Văn hóa là yếu tố quan trọng để xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại
Sáng 21/3, thành phố Hà Nội khai mạc hội thảo khoa học 'Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô 'Văn hiến - Văn minh - Hiện đại', nhằm nhận diện rõ và sâu sắc hơn nữa các giá trị, nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội, phục vụ xây dựng và phát triển Thủ đô.
Dự hội thảo về phía thành phố Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã.
Dự hội thảo về phía đại biểu Trung ương có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; TS Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cùng đại diện bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, trên thế giới, hiếm có Thủ đô nào có lịch sử, truyền thống văn hóa hơn 1.000 năm tuổi (tính từ kinh đô của nhà nước Âu lạc vào đầu thế kỷ thứ 3 trước công nguyên) như Thủ đô Hà Nội.
Hà Nội được biết đến là “Thành phố di sản”, với quỹ di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể.
Hà Nội có những di sản văn hóa vật thể vô giá, đó là những dấu tích của thành quách nguy nga, công trình kiến trúc tâm linh (đình, chùa, đền miếu, phủ…), tượng đài, công viên, vườn hoa, sông hồ…
Hà Nội còn là “đất trăm nghề”, là địa bàn có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nướcvới trên1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu, có khoảng 70 không gian sáng tạo và 1.095 lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang bản sắc văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng, gắn liền với những câu chuyện lịch sử trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng một Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa là cách hiệu quả nhất để phát triển văn hóa của Thủ đô.
Trong nhiều năm qua, thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, coi văn hóa là động lực, là một trong các nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Liên tục trong nhiều nhiệm kỳ, Đảng bộ thành phố đều ban hành chương trình riêng về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội văn minh.
Đặc biệt, thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, ngày 22/2/2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Nghị quyết nhằm tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; Hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; Dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.
Thành phố Hà Nội đã tập trung đầu tư cho phát triển văn hóa với mục tiêu là bảo vệ, bảo tồn giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, văn hóa dân tộc; phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, các công trình văn hóa. Thành phố đã dành nguồn lực đầu tư 3 lĩnh vực: Y tế, giáo dục - đào tạo và văn hóa giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp khoảng 49.200 tỷ đồng. Trong 2 năm 2021-2022, đã hoàn thành tu bổ, tôn tạo 181 di tích, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 114 di tích cấp quốc gia, 63 di tích cấp thành phố.
“Cùng với cả nước, Thủ đô Hà Nội đang quyết liệt triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII. Mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động tiêu cực của tình hình thế giới, tác động của biến đổi khí hậu và đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song với tinh thần đổi mới quyết liệt, sự vào cuộc thực sự của cả hệ thống chính trị, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực”, đồng chí Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Với chủ đề "Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", hội thảo khoa học cấp Thành phố được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các cơ quan, ban, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học cùng nhau thảo luận, trao đổi ý kiến, đưa ra các luận cứ khoa học, các giải pháp giúp thành phố Hà Nội phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa của Thăng long - Hà Nội.
70 tham luận đóng góp tập trung làm rõ 4 nhóm vấn đề. Đó là luận cứ khoa học về đặc tính và giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô Văn hiến -Văn minh - Hiện đại; nhận diện các nguồn lực văn hóa; các giải pháp bảo tồn, phát huy, phát triển giá trị của Thủ đô di sản, đặc biệt phát triển thương hiệu "Thành phố sáng tạo"; các nhiệm vụ , giải pháp để thực hiện, đặc biệt là các giải pháp về cơ chế, chính sách, về phân cấp phân quyền, cơ chế hợp tác công tư, cơ chế xã hội hóa, cơ chế liên kết hợp tác cả trong và ngoài nước.
Tại hội thảo, các nhà khoa học nhấn mạnh văn hiến Thăng Long chính là sự kết tinh của văn hóa Việt Nam. GS.TS Đặng Cảnh Khanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên bàn về khái niệm văn hiến và văn hiến Thăng Long. Theo đó, ở Việt Nam, từ văn hiến xuất hiện lần đầu tiên trong bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi (1428): “Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”.
Từ những phân tích dựa trên cơ sở lịch sử, GS.TS Đặng Cảnh Khanh nhấn mạnh: Chúng ta có thể khẳng định rằng khái niệm văn hiến là bao hàm không chỉ nội dung văn hóa, văn minh mà còn chứa dựng một yếu tố quan trọng nữa, đó là những hiền tài của đất nước. Nền văn hiến của một dân tộc bao gồm cả trình độ văn hóa và số lượng hiền tài của dân tộc ấy.
