Văn hóa lì xì – Đừng để mỹ tục trở thành áp lực tài chính

Lì xì những ngày đầu năm là một mỹ tục chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc của người Việt, một nét văn hóa độc đáo không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về. Thế nhưng, từ một mỹ tục cao đẹp, văn hóa lì xì giờ đây đã có sự thay đổi, thậm chí biến tướng tiêu cực: khi những giá trị nhân văn được đong đếm bằng 'mệnh giá'.

Ngày 22/12/2023, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chính thức công nhận ngày Tết Nguyên Đán là ngày nghỉ lễ Liên Hợp Quốc (Nghị quyết này đã đưa Tết Nguyên đán trở thành một trong 10 ngày nghỉ lễ của Liên Hiệp Quốc kể từ năm 2024).

Theo TS Nguyễn Thị Hồng – Chuyên gia Văn hóa, điều này thể hiện sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với văn hóa cổ truyền Á Đông, trong đó có Việt Nam. Bạn bè quốc tế đã công nhận những giá trị đích thực của văn hóa Tết. Bản sắc văn hóa đó được thể hiện qua những thuần phong mỹ tục, trong đó có tục lì xì.

“Ngại” Tết vì tiền lì xì

Được thế giới ghi nhận vì những giá trị tốt đẹp nhưng ở nơi mà phong tục này được tôn vinh, một bộ phận không nhỏ người Việt đang có những hành xử không đúng với giá trị ấy, biến lì xì trở thành áp lực tài chính.

M.H (2001, Nam Định) là sinh viên mới tốt nghiệp, đi làm được 6 tháng nay. Gặp H vào những ngày cuối năm, anh chàng than thở vì bài toán lì xì: “Mình mới ra trường đi làm, mức lương cũng không có nhiều, đủ để sinh hoạt trên Hà Nội và dư ra một chút. Ngày Tết về quê, ngoài việc mua quà cho gia đình thì có một khoản mình cũng rất đắn đo và đau đầu là tiền lì xì tết. Họ hàng mặc định là mình đi làm rồi nên phải lì xì cho các em, các cháu. Lì xì như trở thành trách nhiệm của người đi làm vậy.

Bây giờ lì xì ít thì mọi người đánh giá, thậm chí trẻ con còn không vui, nên tiền lì xì cũng tốn kha khá. Mình phải để dự phòng 1 triệu rưỡi đến 2 triệu tiền lì xì vì họ hàng nhà mình rất đông. Vừa ra trường đi làm được 6 tháng nên thưởng Tết mình cũng không có nhiều, mang ý nghĩa động viên tinh thần thôi. Mình đành cắt bớt chi tiêu mua sắm cho bản thân lại.”

Lì xì dạng “bốc thăm” được giới trẻ yêu thích trong những năm gần đây.

Lì xì dạng “bốc thăm” được giới trẻ yêu thích trong những năm gần đây.

Không chỉ những bạn trẻ chưa có thu nhập ổn định mà ngay cả những người khá giả hơn, tiền lì xì cũng trở thành mối bận tâm lớn bởi nhiều người hiện nay quan niệm “Mệnh giá trong bao lì xì phải tương xứng với mức thu nhập của người tặng.” Điều này đã làm mất đi những giá trị tinh thần tốt đẹp của phong tục, người ta xem lì xì là dịp “cho tiền” chứ không nghĩ đến những yếu tố “trao lộc, chúc may mắn, phát triển”.

Khi con cái nhận được phong bao lì xì, nhiều phụ huynh đã vội xem mệnh giá để biết đường “mừng lại” cho bằng nhau. Khi con trẻ đang tận hưởng niềm vui nhận tiền mừng tuổi, bố mẹ chúng lại lo lắng chuyện “lỗ lãi”, bởi vậy nên nhiều người cảm thấy “ngại ngần” khi con cái nhận lì xì. Nhiều đứa trẻ chỉ lấy tiền rồi vứt bỏ bao lì xì, dửng dưng chê bai khi thấy số tiền ít…Thậm chí, nhiều người lợi dụng lì xì để trục lợi, hối lộ, thực hiện những mục đích riêng.

Những cách hành xử đó làm người ta thấy những phong tục Tết trở nên rườm rà, phức tạp, thậm chí nhiều người đòi bỏ Tết vì những phong tục như thế. Rõ ràng, những quan niệm và cách thực hành không đúng với giá trị chuẩn mực vốn có đã làm cho hình ảnh những phong bao đỏ biến tướng tiêu cực.

