Văn hóa - Nghệ thuật Thông tin văn hóa Tổ chức lễ húy kỵ nhân 96 năm vua Khải Định băng hà
Ngày 25/10 (nhằm ngày 20 tháng 9 năm Tân Sửu), tại Thế Tổ miếu, Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức lễ húy kỵ vua Khải Định nhân 96 năm ngày ông băng hà.
Lễ húy kỵ được tiến hành theo nghi thức truyền thống. Ảnh: Trung tâm BTDTCĐ Huế
Vua Khải Định (1885 - 1925) tên là Nguyễn Phúc Bửu Đảo, còn có tên là Nguyễn Phúc Tuấn. Ông là con của hoàng đế Đồng Khánh và Hựu Thiên Thuần Hoàng hậu (Tiên Cung). Vua Khải Định lên ngôi năm 1916, là vị vua thứ 12 của triều Nguyễn.
Tháng 5 năm Nhâm Tuất (1922), hoàng đế Khải Định sang Pháp dự cuộc “Đấu xảo thuộc địa” tại Marseille. Nhân chuyến đi này, ông muốn vận động các dân biểu trong quốc hội Pháp cùng với báo giới để yêu cầu Pháp thực hiện đúng Hiệp ước Giáp Thân (1884) mà theo đó Pháp chỉ là nước bảo hộ, nhưng việc không thành. Tuy nhiên, chuyến đi này cũng giúp ông có cơ hội nhìn ra thế giới và nhận biết tình hình đất nước, đặc biệt là tiếp thu những ảnh hưởng trong phong cách thiết kế kiến trúc, thể hiện rõ qua các công trình được xây dựng trong giai đoạn ông trị vì, như: cung An Định, điện Kiến Trung, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức…
Lăng của hoàng đế Khải Định (Ưng Lăng) đặt ở núi Châu Chữ (TP. Huế). Nó là sự kết hợp của nhiều dòng kiến trúc Á, Âu, Việt Nam cổ điển và hiện đại.