Văn hóa ẩm thực vinh danh du lịch Việt

Đầu tháng 11-2020, Việt Nam được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) bình chọn là: Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á; Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á. Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam giành giải thưởng danh giá ở cả ba hạng mục này. Văn hóa, di sản và ẩm thực là ba yếu tố nổi trội mang lại những giải thưởng quốc tế danh giá cho du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, theo phân tích của Tổng cục Du lịch, dù Việt Nam là điểm đến đặc biệt nổi bật trên thế giới gắn với thế mạnh di sản và ẩm thực, nhưng mới chỉ phát huy khá tốt lợi thế về di sản để phát triển du lịch, còn về ẩm thực - yếu tố có thể tạo nên sự đột phá của du lịch, thì chưa được khai thác tốt.

Đầu tháng 11-2020, Việt Nam được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) bình chọn là: Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á; Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á. Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam giành giải thưởng danh giá ở cả ba hạng mục này. Văn hóa, di sản và ẩm thực là ba yếu tố nổi trội mang lại những giải thưởng quốc tế danh giá cho du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, theo phân tích của Tổng cục Du lịch, dù Việt Nam là điểm đến đặc biệt nổi bật trên thế giới gắn với thế mạnh di sản và ẩm thực, nhưng mới chỉ phát huy khá tốt lợi thế về di sản để phát triển du lịch, còn về ẩm thực - yếu tố có thể tạo nên sự đột phá của du lịch, thì chưa được khai thác tốt.

Tinh hoa ẩm thực Việt Nam thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo và chứa đựng tính nghệ thuật cao, sự khéo léo, tinh tế, nhân văn trong cách chế biến, thưởng thức. Đây thật sự là di sản văn hóa phi vật thể mang tính bền vững, là thế mạnh của Việt Nam cần được phát huy để định vị thương hiệu du lịch. Song, thời gian qua, chúng ta chưa thật sự chú tâm đến công tác quảng bá, chưa khai thác được hết những giá trị đặc sắc của ẩm thực. Nhiều món ăn truyền thống của Việt Nam như: phở, bún chả, nem, bánh mì… đã được các tạp chí du lịch, các cơ quan truyền thông quốc tế uy tín thừa nhận là những món ăn ngon, độc đáo hàng đầu thế giới, không thể không thưởng thức khi đến Việt Nam. Tuy vậy, việc tổ chức một cách đồng bộ, hiệu quả để phát huy yếu tố văn hóa ẩm thực Việt trong du lịch vẫn còn nhiều rào cản và hạn chế. Du lịch ẩm thực mới chỉ bắt đầu được chú ý ở một vài địa phương là trọng điểm du lịch (như: Hà Nội, Hội An, Ðà Nẵng, TP Hồ Chí Minh), còn nhiều địa phương khác vẫn lúng túng và gặp khó khăn trong phát triển du lịch ẩm thực, không xây dựng được những sản phẩm thật sự hấp dẫn. Đó là chưa kể, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm - một trong những rào cản đối với phát triển du lịch ẩm thực, chưa thật sự được cải thiện rõ rệt.

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang gấp rút chuẩn bị “Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa”. Đề án này nhằm tạo bước phát triển đột phá trong xây dựng sản phẩm du lịch, trong đó xác định: tập trung phát triển hai lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh gồm ẩm thực và di sản. Mục tiêu của đề án là định vị thương hiệu du lịch văn hóa dựa trên giá trị đặc sắc về di sản và ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao và được thị trường ưa chuộng, đưa văn hóa ẩm thực Việt trở thành tài sản quốc gia. Cụ thể, đến năm 2030, ngành du lịch văn hóa sẽ chiếm 15 đến 20% trong tổng số khoảng 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch. Đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Việt Nam sẽ có nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc mang thương hiệu quốc gia với chất lượng dịch vụ vượt trội, được đầu tư công phu, tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu, khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam hiện có hơn 50 nghìn đầu bếp chuyên nghiệp - lực lượng chủ lực để bảo tồn và phát triển ẩm thực truyền thống, đồng thời kết hợp được ẩm thực truyền thống với ẩm thực quốc tế. Ba năm trước, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã ra mắt Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển ẩm thực Việt Nam; thành lập Hội Đầu bếp Việt Nam và Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam… nhằm xúc tiến và quảng bá ẩm thực Việt trong nước và quốc tế, cũng như liên kết, tạo dựng thương hiệu cho ẩm thực Việt và xây dựng, chuẩn hóa các món ăn Việt Nam, góp phần xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách. Tháng 3-2018, lần đầu tiên Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã có động thái vinh danh ba nghệ nhân ẩm thực Việt.

Từ đề án tới thực tế còn rất nhiều việc phải làm. Cần có các giải pháp đồng bộ, mà trước hết phải ứng xử có trách nhiệm, có chính sách bảo tồn để gìn giữ, phát huy tốt nhất các di sản, trong đó có di sản văn hóa ẩm thực. Các chuyên gia kiến nghị, biện pháp để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực gắn với du lịch bền vững là: Tập trung ưu tiên sưu tầm và số hóa các món ăn tiêu biểu; đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền thương hiệu các món ẩm thực; xây dựng chuỗi các nhà hàng, dịch vụ ẩm thực; đào tạo đội ngũ đầu bếp chất lượng, giỏi tay nghề,... Đồng thời thống kê các loại hình di sản văn hóa ẩm thực đặc sắc của cộng đồng các dân tộc; tư liệu hóa di sản văn hóa ẩm thực; đưa di sản văn hóa ẩm thực vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; xây dựng một số trung tâm văn hóa ẩm thực - điểm đến du lịch; phối hợp liên ngành, hợp tác giữa các thành phần liên quan... Giải thưởng du lịch quốc tế uy tín là một bảo chứng tin cậy cho điểm đến hoặc thương hiệu nào đó. Các giải thưởng quốc tế danh giá về du lịch đã giúp gia tăng sự nhận diện, góp phần định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên phạm vi toàn cầu. Đây là tiền đề quan trọng để du lịch Việt Nam bứt phá trong giai đoạn hậu Covid-19. Và chúng ta có quyền kỳ vọng trong thời gian tới, ưu thế văn hóa ẩm thực sẽ được khai thác, phát huy tốt trong định vị và vinh danh thương hiệu du lịch văn hóa của Việt Nam.

QUANG ĐÔNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dien-dan/van-hoa-am-thuc-vinh-danh-du-lich-viet-624518/