Văn hóa kinh doanh: Nhìn từ ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp

Ngoài tạo ra sản phẩm có chất lượng, uy tín với người tiêu dùng, văn hóa kinh doanh còn được thể hiện qua ý thức của doanh nghiệp trong ứng xử với môi trường.

Bảo vệ môi trường - một cấu phần quan trọng của văn hóa kinh doanh

Không chỉ đặt ra khát vọng đến năm 2025 trở thành một nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, Đại hội XIII của Đảng cũng đề ra nhiệm vụ: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi…”.

Top 100 Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam 2024. Ảnh: NH

Top 100 Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam 2024. Ảnh: NH

Đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh cũng được Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lần thứ VII - 2021 xác định là nhiệm vụ đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, VCCI đã công bố bộ tiêu chí quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam với 6 tiêu chuẩn gồm: Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.

Như vậy, bên cạnh tiêu chí như tạo ra kinh tế cho xã hội, tuân thủ pháp luật, công bằng, liêm chính… thì tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường cũng là một phần không thể thiếu đối với doanh nghiệp trong kinh doanh hiện nay.

Cũng nói về môi trường đối với văn hóa kinh doanh, TS. Nguyễn Đức Chính - Học viện Chính trị khu vực 1 - cho rằng: Mỗi doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải nhận thức được trách nhiệm của họ trong toàn bộ tác động với môi trường xã hội, môi trường tự nhiên và tuân thủ pháp lý. Đó là những chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, an toàn lao động, đạo tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng.

Quá trình sản xuất vật chất ngày nay đang đăt ra 2 vấn đề bức thiết cần phải giải quyết, đó là vấn nạn ô nhiễm môi trường và tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, trong bối cảnh môi trường toàn cầu đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, để ứng phó với những thảm họa môi trường có thể gây ra do biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu chú trọng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Người tiêu dùng tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng thể hiện quan điểm bảo vệ môi trường thông qua việc “nói không” với những sản phẩm sản xuất không chú ý đến vấn đề bảo vệ môi trường.

Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền (TP. Hải Phòng). Ảnh: ST

Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền (TP. Hải Phòng). Ảnh: ST

Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu của Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2023. Khoảng 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh. Theo đó, đây là lúc mỗi doanh nghiệp cần phải có ý thức, trách nhiệm trong việc sản xuất xanh, chú trọng đến bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Cũng nói về bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI, kiêm Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) - cho rằng: Doanh nghiệp cần chuyển đổi nhận thức từ kinh doanh vị lợi nhuận sang kinh doanh bền vững, kinh doanh vị tự nhiên.

Việc chuyển đổi này không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp theo đuổi lợi nhuận là xấu bởi lợi nhuận là yếu tố sống còn của mỗi doanh nghiệp. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Quang Vinh, kinh doanh “chộp giật”, chỉ hướng theo cái lợi trước mắt đã không còn là tư duy kinh doanh đúng đắn cho doanh nhân, doanh nghiệp trong thời đại mới. Bởi yêu cầu phát triển bền vững đang lên ngôi, thị trường sẽ tự đào thải dần những doanh nghiệp “ăn xổi ở thì”. Thay vào đó, nó sẽ giữ lại, nuôi dưỡng và tạo đà cho những doanh nghiệp kinh doanh nhân văn, kinh doanh có trách nhiệm ngày càng lớn mạnh.

“Vì lý do đó, doanh nghiệp cần hướng tới kinh doanh đảm bảo lợi ích kinh tế song hành với bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Đó là tư duy kinh doanh đúng đắn và con đường duy nhất để doanh nghiệp phát triển bền vững trong thời đại hiện nay” – ông Nguyễn Quang Vinh cho biết thêm.

Văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp được thể hiện qua trách nhiệm bảo vệ môi trường. Ảnh: ST

Văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp được thể hiện qua trách nhiệm bảo vệ môi trường. Ảnh: ST

Ứng xử hài hòa với môi trường sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp

Không chỉ là xu hướng tất yếu, các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp kinh doanh có văn hóa thông qua việc ứng xử hài hòa với môi trường sẽ mang lại những cơ hội tích cực. Đây cũng là câu chuyện của doanh nhân Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Shinec, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (TP. Hải Phòng).

Không chỉ coi văn hóa kinh doanh là trục xuyên tâm của sự tồn vong doanh nghiệp, bởi nếu không có một nền tảng văn hóa rõ nét và định hướng đúng đắn, doanh nghiệp sẽ thật khó có sự tồn tại bền vững và trở thành một tập thể gắn kết với những “khối óc, trái tim nhiệt huyết”, ông Phạm Hồng Điệp còn luôn tâm niệm, trong kinh doanh phải lấy chữ “tâm” làm kim chỉ nam để định hướng mọi hoạt động, kinh doanh của mình. Đó cũng là lý do, doanh nhân Phạm Hồng Điệp tiên phong trong việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh và tiếp cận với ESG từ rất sớm.

Thời điểm hiện tại, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã trở thành hình mẫu trong phát triển khu sinh thái tại Việt Nam, nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng. Hiện khu công nghiệp đã thu hút khoảng 70 dự án, trong đó 50% là dự án đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đến từ đa dạng quốc gia như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan, Singapore...

Ngoài Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cũng đang đi theo hướng phát triển bền vững, nhằm bảo vệ môi trường và góp phần vào ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bà Đào Thúy Hà - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Traphaco - cho rằng: Doanh nghiệp đã lựa chọn phát triển bền vững là sứ mệnh, theo đó ngoài việc phát triển kinh doanh, tạo hiệu quả kinh tế, Traphaco còn là doanh nghiệp luôn quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Theo đó, doanh nghiệp đã thường xuyên hợp tác với người nông dân để phát triển vùng dược liệu, đến nay, Traphaco có 7 dược liệu có vùng trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế về thực hành tốt nuôi trồng và thu hái (GACP) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Với những nỗ lực phát triển đi đôi với bảo vệ bền vững môi trường, Traphaco đã đạt được nhiều danh hiệu, giải thưởng cao quý trong nước và quốc tế như: Doanh nghiệp xuất sắc và bền vững châu Á; Giải Vàng chất lượng quốc gia; Giải thưởng chất lượng quốc tế châu Á - Thái Bình Dương; 2 lần đạt Top 10 Sao vàng đất Việt và 4 lần đạt Top Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam CSI; Top 40 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam do Forbes bình chọn; 7 lần liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam…

Báo cáo của VBCSD thuộc VCCI mới đây cũng cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia Chương trình doanh nghiệp bền vững 2024 do VBCSD tổ chức có sự tăng trưởng vượt trội. Đây là một tín hiệu đáng mừng và cho thấy, doanh nghiệp ngày càng quan tâm và có ý thức nhiều vào vấn đề bảo vệ môi trường và hướng đến kinh doanh bền vững, kinh doanh có trách nhiệm. Điều đó càng chứng tỏ, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng đề cao văn hóa, đạo đức và trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/van-hoa-kinh-doanh-nhin-tu-y-thuc-bao-ve-moi-truong-cua-doanh-nghiep-361707.html