Văn hóa đại chúng – Bí mật đằng sau sự thành công

Khi văn hóa không còn nằm trong lãnh thổ vốn có của nó mà bắt đầu du nhập vào một cộng đồng khác, chúng lan tỏa ngày càng mạnh mẽ rồi trở thành những làn sóng văn hóa, khi dồn dập mạnh mẽ, khi nhẹ nhàng khéo léo, dẫu với bất kỳ chuyển động nào, thì những con sóng này đều có đặc điểm chung là liên tục tác động đến bến bờ văn hóa của các quốc gia khác.

(KTSG) – Khi văn hóa không còn nằm trong lãnh thổ vốn có của nó mà bắt đầu du nhập vào một cộng đồng khác, chúng lan tỏa ngày càng mạnh mẽ rồi trở thành những làn sóng văn hóa, khi dồn dập mạnh mẽ, khi nhẹ nhàng khéo léo, dẫu với bất kỳ chuyển động nào, thì những con sóng này đều có đặc điểm chung là liên tục tác động đến bến bờ văn hóa của các quốc gia khác.

Ngành công nghiệp K-pop của Hàn Quốc hiện nay lại trở thành một ngành công nghiệp mạnh mẽ và nổi tiếng khắp toàn cầu.

Ngành công nghiệp K-pop của Hàn Quốc hiện nay lại trở thành một ngành công nghiệp mạnh mẽ và nổi tiếng khắp toàn cầu.

Từ xa xưa trên khắp các châu lục đã có rất nhiều nền văn hóa được sản sinh, nhưng chúng chỉ phát triển mạnh trong một khu vực hay một quốc gia nhất định. Rào cản địa lý sinh ra khác biệt về môi trường tự nhiên và tập quán sống, vô hình trung tạo nên hạn chế trong việc tiếp cận văn hóa giữa các nơi.

Tuy nhiên, sau hàng thập kỷ, niên kỷ trôi qua, nhờ sự giúp sức của công nghệ hiện đại mà rào cản địa lý đã không còn là vấn đề trong thế giới phẳng, sự giao thoa văn hóa lại phát triển vô cùng mạnh mẽ. Thế nhưng không phải bất kỳ nền văn hóa nào cũng trở thành hiện tượng và có sức ảnh hưởng đến toàn cầu, sâu xa hơn, đây là kết quả được kết tinh từ sự nỗ lực của cả một quốc gia.

Đằng sau sự thành công của những hiện tượng văn hóa

Không phải hiển nhiên mà dù sinh sau đẻ muộn nhưng ngành công nghiệp K-pop của Hàn Quốc hiện nay lại trở thành một ngành công nghiệp mạnh mẽ và nổi tiếng khắp toàn cầu. Chính phủ Hàn Quốc đã nghiên cứu tỉ mỉ để có quyết định “văn hóa đại diện” phù hợp để mang ra thế giới và biến nó thành một chiến dịch cấp quốc gia.

Họ đã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để từng bước đưa ngành công nghiệp K-pop trở thành hiện tượng toàn cầu. Bắt đầu từ việc nghiên cứu tâm lý, hành vi tiêu dùng đối với việc giải trí, tiêu khiển tại những quốc gia mục tiêu mà Hàn Quốc muốn du nhập sản phẩm văn hóa, đến việc tạo nên các sản phẩm thỏa mãn sở thích và phù hợp với thói quen của người dân nước đó.

Thế nên những phim truyền hình tình cảm lấy nước mắt người xem chiếu trong khung giờ vàng được các bà nội trợ thích mê và những nhóm nhạc thần tượng với phong cách nhạc mới lạ và ngoại hình cuốn hút tạo nên làn sóng thần tượng trong giới trẻ. Tất cả đều là những sản phẩm văn hóa mà Hàn Quốc dày công nghiên cứu để đưa ra thế giới, mở đường cho K-pop lan rộng ra toàn cầu.

Thành Rome không được xây trong một ngày, nhưng khi hoàn thành thì “mọi con đường đều dẫn về La Mã”. Để một sự kiện văn hóa trở thành làn sóng thì nó phải có sức lan tỏa. Việc truyền bá văn hóa là một công việc tỉ mỉ trong thời gian lâu dài và bền bỉ. Thử nghĩ mà xem, chúng ta mất bao lâu để hình thành thói quen và các quốc gia muốn truyền bá văn hóa mất bao lâu để họ thành công du nhập văn hóa của mình vào các nước khác? Văn hóa phải thấm sâu vào tâm trí mỗi người, và khi tập hợp người yêu thích văn hóa đó có tiếng nói đủ lớn thì mới có thể tạo ra những hiệu ứng mong muốn, đó cũng là một trong những đích đến của việc truyền bá văn hóa.

Tại sao các quốc gia lớn đẩy mạnh truyền bá văn hóa?

Sự thành công của những điều kể trên được phản ánh qua giá trị kinh tế mà mỗi quốc gia thu về. Giá trị thị trường mà các làn sóng văn hóa hiện nay mang lại đã lên đến hàng chục tỉ đô la Mỹ và sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.