Tìm về những giá trị thuần túy

Đi tìm những giá trị cốt lõi, tìm cách hành xử chuẩn mực của văn hóa lì xì, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thị Hồng – Chuyên gia Văn hóa.

TS. Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: “Ngay từ xa xưa, dân gian ta đã có quan niệm truyền thống là tặng cho nhau những món quà vào ngày Tết. Món quà đó tùy thuộc vào hoàn cảnh, đối tượng, mối thân tình của mỗi người. Người ta vẫn nói rằng, ngày tết già được bát canh, trẻ được manh áo mới. Những món quà đó mang ý nghĩa lớn nhất là cầu mong cho các cụ có sức khỏe, sự an lành và những đứa trẻ hay ăn chóng lớn, gặp nhiều may mắn.

Để tránh so bì về mệnh giá, nhiều người đổi tiền kỷ niệm, tiền nước ngoài để lì xì.

Để tránh so bì về mệnh giá, nhiều người đổi tiền kỷ niệm, tiền nước ngoài để lì xì.

Lì xì thực chất cũng là món quà Tết, ngày xưa, khi còn nghèo khó, người ta chỉ mong ngày tết có điều kiện để được ăn no mặc ấm. Những món quà Tết thường mang giá trị tinh thần hơn giá trị vật chất, người ta có thể đem biếu nhau cái bánh, cân thịt là cao sang lắm rồi. Khi kinh tế phát triển, đời sống vật chất được nâng lên, lối sống và văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp đã thay đổi. Người ta không tặng nhau những món quà nữa. Họ thấy những món quà cồng kềnh và đôi khi người nhận chưa chắc đã thích món quà được tặng, cho nên người Việt bắt đầu chuyển đổi món quà bằng những phong bao và trong những phong bao đó để những đồng tiền.

Để thể hiện sự kín đáo và tinh tế, tiền được đặt trong phong bao màu đỏ - màu của sự nhiệt huyết, sinh sôi, màu của khát vọng. Khi tặng, người ta sẽ tặng những tờ tiền mới và tiền lẻ thôi vì quan niệm của người Việt ta số lẻ là số dương, số của sự sinh sôi phát triển. Thế nên người ta thường để vào đó 1 đồng, 3 đồng và không quan trọng là mệnh giá bao nhiêu cả, miễn là tiền mới bởi sự tinh khôi, mới mẻ đó là khởi nguồn của sự phát triển. Bao lì xì cũng gắn liền với tín ngưỡng phồn thực, cầu mong sự sinh sôi phát triển, hưng thịnh thể hiện ở phương diện tinh thần.”

TS Nguyễn Thị Hồng - nguyên Trưởng khoa Văn hóa phát triển, nguyên Phó trưởng khoa Tuyên truyền tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

TS Nguyễn Thị Hồng - nguyên Trưởng khoa Văn hóa phát triển, nguyên Phó trưởng khoa Tuyên truyền tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Ngày xưa, tục lì xì chỉ diễn ra trong thân tộc hoặc những người có quan hệ tình cảm đặc biệt. Với các bậc trưởng thượng, lì xì là hình thức ban lộc cho con cháu, vì là lộc nên có người không tiêu tiền ấy mà cất để dành. Ngược lại xuất phát từ lòng hiếu thảo, con cháu cũng biếu tiền cho ông bà, cha mẹ, nhưng không gọi là lì xì. Người lớn cho tiền mừng tuổi thay cho lời cảm ơn khi đứa trẻ gửi lời chúc đến họ. Ngày nay, dân gian ta mở rộng hơn ý nghĩa của việc lì xì khi lì xì cho những người có hoàn cảnh khó khăn, đúng với tinh thần lá lành đùm lá rách của người Việt. Lại có khi lì xì để chúc mừng một điều tốt lành như nhà có cháu mới, dâu mới, rể mới. Trao lì xì để đem lại niềm vui cho người khác, ví dụ như đồng nghiệp, bạn bè có thể lì xì nhau…

Chia sẻ về những biến tướng tiêu cực của lì xì trong nhiều năm qua, TS Nguyễn Thị Hồng nhận định rằng: “Một số người lợi dụng phong tục tặng bao lì xì cho trẻ con để biến thành cơ hội để trục lợi, nhiều người biến nó thành nơi để hối lộ. Rõ ràng người ta mang danh lì xì nhưng danh đó chỉ là bức bình phong che đậy những mục đích ở phía sau, gọi là thương mại hóa, thế tục hóa phong tục.