Từ làm rõ khái niệm, GS.TS Đặng Cảnh Khanh liên hệ thực tiễn đến việc giữ gìn và phát huy các giá trị của văn hiến Thăng Long. Thăng Long - Hà Nội có điều kiện giao lưu vừa rộng rãi vừa mật thiết với tất cả các vùng văn hóa khác trong cả nước, là nơi “bốn phương hội tụ” của văn hóa. Xem xét tình hình cư dân của Thủ đô có thể thấy ngay sự hội tụ ấy.
Vì là Thủ đô nên Thăng Long - Hà Nội thường xuyên tiếp nhận những thành phần dân cư mới từ các nơi khác đến lập nghiệp. Và rất nhiều nhân tài thường đạt thành tựu lớn hơn cả khi họ hoạt động ở Thăng Long - Hà Nội, vì ở Thủ đô, họ có điều kiện vật chất và tinh thần thuận lợi hơn các nơi khác, những thành tựu về mọi mặt dễ có điều kiện vươn lên tầm cỡ toàn quốc, toàn dân tộc. Thăng Long - Hà Nội, một mặt là nơi tiếp thu, chắt lọc, lưu giữ và phát triển tinh hoa văn hóa của các vùng khác nhưng một mặt khác lại ảnh hưởng tới sự phát triển văn hóa của toàn khu vực.
Từ việc nhận diện “Văn hiến – Văn minh - Hiện đại”, các nhà khoa học đã nhấn mạnh về định hướng xây dựng, phát triển Thủ đô
Theo GS.TS Đỗ Thị Minh Đức, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Hà Nội được biến đổi theo thời gian, theo những quy hoạch đô thị từng thời kỳ. Trong đó, sông Hồng đang ngày càng thể hiện là một tài nguyên quý giá trong quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội.
Cho đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã có 8 cây cầu qua sông Hồng: Long Biên, Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy giai đoạn 1, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh và Văn Lang. Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có thêm 10 cây cầu nữa bắc qua sông Hồng. Ngoài ra, vùng Thủ đô với Thủ đô Hà Nội là đô thị hạt nhân đặc biệt và 9 tỉnh xung quanh là các đô thị vệ tinh gồm: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang đang tạo ra giá trị lớn cho việc hội tụ, lan tỏa văn hóa Hà Nội, giúp cho văn hóa Hà Nội phong phú và đa dạng hơn.
Theo PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Hà Nội hiện nay với tính chất đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong cơ chế thị trường đã và sẽ dẫn đến sự di cư lao động, sự phân hóa - phân tầng xã hội, hoạt động văn hóa, nghệ thuật giữa các tầng lớp dân cư cũng như giữa các địa bàn đô thị (trung tâm, vệ tinh, thành thị, nông thôn), nhất là về mức sống, chất lượng sống, lối sống.
Điều này đòi hỏi Hà Nội không chỉ phải phát huy các giá trị truyền thống mà còn phải hướng xây dựng các giá trị mới phù hợp với cơ cấu có tính chất mở về dân cư, kinh tế, văn hóa xã hội, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Vấn đề này yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ, chuyển thành niềm tin hành động hàng ngày.
Từ thực tiễn, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ gợi ý một số vấn đề để phát triển văn hóa Thủ đô như: Tiếp tục việc xây dựng hoàn thiện, ban hành và triển khai đồng bộ, kiên trì trên toàn thành phố những quy định, quy ước, quy chế cụ thể liên quan đến văn hiến, văn minh, hiện đại. Nêu cao vai trò gương mẫu về văn hóa của cán bộ, đảng viên.
Cùng với đó, tiếp tục cụ thể hóa các đặc trưng về người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong hệ thống chính trị, trong mọi cơ quan, đơn vị, mỗi gia đình và mọi tầng lớp nhân dân. Xây dựng văn hóa người Hà Nội từ "lời nói hay, làm việc tốt, ứng xử đẹp". Giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản lịch sử, văn hóa góp phần giáo dục truyền thống và thu hút khách du lịch. Đầu tư nhiều hơn cho việc tôn tạo, phân cấp quản lý hệ thống các di tích ở Thủ đô. Đặc biệt, cần đổi mới cơ chế và đầu tư toàn diện cho văn hóa về lãnh đạo, chỉ đạo, công tác quản lý, công tác cán bộ và ngân sách... qua đó giúp cho mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh tạo bước chuyển biến rõ rệt.