Văn hóa du lịch và câu chuyện 'Tam quái'
Phát triển du lịch sau đại dịch đang được quan tâm đặc biệt không chỉ ở Việt Nam. VĂN HÓA DU LỊCH cũng là một vấn đề đang được nhiều người nói đến. Thực ra, nhiều nước trên thế giới, vấn đề này rất được quan tâm và thực sự đã hình thành và phát triển thành một nhân tố cốt lõi thu hút khách du lịch trong đó có vấn đề du lịch tâm linh.
Tôi đã đi du lịch nhiều nước trên thế giới và thực sự thú vị mỗi khi đến một địa danh được giới thiệu gốc tích văn hóa nơi mình đến. Trung Quốc và Việt Nam tôi thiển nghĩ có nhiều điểm văn hóa tương đồng và nhiều địa danh, nhiều câu chuyện lịch sử mà nhiều thế hệ người Việt Nam quan tâm.
Trong lần đến Hàng Châu, tôi hiểu ra được nhiều điều về cách làm du lịch nhất là văn hóa du lịch ở đây.
Câu chuyện “Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài” một thiên tình sử của phương Đông. Tôi đã xem phim này nhiều lần và lần đi du lịch này đã đến tận ngôi trường mà họ Lương, họ Chúc xưa đã học, đến xem chiếc cầu trong “Tam quái” nơi đôi tình nhân có một không hai này đã đưa tiễn nhau cả ngàn lần… Tôi đã đến “Năm châu” trong một đất nước - Người ta thường nói thế. Đó là các địa danh nổi tiếng mà người Trung Quốc tạo nên để thu hút khách du lịch. Đến Quảng Châu để ăn ngon. Ở đó nổi tiếng bao đời nay các món ăn cho vua chúa, giới thượng lưu, nhà giàu, nhất là hải sản. Đến Quý Châu để uống. Ở đó có rượu Mao Đài tuyệt hảo. Đến Tô Châu để ở. Tô Châu với tơ lụa, với chè Long Tỉnh, Ấm Tử Sa, với không khí trong lành, đất nước của vua Ngô Phù Sai với bao câu chuyện lạ…
Đến Hàng Châu để vui chơi, ngắm phong cảnh Tây Hồ tuyệt đẹp. Và cuối cùng của con người sau ăn, uống, ở, vui chơi là trở về với đất. Liễu Châu là nơi để yên nghỉ muôn đời. Ở đó có loại gỗ hương làm quan tài. Người chết rồi còn được ướp hương thơm muôn thuở…
Tôi vốn yêu thiên nhiên, thích phong cảnh đep, mê sử sách nên đến Hàng Châu và Tô Châu vào mùa xuân trong chuyến đi này. Trở lại Tây Hồ lần thứ hai, tôi có thời gian hơn chuyến đi đầu để khám phá bao điều kỳ thú. Giữa Tây Hồ bát ngát tôi được nghe kể về “Tam quái” của Hàng Châu.
Cái “ Quái” đầu tiên là Cô Sơn. Cô Sơn là hòn núi nhỏ giữa Tây Hồ. Tôi hiểu nôm na: Cô là cô đơn, cô độc; còn Sơn là núi. Cái “Quái” ở đây làhòn núi nhỏ “cô đơn” này thực ra không hề cô đơn, cô độc chút nào. Ngược lại là nơi ăn chơi nổi tiếng bao đời nay. Ở đó thời vua chúa có bao cô gái đẹp từ khắp Trung Hoa được đưa về đây. Rượu ngon, gái đẹp còn gì bằng.
Trong những ngôi nhà lầu tuyệt đẹp ấy, quanh năm, bốn mùa, thâu đêm suốt sáng là những cuốc vui chơi, hội hè bất tận… Những ông vua sành ăn chơi đã nhiều lần đến đây.Vua Càn Long đến đây 8 lần. Vua Khang Hy 20 lần… Còn ông Mao đến những 27 lần.