Văn hóa còn góp phần tác động đến xu hướng tiêu dùng, những người hâm mộ K-pop sẽ có xu hướng lựa chọn những sản phẩm của Hàn Quốc hơn, đơn thuần vì thần tượng hay diễn viên họ yêu thích là người của quốc gia đó, mạnh mẽ hơn là ý muốn dùng những sản phẩm mà idol của mình quảng bá hoặc đang sử dụng, để cảm thấy được gần gũi hơn với họ. Những người yêu thích văn hóa Nhật cũng sẽ thích ẩm thực Nhật Bản hơn và chi nhiều tiền cho các hoạt động có liên quan đến văn hóa Nhật Bản. Còn gì tuyệt vời hơn khi được đích thân trải nghiệm những tình tiết trong bộ truyện tranh yêu thích của mình.

Sự yêu thích ở khía cạnh văn hóa giờ đây đã trở thành lý do trong từng quyết định ảnh hưởng đến khả năng tiêu dùng của người dân. Văn hóa giúp các công ty sản xuất loại bỏ những câu hỏi cản trở đến quyết định tiêu dùng, mở ra một con đường ý thức dẫn dắt chúng ta trực tiếp đến quyết định chọn mua các sản phẩm của họ.

Sự yêu thích ở khía cạnh văn hóa giờ đây đã trở thành lý do trong từng quyết định ảnh hưởng đến khả năng tiêu dùng của người dân. Liệu sản phẩm này có thật sự cần thiết không? Liệu sản phẩm của nước đó có thật sự tốt nhất? Văn hóa giúp các công ty sản xuất loại bỏ những câu hỏi cản trở đến quyết định tiêu dùng, mở ra một con đường ý thức dẫn dắt chúng ta trực tiếp đến quyết định chọn mua các sản phẩm của họ.

Rõ ràng, văn hóa có khả năng đi sâu vào suy nghĩ của chúng ta, xóa bỏ định kiến và thay thế vào đó những ý nghĩ tốt đẹp cùng cái nhìn thiện cảm hơn. Không một chiến dịch quảng cáo nào hiệu quả như lan tỏa văn hóa. Đây chính là lý do tại sao các công ty, tập đoàn ra sức ủng hộ làn sóng văn hóa, vì họ chính là những người hưởng lợi trực tiếp từ sự ảnh hưởng này.

Mặt khác, khi các quốc gia luôn tìm cách tăng sức ảnh hưởng của mình ra thế giới, văn hóa như một quyền lực mềm trở thành vũ khí tối ưu và hiệu quả bậc nhất. Khi văn hóa nước ngoài được giới trẻ – chủ nhân tương lai của đất nước – ngày ngày tiếp cận, bồi đắp và góp phần định hướng tư duy của bản thân về một cộng đồng dân tộc, quốc gia khác. Suy cho cùng, chính sự hấp dẫn và vẻ đẹp của văn hóa đã xóa dần khoảng cách và thu hẹp sự khác biệt tư duy theo cách ôn hòa nhất.

Câu hỏi đặt ra rằng liệu chúng ta có nguy cơ trở thành nạn nhân của việc truyền bá văn hóa mang tính định hướng? Nghiên cứu cho thấy rất nhiều phim ảnh được tạo ra để cài cắm những ý niệm của nhà làm phim nhằm truyền tải những thông điệp theo cách mà người xem dễ chấp nhận và tạo ra sự đồng cảm.

Sự thâm sâu của việc truyền bá văn hóa nằm ở việc nó nhằm vào tâm lý con người, và khi đã thuần phục được tâm trí một người thì mọi chuyện đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Con người luôn có thiên kiến xác nhận trong tâm trí, bất kỳ thông tin nào đi vào bộ não con người lẽ ra phải được sàng lọc, đánh giá bằng suy nghĩ chọn lọc, nhưng với sự chủ quan, chúng ta vô thức tự tìm kiếm lý do để củng cố cho lập luận mà mình ưu ái và triệt tiêu mọi suy nghĩ phản bác khác. Khi chúng ta yêu thích điều gì thì rất dễ mở đường tắt đến suy nghĩ tiếp nhận hoàn toàn mà bỏ qua suy luận, tư duy của chính mình.

Văn hóa là thức ăn tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn mỗi chúng ta. Đặc biệt khi đời sống vật chất được đảm bảo thì các nhu cầu về tinh thần cũng trở nên đa dạng hơn. Nhưng nếu chỉ du nhập văn hóa để tiêu thụ mà không có bảo tồn, phát triển, làm mới những giá trị văn hóa của quốc gia thì đời sống văn hóa tinh thần người Việt Nam sẽ ngày càng phụ thuộc vào văn hóa từ bên ngoài.

Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn. Sẽ như thế nào nếu chúng ta chỉ là những chiếc bình đựng văn hóa du nhập đến mức không còn thời gian hay năng lượng dành cho việc cảm nhận vẻ đẹp của văn hóa dân tộc? Có lẽ đã đến lúc chúng ta ngẫm nghĩ nhiều hơn về việc chọn lựa và tiếp nhận các giá trị văn hóa.

(*) IP Paralegal, Hogan Lovells International LLP

Nguyễn Kỳ Duyên(*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/van-hoa-dai-chung-bi-mat-dang-sau-su-thanh-cong/