Vấn đề cấp thiết...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Kỳ họp tới, Quốc hội sẽ xem xét việc cải cách tiền lương, điều chỉnh lương cơ sở...
Tại buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng diễn ra mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Kỳ họp tới, Quốc hội sẽ xem xét việc cải cách tiền lương, điều chỉnh lương cơ sở...
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, do nguyên nhân khách quan, nhất là tác động của dịch bệnh Covid-19, lộ trình cải cách tiền lương bị chậm lại nên việc điều chỉnh lương với cán bộ, công chức, viên chức hiện đã là vấn đề cấp thiết.
Trong điều kiện chưa thể cải cách căn bản tiền lương cũng cần điều chỉnh, tăng lương cơ sở. Mức độ, liều lượng, thời gian điều chỉnh cụ thể thế nào Quốc hội sẽ bàn kỹ với Chính phủ để báo cáo Trung ương có quyết sách về vấn đề này - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Thực tế, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 27 năm 2018, lộ trình cải cách tiền lương đã nhiều lần “lỡ hẹn”. Bên cạnh đó, do chưa thực hiện cải cách nên tiền lương của công chức, viên chức đang thực hiện theo bảng lương hiện hành - vốn được cho là đã thể hiện bất cập, dù đã qua nhiều lần điều chỉnh lương cơ sở nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu...
Ở góc nhìn khác, theo số liệu thống kê, ước tính tổng thu ngân sách Nhà nước 8 tháng năm nay đạt tới 1,2 triệu tỷ đồng, bằng 85,6% dự toán năm và tăng 19,4% so cùng kỳ năm trước.
Đây là tiền đề đặc biệt quan trọng để thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm giảm bớt khó khăn khi mặt bằng giá mới đã hình thành sau các biến động liên tục của giá xăng, dầu, lạm phát 3 năm qua, trong khi lương đáng lẽ được tăng từ tháng 7/2020 theo lộ trình.
Phân tích thêm về vấn đề này, có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội nên việc trì hoãn tăng lương là hợp lý.
Tuy nhiên, hiện dịch đã được khống chế, xã hội đã trở lại trạng thái bình thường mới nhưng giá cả vẫn leo thang, đời sống cán bộ, công chức, viên chức rất khó khăn.
Do đó, việc nghiên cứu tăng lương ngay từ đầu năm 2023 là đòi hỏi gấp rút, nhằm kích thích chất lượng nguồn lực, giúp cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác với năng suất cao hơn.
Có thể năm 2023, dịch bệnh Covid-19 chưa thể chấm dứt, nền kinh tế dù đã phục hồi nhưng còn rất khó khăn cho nên việc cải cách tiền lương theo lộ trình mà Nghị quyết 27 năm 2018 xác định cũng không dễ dàng và phải có những điều chỉnh cần thiết để bảo đảm khả thi.
Thế nhưng, dù thế nào đi chăng nữa thì như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra hồi đầu tháng 6 vừa qua là cần điều chỉnh tiền lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức vào ngày 1/7 hàng năm. Năm sau cần tính toán việc này, vì suy cho cùng đó cũng là chi cho đầu tư phát triển, góp phần kích cầu.
Lộ trình điều chỉnh tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức đã bị lùi lại khá lâu. Đây là sự “hy sinh” của những người hưởng lương và cũng là “món nợ” - nên không có lý do gì để kéo dài thêm. Vấn đề còn lại là cần có lộ trình cụ thể, rõ ràng, bởi lương là nhân tố quan trọng để tái sản xuất sức lao động, tăng năng suất…
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-de-cap-thiet-post610062.html