Vận dụng linh hoạt phương pháp dạy môn Giáo dục địa phương

Giáo dục địa phương - môn học bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018, mang 'bản sắc' riêng từng địa phương về lịch sử, truyền thống, nét đẹp quê hương.

Học sinh Trường THCS Trường Thọ, huyện An Lão tìm hiểu về nét đẹp quê hương. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường THCS Trường Thọ, huyện An Lão tìm hiểu về nét đẹp quê hương. Ảnh: NTCC

Qua môn học góp phần giáo dục tình yêu, niềm tự hào, ý thức tự cường, ý chí vươn lên trong học tập, lao động của học sinh.

Tự hào “nơi chôn nhau, cắt rốn”

Môn học Giáo dục địa phương được giảng dạy xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 của chương trình mới. Bộ GD&ĐT giao các địa phương biên soạn tài liệu, kế hoạch giảng dạy sao cho phù hợp tình hình từng địa phương, vùng miền… Thông qua môn học, học sinh có thêm kiến thức hữu ích về nơi sinh sống, bồi dưỡng tình yêu, ý thức tìm hiểu và vận dụng điều đã học để xây dựng quê hương.

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng môn Giáo dục địa phương đối với thế hệ trẻ, ngành Giáo dục Hải Phòng đã tăng cường triển khai dạy môn học này. Tùy từng cấp học với phân tiết cụ thể, nhưng nội dung giáo dục hướng đến các vấn đề: Lịch sử truyền thống cách mạng, di sản văn hóa, địa lý, kinh tế, hướng nghiệp, chính trị - xã hội, môi trường của địa phương.

Tài liệu Giáo dục địa phương Hải Phòng được xây dựng theo hướng tích hợp, chú trọng thực tiễn và vận dụng. Do đó, đòi hỏi giáo viên phải vận dụng linh hoạt phương pháp, hình thức dạy học tích cực, tổ chức hoạt động học tập để tăng cường trải nghiệm cho học sinh.

Ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết, với cấp THCS, nội dung giáo dục địa phương có nhiều điểm mới so với chương trình cũ. Trước đây, tiết học địa phương được lồng ghép vào nhiều môn học, nhưng với Chương trình GDPT 2018, các nội dung thuộc 6 phân môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục công dân được gộp thành nội dung giáo dục địa phương.

Nội dung này có vị trí như một môn học được phân bổ thời gian 35 tiết học/năm nhằm trang bị cho các em hiểu biết căn bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường… địa phương mình. Đồng thời, qua việc học, học sinh được bồi dưỡng tình yêu quê hương, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng nơi sinh sống, kỹ năng giải quyết vấn đề thực tiễn tại gia đình, dòng họ, địa phương.

Việc dạy và học môn Giáo dục địa phương được các trường học trên địa bàn thành phố Hải Phòng thực hiện linh hoạt, sáng tạo và mang lại hiệu quả thiết thực. Tại huyện An Dương - vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, huyện duy trì các làng nghề truyền thống như thêu ren, móc chỉ, đan len ở xã An Hưng, Đại Bản; mây tre đan ở Bắc Sơn, Hồng Thái và các sản phẩm mỹ nghệ chất lượng cao.

Đặc biệt, huyện có 5 làng nghề được UBND thành phố công nhận, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ cấp) giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu như: Làng nghề hoa, cây cảnh Đồng Dụ; làng nghề hoa, cây cảnh Tri Yếu (xã Đặng Cương); làng nghề hoa, cây cảnh Minh Kha (xã Đồng Thái); làng nghề bánh đa Kinh Giao (xã Tân Tiến).

Xuất phát từ thế mạnh và giá trị vốn có của nghề truyền thống địa phương, nhiều trường THCS trên địa bàn đã khai thác, giảng dạy theo chủ đề cho học sinh lớp 6. Cụ thể, học sinh Trường THCS Hồng Thái được thầy cô hướng dẫn tìm hiểu về làng nghề truyền thống đăng đó Tiên Sa. Học sinh Trường THCS Bắc Sơn ngược thời gian tìm về nghề sản xuất bánh Nòng. Học trò Trường THCS Đại Bản học nghề trồng rau gia vị của địa phương.

