Văn hóa ngôn ngữ là rào cản lớn khi đi xuất khẩu lao động

Lao động của Việt Nam đã và đang gặp rất nhiều khó khăn khi ra nước ngoài làm việc như: trình độ thấp, khả năng thích ứng không cao... trong đó phải kể đến sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, đó là rào cản rất lớn khi đi xuất khẩu lao động.

Trong bối cảnh thị trường trong nước đã và đang dần bão hòa về việc làm, việc mở rộng đầu tư, hợp tác nước ngoài vừa là đòi hỏi vừa là cơ hội đối với lao động Việt nam trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế.

 Người đi XKLĐ cần được trang bị thêm những kiến thức về văn hóa ứng xử (Ảnh minh họa)

Người đi XKLĐ cần được trang bị thêm những kiến thức về văn hóa ứng xử (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo của Cục quản lý lao động ngoài nước, năm 2018 là năm thứ năm liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm. Theo số liệu thống kê, năm 2018, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 142.860 lao động. Chính sách xuất khẩu lao động của Nhà nước ta cùng với những cố gắng thực hiện của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp trong nhiều chục năm qua ngày càng đạt được những kết quả tốt về nhiều mặt.

Tuy nhiên, ngoài việc có được tay nghề, thu nhập đó là việc người lao động không nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, phong tục nước sở tại cùng các hợp đồng lao động. Tình trạng bỏ việc ở các công ty, cơ sở lao động để đi làm chui, hoặc tụ tập làm các công việc phi pháp như: nấu rượu, buôn bán động vật hoang dã tạo tác động tiêu cực đến các đối tác tiếp nhận lao động, gây mất thiện cảm với cộng đồng dân cư nước sở tại.

Trong Hội nghị truyền thông về xuất khẩu lao động năm 2019, Tiến sĩ Trần Thị Minh Phương - Trường Đại học Lao động và Xã hội đã nêu vấn đề đẩy mạnh văn hóa ứng xử cho người lao động xuất khẩu, tôn trọng, chấp hành kỷ cương pháp luật nơi đất nước và cơ sở mình lao động để hạn chế những tiêu cực, đảm bảo lợi ích của người lao động và cộng đồng.

Tiến sĩ Minh Phương cho biết: Hiện nay, tất cả lao động đều được đào tạo tại các trung tâm, công ty với nội dung đa dạng, phù hợp với khả năng của học viên cũng như đáp ứng đươc yêu cầu của phía đối tác. Học viên hiện nay không chỉ được đào tạo nghề, đào tạo tiếng mà còn được chuẩn bị kỹ lưỡng và giáo dục định hướng. Trong đó giáo trình tiếng, giáo trình định hướng và giáo trình chuyên ngành được đào tạo cơ bản theo giáo trình do Cục quản lý lao động ngoài nước biên soạn.

Thực tế hiện nay các học viên trong quá trình đào tạo đề được xem clip, xem đoạn phim liên quan đến chương trình học để nâng cao trình độ nghe hiểu, từ đó điều chỉnh theo nhận thức của học viên. Những học viên khá giỏi ưu tiên tiến cử đơn hàng, học viên yếu kém thì bố trí giáo viên dạy tăng cường để nâng cao trình độ. Đặc biệt, trong thời gian đào tạo tiếng và nghề học viên được học hỏi, đào tạo, rèn luyện tác phong làm việc, phong tục tập quán theo chuẩn quy định của từng thị trường.

 Học viên hiện nay không chỉ được đào tạo nghề, đào tạo tiếng mà còn được giáo dục định hướng

Học viên hiện nay không chỉ được đào tạo nghề, đào tạo tiếng mà còn được giáo dục định hướng

Ngoài giáo viên người Việt có kinh nghiệm làm việc lâu dài tại nước ngoài, học viên còn được học tập và trải nghiệm với giáo viên người bản địa. Đặc biệt đối với thị trường Nhật Bản – là thị trường có yêu cầu cao đối với người lao động cả về trình độ kĩ năng và năng lực tiếng. Học viên được làm quen, giao tiếp với người bản ngữ nhằm tăng thêm phản xạ ngôn ngữ, phát âm chuẩn và đặc biệt tạo được phong thái tự tin khi tiếp xúc với người nước ngoài, có thể hiểu rõ phong tục tập quán, các vấn đề về pháp luật của nước bạn.

Tùy theo từng thị trường, học viên sẽ được giáo dục định hướng theo những nội dung khác nhau: thị trường Nhật Bản là thị trường khó tính, nên đặc biệt phải đào tạo lao động tuân thủ nghiêm túc quy định về 5S, về vệ sinh, chuẩn chỉnh về thời gian; thị trường Hàn Quốc: Chủ yếu là lao động thuyền viên nên tập trung định hướng về quy tắc làm việc trên tàu cá xa bờ, gần bờ, về thái độ sống cũng như việc tuân thủ quy định làm việc trên tàu như không uống rượu; thị trường Đài Loan có cả lao động về công xưởng, hộ lý và giúp việc nên giáo dục định hướng phải có giáo trình riêng theo từng ngành nghề.

Đối với công nhân nhà máy đều phải hướng dẫn tuân thủ nội quy làm việc trong nhà xưởng, giờ giấc làm việc, cách sử dụng các trang thiết bị máy móc cũng như các dụng cụ làm việc được trang bị. Đối với hộ lý thì phải định hướng tuyên truyền thái độ làm việc tại bệnh viện, thái độ với bệnh nhân, đạo đức làm việc trong viện dưỡng lão, cũng như thời gian làm việc đặc thù trong bệnh viện (12 tiếng/ngày). Đối với lao động giúp việc thì nâng cao ý thức về làm việc tại gia đình nhà chủ, phải thật thà, chăm chỉ, chịu khó. Thời gian làm việc cũng đặc thù (ăn ngủ tại gia đình nhà chủ)…..và nhiều thị trường xuất khẩu khác cũng được quan tâm chú ý đặc biệt.

Nhìn chung, để có thể cạnh tranh được trên thị trường lao động, Việt Nam cần giành sự quan tâm thực sự đến yếu tố văn hóa, coi đó chìa khóa dẫn tới thành công của lao động Việt trong bối cảnh hội nhập.

T.Nhi

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/xa-hoi/doi-song/van-hoa-ngon-ngu-la-rao-can-lon-khi-di-xuat-khau-lao-dong-320786.html