Vạn Đạt Group (VDG) huy động tiền mua tài sản của Chủ tịch HĐQT
Trong 60 tỷ đồng dự kiến thu được từ đợt phát hành riêng lẻ, Công ty cổ phần Vạn Đạt Group (mã VDG) sẽ chi phần lớn để nhận chuyển nhượng các tài sản của Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Cổ phiếu VDG từng thu hút sự chú ý của thị trường khi có chuỗi phiên tăng trần liên tiếp sau khi chào sàn. Từ mức giá tham chiếu 11.000 đồng/cổ phiếu trong phiên 26/9/2024, thị giá VDG đã tăng lên mức 35.100 đồng/cổ phiếu vào phiên 4/10/2024, ghi nhận mức tăng 3,2 lần chỉ sau một tuần.
Sau đà tăng nóng, cổ phiếu VDG nhanh chóng đảo chiều giảm mạnh, đóng cửa phiên 5/12/2024 ở mức 19.400 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn nhiều so với giá trị sổ sách (khoảng 11.400 đồng/cổ phiếu). Khối lượng giao dịch cổ phiếu từ những phiên vài chục nghìn đơn vị/phiên, đến nay chỉ lèo tèo vài trăm đến vài nghìn đơn vị.
Lên sàn chưa lâu, Vạn Đạt Group dự kiến tổ chức đại hội cổ đông bất thường năm 2024 vào ngày 20/12 để thông qua kế hoạch chào bán 6 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu trong quý I - II/2025.
Kế hoạch này sẽ được thực hiện sau khi Công ty hoàn thành đợt phát hành 500.000 cổ phiếu trả cổ tức năm 2023 theo tỷ lệ 10% (danh sách chốt ngày 4/12) và 275.000 cổ phiếu ESOP theo tỷ lệ 5% (chưa công bố thời gian).
Nếu hoàn tất các đợt phát hành, vốn điều lệ của Vạn Đạt Group sẽ tăng từ 50 tỷ đồng lên gần 118 tỷ đồng, tương ứng tăng gấp 2,36 lần.
Với kế hoạch chào bán riêng lẻ, tổng số tiền Công ty dự kiến huy động được là 60 tỷ đồng. Ngoài việc bổ sung 10 tỷ đồng vào vốn lưu động, số tiền còn lại, Vạn Đạt Group sẽ dùng để nhận chuyển nhượng một số tài sản từ ông Trần Văn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty.
Trong đó, Vạn Đạt Group sẽ trình cổ đông xem xét việc ký kết hợp đồng nhận chuyển nhượng đất lô đất 2.564 m2 tại khu phố Hòa Long, phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, với giá trị hợp đồng dự kiến là 28 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong năm 2024 - 2025.
Đồng thời, Công ty dự kiến mua lại 2,5 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Bất động sản Vạn Đạt từ ông Trần Văn Anh, với mức giá 10.000 đồng/cổ phần. Giá trị giao dịch dự kiến 25 tỷ đồng. Bất động sản Vạn Đạt được thành lập năm 2017, với số vốn điều lệ hiện tại là 205 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Dù Vạn Đạt Group chưa cho biết mục đích cụ thể của việc mua cổ phần Bất động sản Vạn Đạt nhưng trong định hướng phát triển được Ban lãnh đạo chia sẻ tại bản công bố thông tin tháng 8/2024 lại không nhắc đến lĩnh vực bất động sản. Cụ thể, Công ty cho biết “tiếp tục tập trung phát triển sản phẩm sợi, chỉ may, tiến tới phát triển lĩnh vực sản xuất dệt vải từ sợi polyester”.
Vạn Đạt Group tiền thân là Công ty cổ phần Tập đoàn Kiến trúc Vạn Đạt, được thành lập năm 2019, với hoạt động ban đầu là kinh doanh bất động sản.
Năm 2021, trước những khó khăn trong hoạt động kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp đã tìm hướng đi mới, chỉ tập trung kinh doanh lĩnh vực thương mại nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến chỉ may mặc và đổi tên thành Công ty cổ phần Vạn Đạt Group vào tháng 11/2021. Hiện tại, 100% doanh thu của Công ty đến từ lĩnh vực thương mại các sản phẩm sợi, chỉ may.
Thông tin cập nhật cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần Công ty đạt hơn 110 tỷ đồng, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm ngoái do giá bán được cải thiện. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 1 tỷ đồng, giảm 16,67% do biên lợi nhuận gộp suy giảm mạnh, khi giá vốn hàng vốn của các sản phẩm cũ tăng mạnh hơn giá bán ra.
Đồng thời, do cạnh tranh ngày càng gay gắt các sản phẩm mới được nhập về, biên lợi nhuận không được tốt so với các sản phẩm trước đó được bán ra trong năm 2022 và năm 2023.
Vạn Đạt cho biết, mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp là rủi ro tỷ giá khi sức mạnh của đồng USD vẫn đang được duy trì. Là đơn vị nhập khẩu hàng hóa đầu vào nên yếu tố tỷ giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của Công ty.
Vạn Đạt Group cũng là doanh nghiệp đi sau trong lĩnh vực thương mại sợi chỉ may mặc, quy mô Công ty chưa đủ lớn nên sẽ mất thời gian để chiếm được thị phần, mở rộng thị trường. Đặc biệt, nhu cầu sản phẩm chỉ may sẽ phụ thuộc vào đơn hàng xuất khẩu may mặc hoặc gia công từ nước ngoài, nên nếu nhu cầu cho các sản phẩm may mặc sụt giảm sẽ ảnh hưởng đến đầu ra của Công ty.