Có lẽ cái cô đơn, hay cô độc gì đó là nói đến chốn ăn chơi này. Con người, dù ở danh phận nào khi đã lao vào chốn ăn chơi bạt tử thì trước mắt chỉ còn là nỗi cô đơn. Chỉ còn là cái cô độc của muôn đời! Nói như cụ Nguyễn Du trong "Truyện Kiều": "Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh/ Giật mình mình lại thương mình xót xa…”
Cái “Quái” thứ hai là cầu Dài. Tôi đi qua đi lại trên chiếc cầu khoảng chục bước chân mà là cầu Dài sao? quái thế?
Thì ra đây là cái cầu mà Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài đã tiễn nhau, đi qua đi lại dùng dằng suốt đêm mà vẫn chưa qua nổi cái cầu dài 5 mét!
Với người Việt, chuyện tình Lương sơn Bá - Chúc Anh Đài đã quen thuộc bao đời nay, đã vào cả thơ ca:
Một tối nổ tung ngôi mộ đá
Hóa thành đôi bướm vượt trời xanh
Xóa bất công đi xây đắp duyên lành
(Thơ Viễn Phương)
Người ta chỉ cho chúng tôi hai ba ngôi chùa, và một dãy nhà từ xa, dưới rặng núi màu lam và nói đó xưa kia là trường mà Lương và Chúc đã học cùng nhau. Thời bấy giờ, con gái không được đến trường nên Chúc Anh Đài đóng giả nam, ở cùng phòng với Lương Sơn Bá.
Câu chuyện tình đầy trắc trở, nhân văn và chung thủy như một biểu tượng cho tình yêu muôn thuở của phương Đông. Nó giống chuyện tình Rômeo và Juliest của phương Tây. Trên chiếc cầu này mỗi lần họ tiễn nhau, thời gianvừa ngắn chẳng tày gang, vừa như kéo dài vô tận. Vì cả hai không muốn rời nhau. Người này tiễn người kia qua cầu, người kia lại tiễn người này quay lại. Cứ thế nên chiếc cầu mới trở nên dài vô tận… Được kể lại rằng Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài một đêm đã tiễn nhau 380 lần mà mỗi lần có lẽ cả mấy trăm khắc giờ… Cầu Dài là vì thế!
Cái “Quái” thứ ba là cầu Gẫy. Chúng tôi đi dạo trên chiếc cầu nguyên vẹn chứ có gẫy đâu! Ở Tây Hồ có hai con đê lớn là hai bờ của hồ. Tô đê và Bạch đê. Con đê bên phải là do nhà thơ nổi tiếng Tô Đông Pha thời làm quan ở đó đã tạo nên. Giờ con đê mang tên ông.
Con đê bên trái do nhà thơ Bạch Cư Dị chỉ huy đắp, giờ gọi Bạch đê. Cầu gãy ở phía Bạch đê. Truyền thuyết kể rằng khi xây cầu này, bọn thủy quái đã nhiều lần hiện lên hô phong hoán vũ làm cầu cứ xây xong lại gãy. Nhưng cuối cùng cây cầu vẫn hoàn thành vì có vị hòa thượng yểm được bọn yêu quái! Thời nào chẳng có yêu quái! Yêu quái thời nay ăn bớt sắt thép, bê tông nên có chiếc cầu đang xây đổ cả nhịp, kinh hãi lắm!
Tây Hồ của Hàng Châu không những nổi tiếng tuyệt đẹp mà ở đây còn có nhiều truyền thuyết lỳ kỳ, hấp dẫn đã trở thành những biểu tượng văn hóa ngàn đời, thu hút hàng triệu du khách.
Văn hóa, dù ở xứ sở nào khi đã thành biểu tượng đều là văn hóa của nhân loại vậy ...
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/van-hoa-du-lich-va-cau-chuyen-tam-quai-i682410/