Vân Hồ phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến
Với sự quan tâm của tỉnh và nỗ lực của huyện trong công tác thu hút đầu tư, huyện Vân Hồ tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng nguyên liệu gắn với các cơ sở chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và phát triển bền vững.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Vân Hồ có 9 nhà máy, xưởng chế biến nông sản, gồm: 4 nhà máy chế biến chè, 3 xưởng chế biến măng, 2 nhà máy chế biến rau và hoa quả tươi. Ngoài ra, còn có các nhà máy, cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh đến mua nguyên liệu, là điều kiện để phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến.
Ông Thái Bá Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Vân Hồ, cho biết: Với khâu đột phá là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến và xuất khẩu, huyện chỉ đạo các xã tập trung áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt; phát triển khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển cơ sở bảo quản, chế biến nông sản; phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy, cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2020 đến nay, nhân dân chuyển đổi vùng trồng lúa ruộng 1 vụ sang gieo trồng cây hoa màu, rau củ các loại với tổng diện tích 1.250 ha. Hiện nay, toàn huyện có gần 150 ha cây ăn quả và 12,8 ha rau đạt tiêu chuẩn VietGAP. Cây công nghiệp tiếp tục được tập trung đầu tư thâm canh, trọng tâm là phát triển vùng chè với tổng diện tích 1.409 ha. Đến nay, toàn huyện có 4.259 ha cây ăn quả, gồm 951 ha xoài, 798 ha nhãn, 170 ha bơ, 401 ha cam và một số loại cây ăn quả khác.
Đồng thời, xây dựng vùng nguyên liệu cung cấp cho Công ty TNHH IC FOOD Sơn La, với 5 HTX sản xuất rau an toàn với quy mô sản xuất thường xuyên 5 ha/HTX; rà soát, chỉ đạo phát triển vùng trồng rau an toàn tại các xã Vân Hồ, Lóng Luông, Chiềng Yên, Chiềng Khoa, Tô Múa, Song Khủa với tổng diện tích tập trung 70 ha, sản lượng 1.190 tấn để cung cấp sản phẩm rau cho nhà máy.
Hàng năm, huyện Vân Hồ cung cấp cho các nhà máy hơn 11.300 tấn chè búp tươi, chế biến trên 1.500 tấn chè thành phẩm; cung cấp cho các nhà máy gần 1.200 tấn rau, quả các loại. Ngoài ra, huyện có 2 doanh nghiệp và 4 HTX có 7 sản phẩm được công nhận đạt OCOP, gồm: 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao là trà matcha, trà sen tra, măng nứa sấy khô, hồng trà; 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao gồm mật ong bánh tổ, măng hốc muối chua, gạo tẻ râu.
Ông Lường Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Vân Hồ, thông tin: Thực hiện chủ trương của huyện về phát triển vùng nguyên liệu gắn với cơ sở chế biến, xã tập trung lãnh đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay, tổng diện tích cây ăn quả toàn xã đạt 663 ha, sản lượng quả tươi ước đạt 14.362 tấn/năm; vùng trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên 30 ha; vùng nguyên liệu chè với hơn 200 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 4.410 tấn/năm cung cấp cho các nhà máy. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác không ngừng tăng lên, năm 2022 đạt 65 triệu đồng/ha.
Ông Tráng A Cao, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp A Cao, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, chia sẻ: HTX trồng 20 ha rau, củ, quả. Bình quân mỗi năm, HTX xuất bán 236 tấn rau bắp cải, đậu cove, hồng giòn, cà chua, cam Vinh, bưởi, cam canh, quýt đường, lê, dâu tây. Sản phẩm của HTX được một số đơn vị, doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm, doanh thu đạt trên 2,5 tỷ đồng/năm.
Xây dựng vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy, cơ sở chế biến đã góp phần thúc đẩy nông nghiệp huyện Vân Hồ chuyển dịch đúng định hướng; tập trung tăng năng suất, chất lượng, tăng giá trị thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác. Huyện Vân Hồ tiếp tục hình thành các vùng nguyên liệu, tăng cường mối liên kết giữa các hộ nông dân, HTX với doanh nghiệp sản xuất, chế biến. Phấn đấu đến năm 2025 phát triển lên 1.500 ha chè, sản lượng chè búp tươi đạt 15.000 tấn/năm; 4.500 ha cây ăn quả, sản lượng quả tươi 10.000 tấn/năm; duy trì vùng trồng rau củ các loại trên 1.000 ha, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy, cơ sở chế biến...