Nhiều người nghĩ sai về bao lì xì, họ cho rằng giá trị của lì xì không nằm trong ý nghĩa về tinh thần mà được định vị bằng giá trị vật chất, là mệnh giá bên trong. Khách vừa đến nhà lì xì cho con thì họ đã vội xem con được lì xì bao nhiêu tiền thậm chí chê bai những người có điều kiện kinh tế mà chỉ lì xì ít tiền. Chính điều đó đã gieo rắc vào đầu con trẻ những toan tính về phương tiện vật chất.

Rõ ràng, lòng tham của nhiều người đã vấy bẩn phong tục này và làm mất đi ý nghĩa mang tính thiêng. Bây giờ ai đó nghĩ đến chuyện lì xì Tết có thể sẽ rất sợ, Người Việt Nam mình quan niệm “Của biếu là của lo của cho là của nợ” nên những người nhận quà, nếu thấy yếu tố bất thường trong bao lì xì, họ sẽ lo lắng. Vậy nên, người ta ngập ngừng khi đón nhận phong tục lì xì dù ý nghĩa đơn sơ nhất chỉ là một lời cầu chúc về sự may mắn.”

Đừng thế tục hóa phong tục

Rất nhiều người trong giới trẻ ngày nay không hiểu về văn hóa Tết, họ sợ Tết và thậm chí còn đòi bỏ Tết. Thực ra phong tục rườm rà là do chính chúng ta, chúng ta hành xử không đúng với chuẩn mực, không đúng với giá trị của nó thì tự nhiên nó xấu đi. Chúng ta phải gạn đục khơi trong và muốn như vậy thì phải trả phong tục ấy về với giá trị nguyên bản của nó, tức là đề cao giá trị tinh thần.” – Chuyên gia Văn hóa Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.

Để thực hành đúng, trước hết chúng ta phải hiểu bản chất của phong tục, hãy trả lại cho nó ý nghĩa nhân văn, sâu sắc và giàu tính triết lý nhất: phong bao lì xì chứa đựng khát vọng, mong muốn, tâm nguyện, là một lời cầu chúc mang tính thiêng về tinh thần, đừng vật chất, đừng tầm thường và thế tục nó. Thay đổi đầu tiên và lớn nhất là nhận thức của chúng ta về phong tục này.”

Những biến tướng về văn hóa lì xì rõ ràng đang có những tác động tiêu cực đến xã hội. Để “trả mỹ tục về đúng bản chất”, mỗi chúng ta trước hết cần hiểu, thực hành đúng giá trị của văn hóa ấy. Thế hệ đi trước cần có sự giáo dục đúng đắn về văn hóa dân tộc với thế hệ sau. Khi thực hành đúng, mỗi chúng ta sẽ góp phần tác động, thay đổi đến nhận thức của cộng đồng thông qua những lý giải, truyền đạt về giá trị nhân văn thuần túy của phong tục.

Trước một số ý kiến tranh luận về nguồn gốc của Phong tục lì xì, TS Nguyễn Thị Hồng bày tỏ: “Phong tục bắt nguồn từ đâu là vấn đề không quá căng thẳng để luận bàn, Việt Nam đã có cái Tết thuần Việt trước khi chúng ta tiếp nhận những văn hóa như bây giờ. Ngàn năm Bắc thuộc – chống Bắc thuộc và 20 năm Minh thuộc – chống Minh thuộc, các yếu tố của văn hóa Trung Hoa đã tác động vào văn hóa Việt nhiều nhưng chúng ta đã chủ động tiếp nhận, thanh lọc và việt hóa (tiếp biến) để phù hợp với chuẩn mực văn hóa của người Việt. Trong văn hóa tết của Việt Nam và Trung Quốc chúng ta sẽ bắt gặp sự tương đồng bởi hai nước có quá trình lịch sử giao lưu, tương tác, trao đổi văn hóa lâu dài. Tuy nhiên phong tục Tết của Trung Quốc và Việt Nam không giống nhau, ở Việt Nam là “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” nhưng các bạn không thể tìm thấy điều đó ở văn hóa Trung Hoa. Bánh chưng có mặt trên bàn thờ Việt Nam còn ở Trung Quốc là màn thầu, vằn thắn. Lì xì giữa hai nước cũng khác nhau, người Trung Quốc trọng số âm (số chẵn) còn người Việt là số dương (số lẻ). Những đồng tiền lẻ đã hàm chứa quan niệm lối sống trọng tĩnh trọng tình hướng nội trọng nữ gắn với đặc trưng văn hóa Việt.”

Lê Vượng

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/van-hoa-li-xi-dung-de-my-tuc-tro-thanh-ap-luc-tai-chinh-post1611068.tpo