Ông Vũ Mạnh Hùng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện An Dương cho hay, giáo dục học sinh qua nét đẹp truyền thống quê hương góp phần bồi đắp tâm hồn, hướng các em về những giá trị hiện hữu đời thường nhưng sâu lắng. Từ kiến thức lý thuyết đến quá trình trải nghiệm thực tiễn đời sống, học sinh báo cáo qua dự án học tập rất sinh động. Qua đó giáo dục các em tình yêu quê hương, ý thức tự tìm hiểu, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa địa phương.

Tiết dạy môn Giáo dục địa phương lớp 6 về nghề truyền thống. Ảnh: NTCC

Tiết dạy môn Giáo dục địa phương lớp 6 về nghề truyền thống. Ảnh: NTCC

Thầy nỗ lực, trò hào hứng

Cô Phạm Thị Tuyết Nhung - Trường THCS Bắc Sơn, huyện An Dương chia sẻ, tiết dạy tìm hiểu làng nghề truyền thống thuộc chủ đề số 7 – “Nghề truyền thống ở Hải Phòng” trong tài liệu Giáo dục địa phương thành phố Hải Phòng lớp 6. Chủ đề có 3 mục tiêu: Học sinh kể tên các nghề truyền thống ở Hải Phòng; lập và thực hiện được kế hoạch hoạt động; có ý thức giữ gìn, phát triển nghề truyền thống.

Để dạy học chủ đề này, cô Nhung chia lớp thành 3 nhóm và dạy theo dự án. Qua tiết giảng trên lớp, học sinh được cung cấp lý thuyết, quan sát, trải nghiệm làng nghề truyền thống tại gia đình, hàng xóm, đồng thời có cơ hội tìm hiểu nhiều nghề khác nhau tại các xã lân cận để so sánh, làm nổi bật giá trị. Sau khi thu thập thông tin, từng nhóm học sinh hoàn thiện báo cáo dưới dạng bài thuyết trình, video phóng sự… Cô giáo nhận xét phần việc từng nhóm và lồng ghép nội dung hướng nghiệp, khơi gợi ý tưởng khởi nghiệp, phát triển nghề truyền thống của địa phương cho học sinh.

Huyện Thủy Nguyên - mảnh đất giàu giá trị văn hóa tinh thần, cái nôi nghệ thuật hát Đúm. Để giới thiệu đến học sinh nét đẹp quê hương, Trường THCS Lập Lễ chọn đưa nội dung này vào giảng dạy. Theo ông Nguyễn Văn Năng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thủy Nguyên, hát Đúm gắn với hình thành và phát triển vùng đất, con người Thủy Nguyên.

Cái nôi của hát Đúm gồm các xã Phục Lễ, Lập Lễ, Phả Lễ. Năm 2018, nghệ thuật hát Đúm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Việc đưa hát Đúm vào giảng dạy góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống địa phương.

Để giới thiệu cho học sinh nắm được cái hay, đẹp của nghệ thuật hát Đúm, thầy cô phải tìm hiểu kỹ và tham khảo ý kiến các nghệ nhân. Ngoài học kiến thức, lý thuyết, các em được phân tích trích đoạn gồm các nội dung: Tìm nhịp, chia câu hát đoạn trích, tìm câu đệm mở và đệm kết, tìm ký hiệu âm nhạc sử dụng trong đoạn trích. Đặc biệt, các em còn được học cách hát kết hợp vận động cơ thể theo nhịp, hát kết hợp nhạc cụ...

Môn Giáo dục địa phương trang bị cho học sinh những hiểu biết nhất định về quê hương nơi mình sinh ra và lớn lên, nhất là các làng nghề và giá trị văn hóa, tinh thần. Từ đó, góp phần bồi dưỡng tình yêu quê hương, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, kỹ năng giải quyết những vấn đề thực tiễn tại gia đình, dòng họ, địa phương. Để dạy học hiệu quả môn học này, nhà trường yêu cầu giáo viên vận dụng linh hoạt phương pháp và hình thức dạy học tích cực. - Thầy Đào Văn Thảo (Hiệu trưởng Trường THCS Lập Lễ)

Nguyễn Dịu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-dung-linh-hoat-phuong-phap-day-mon-giao-duc-dia-phuong-post684575.html