke trong cuộc tranh luận cuối cùng vào năm 1864 đã như lời đáp cho ai nắm giữ sự thật.

Những cuộc cạnh tranh

Vì vậy trên nền tài liệu mà mình đã có, Millard đã phục dựng lại chân dung hai nhà thám hiểm và cũng cấu trúc cuốn sách chính trên nền đó. Cô cho ta thấy một Burton liều lĩnh, đam mê và ham học hỏi với “kỷ lục” có một không hai trước đó là cải trang thành tín đồ Hồi giáo để thâm nhập vào Thánh địa Mecca thiêng liêng. Ông cũng biết hơn 20 ngoại ngữ, có ý chí sắt đá và đầy tự tin để bắt đầu cuộc hành trình vào mùa hè năm 1854 ở tuổi 33 vốn được định trước là đầy khó khăn.

Dù còn nhiều bất nhất trong các tài liệu để lại của Burton và Speke, nhưng việc tự sát của Speke phần nào chứng minh những gì Burton đưa ra là chính xác hơn cả. Ảnh: South West Heritage

Dù còn nhiều bất nhất trong các tài liệu để lại của Burton và Speke, nhưng việc tự sát của Speke phần nào chứng minh những gì Burton đưa ra là chính xác hơn cả. Ảnh: South West Heritage

Kết quả không ngoài dự đoán khi đi qua vùng Somaliland – nơi có nhiều quốc gia đối đầu với phương Tây – đã khiến Burton và bầu đoàn của mình bị tấn công bởi 350 người Somalia và phải rút lui một cách đáng tiếc. Nó đã tạo ra sự mất mát lớn về mặt nhân sự, cũng như khơi ra hiềm thù đầu tiên giữa Speke và Burton trong việc dẫn đầu hành trình tìm ra thượng nguồn sông Nile.

Khắc họa về hai nhân vật, ở buổi ban đầu, Millard cho thấy trạng thái trung dung giữa hai người này khi cô không đứng về phía nào cả. Cả Burton và Speke đều có những mặt tối riêng, và họ đều thể hiện hết trong những lá thư hoặc các công trình mình cho ra mắt. Mọi thứ chỉ càng rõ ràng ở cuộc du hành sau lần thất bại đầu tiên ấy, khi hướng du hành chuyển về phía Bắc băng qua Zanzibar để đến vùng hồ Tanganyika.

Gạt qua hết những bất đồng, lần này Burton vẫn cộng tác tiếp với Speke, và quả thực nó đã có kết quả. Theo các ghi chép, cả hai người họ nhanh chóng căng thẳng với người còn lại, kết hợp với sự thiếu lương thực, những người khuân vác liên tục chạy trốn cũng như bệnh tật và sự bất hợp tác từ người bản xứ... mà cho đến cuối, khi Burton mắt chứng bại liệt tạm thời, thì Speke đã giữ lấy quyền và tìm ra nơi khởi nguồn của sông Niles Trắng là hồ Nyanza hay sau này được đặt tên là Victoria theo nữ hoàng Anh.

Bìa sách Dòng sông của những vị thần. Ảnh: HH

Lần thứ hai này Millard sử dụng nhiều hơn ghi chép của Burton để cho ta thấy được sự khổ cực của đoàn thám hiểm, với mọi nguy hại luôn luôn chực chờ. Vốn là nhà dân tộc học vô cùng nổi tiếng cũng như đã có bài học sau lần bị tấn công ấy, mà qua trang viết của vị đại úy ta cũng biết đến một vùng Đông Phi màu mỡ, trù phú khi còn hoang dã với đủ thứ loài động – thực vật đa dạng, những thói quen, cách sống cũng như quan niệm đạo đức của cư dân địa phương... Đây có thể nói là những trang viết vô cùng giá trị về vùng đất này ở giai đoạn đó, cho thấy được những vẻ đẹp riêng của một nơi chốn vốn được mệnh danh là cùng trời cuối đất. Và với nhiều sự khác biệt, nó cũng tạo ra không ít khó khăn cho đoàn thám hiểm, từ đó cho thấy ý chí mạnh mẽ và tinh thần không bỏ cuộc của những người này.

Trở về nước Anh, cuộc chiến tranh giành công trạng tìm thấy ngọn nguồn liên tục diễn ra trên khắp mặt báo giữa hai người họ. Millard đã trần thuật lại một cách sống động giai đoạn nói trên, để ta thấy rằng không ai có được tất cả mà ẩn sau đó là những dằn vặt cũng như xấu hổ khi những thành tích giờ đã che mờ đi khoảng thời gian đồng cam cộng khổ họ đã cùng có.

Cái chết phần nhiều mang tính tự sát của Speke và sự tha thứ dù không nói ra của Burton sau rốt là sự hòa giải. Cuối cùng hành trình tìm ra sông Niles cũng là câu chuyện của chính con người, mà qua đó tác giả cũng cho ta thấy được sự đóng góp của những người dẫn đường bản địa từ trước đến nay đã bị che mờ. Trong hành trình này đó là Sidi Mubarak Bombay – cá nhân chưa từng được biết vào giai đoạn đó, nhưng đã đóng góp vai trò vô cùng quan trọng.

Tác giả Candice Millard. Ảnh: Wall Street Journal

Tác giả Candice Millard. Ảnh: Wall Street Journal

Dòng sông của những vị thần có thể nói không chỉ là việc đưa đến một câu chuyện tìm ra thượng nguồn sông Nile hấp dẫn, lôi cuốn và rất đầy đủ từ việc tổng hợp những gì để lại của các ý kiến trái chiều, mà qua đó cũng truyền tải vẻ đẹp của vùng Đông Phi hoang sơ một thuở cũng như để ta trân quý tính cách mạnh mẽ, ý chí kiên cường của các nhà thám hiểm cũng như gửi lời tri ân đến những cá nhân đã bị che mờ bởi lớp bụi thời gian cũng như định kiến. Một tác phẩm được viết cuốn hút với những nhân vật không thể xóa nhòa, thôi thúc người đọc không ngừng lật trang.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/van-dam-tim-ve-coi-nguon-song-nile-45581.html