Văn hóa - Nghệ thuật Thông tin văn hóa Để sách hay đến gần hơn với người đọc
TTH - Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ 4 có hai tác giả ở Huế được trao giải và một cuốn sách khác liên quan với Huế cũng được vinh danh.
TS. Trần Bình Tuyên, Giám đốc NXB Đại học Huế (giữa) và tác giả TS. Nguyễn Văn Thuấn (trái) nhận giải Giải thưởng sách quốc gia lần thứ 4. Ảnh: NVCC
Những giải thưởng này ít nhiều đã khích lệ các tác giả, dịch giả, đơn vị xuất bản trong hành trình phát hiện, lưu giữ, quảng bá những tác phẩm có giá trị đến với đông đảo bạn đọc, thúc đẩy sự nghiệp xuất bản phát triển và hội nhập quốc tế.
Khích lệ tác giả và đội ngũ làm sách
Trong số 24 ấn phẩm được trao giải năm nay, có 3 tác phẩm có liên quan đến tác giả, nhà xuất bản và vấn đề liên quan đến Huế gồm, hai giải B: Tập thơ “Bài thơ của một người yêu nước mình” của Trần Vàng Sao (Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn) và “Nghệ thuật Huế - L’Art à Húe” của tác giả Léopold Michel Cadìere, Edmond Gras (người dịch Nguyễn Thanh Hằng, NXB Thế Giới và Nhã Nam), giải C “Du hành giữa các văn bản - Nguyễn Huy Thiệp và xã hội Việt Nam sau 1975 của tác giả TS. Nguyễn Văn Thuấn (NXB Đại học Huế).
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam là người đã loan tin mừng đầu tiên và được người yêu văn chương đón nhận một cách đầy cảm xúc về tập thơ đạt giải B “Bài thơ của một người yêu nước mình” của nhà thơ Trần Vàng Sao. Người đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam nói rằng, đó là một điều vô cùng đặc biệt và việc trao giải này cho thấy ban giám khảo đã làm việc một cách công tâm nhất, vì những tác phẩm văn chương thực sự.
“Trần Vàng Sao là một thi sĩ chân chính đến trầm luân, Trần Vàng Sao là một người yêu nước đến đau đớn”, ông Thiều xúc động ngay sau một năm cuốn sách được ấn hành và hơn ba năm nhà thơ tài hoa vùng đất Vỹ Dạ từ giã cõi đời. Nhiều người đón nhận thông tin này đã cùng một nhận định: Trao đúng sách, một cuốn sách đẹp, đặc biệt.
Khác với những dòng sách văn hóa, lịch sử thường được rất đông đón nhận, dòng sách chuyên khảo, thiên về khoa học, nghiên cứu lại rất kén độc giả. Vì thế, để lọt vào danh sách vinh danh, khen thưởng là chuyện không hề đơn giản. Tuy nhiên, những năm gần đây NXB Đại học Huế lại được chú ý và nổi lên bởi những cuốn sách gây được tiếng vang. Ngoài đạt giải C năm nay, trước đó NXB Đại học Huế năm 2019 cũng đã được tôn vinh ở một cuốn sách khác và xa hơn cũng từng nhận được giải Sách đẹp Việt Nam.
TS. Trần Bình Tuyên, Giám đốc NXB Đại học Huế cho biết, khác với những cuốn sách có tính xã hội hóa cao, ảnh hưởng lớn đến xã hội và được nhiều người quan tâm đón nhận thì ngược lại sách của đơn vị phần nhiều là sách chuyên khảo, phục vụ cho đào tạo, ít người quan tâm và không phải ai cũng đọc được. Do thế, việc được tôn vinh ở Giải sách quốc gia đó là sự tự hào, niềm khích lệ vô cùng lớn với tác giả nói riêng và đội ngũ làm sách NXB Đại học Huế nói chung.
Quảng bá để người đọc thấy hứng thú
Theo TS. Tuyên, mục tiêu trên hết của đội ngũ làm sách hướng tới đem trí thức đến cho người đọc và sự lan tỏa đến với xã hội. Vì thế quá trình cho ra một cuốn sách cần lựa chọn, thẩm định rất kỹ càng. Và việc đạt giải thưởng là động lực để đội ngũ NXB Đại học Huế hướng tới nhiều kế hoạch tiếp theo, trong đó chú trọng đầu tư, tập trung mạnh cho mảng sách đào tạo cũng như nâng cao hơn nữa chất lượng từ khâu biên soạn, biên tập, thẩm định cho đến xuất bản và phát hành.
TS. Tuyên cho biết, trong tương lai sẽ mở rộng và xuất bản những cuốn sách theo nhu cầu của người đọc và xã hội quan tâm. Trong đó, mở rộng biên soạn, đẩy mạnh khai thác bản thảo sách văn hóa, lịch sử trong đó liên quan đến Huế. “Bên cạnh công việc làm sách, chúng tôi xác định việc quảng bá văn hóa, lịch sử Huế đến với bạn đọc gần xa cũng rất quan trọng. Đó như là một cách để NXB đóng góp cho Huế”, ông Tuyên trải lòng.
Cùng quan điểm, anh Võ Ca Dao, Giám đốc Công ty dịch thuật và truyền thông D-Institute – người từng có nhiều năm kinh nghiệm trong việc lăn lộn với công tác làm sách cũng như lan tỏa văn hóa đọc nhìn nhận, việc đưa sách đi dự giải cho thấy đó cũng là động lực để tác giả, đơn vị xuất bản chăm chút hơn cho “đứa con” của mình. Vì nếu đoạt giải, đây là một vinh dự. “Và khi đoạt giải, cuốn sách được cơ hội truyền thông tốt hơn, được nhiều người chú ý hơn”, anh Dao nhận định.
Một khi sách đoạt giải còn là tiền đề để giúp phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Tuy nhiên, để những cuốn sách hay này đến được tay người đọc cũng cần phải đẩy mạnh kênh phát hành, quảng bá dưới nhiều hình thức để người đọc thấy được sự hứng thú.
Nói về những cuốn sách của tác giả ở Huế, những cuốn nghiên cứu, khảo cứu về Huế được vinh danh sách hay, anh Dao cho rằng, đó là tín hiệu tích cực không chỉ ghi nhận công sức tài năng của tác giả, mà còn cho thấy sự đầu tư kỹ lưỡng của đội ngũ làm sách. “Để khích lệ tác giả, đội ngũ làm sách, tôi nghĩ địa phương cần mua những cuốn sách này trang bị trong các thư viện, trường học, hoặc làm quà tặng nhân những dịp phù hợp…”, anh Dao đề nghị.
Còn ở khía cạnh độc giả, anh Dao mong đợi các đơn vị làm sách sẽ nghĩ ra những cách để độc giả thấy được cái hay, thú vị, độc đáo của cuốn sách đoạt giải. Việc này cũng sẽ góp phần làm cho việc đọc sách tăng thêm giá trị.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/de-sach-hay-den-gan-hon-voi-nguoi-doc-a107246.html