Văn hóa - nguồn lực nội sinh để phát triển (Bài 1)

BPO - Trong quá trình toàn cầu hóa, một quốc gia, dân tộc không thể phát triển ổn định và bền vững nếu chỉ chú trọng tăng trưởng kinh tế mà bỏ quên, thậm chí hy sinh các giá trị văn hóa. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững…”. Đây chính là định hướng quan trọng để Đảng ta vững niềm tin tiếp bước xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

VĂN HÓA - NĂNG LỰC CẠNH TRANH
ĐỘC QUYỀN CỦA DOANH NGHIỆP

Văn hóa doanh nghiệp (DN) là yếu tố vô hình nhưng vẫn luôn tồn tại và đóng vai trò quyết định tới sự thành công của nhiều DN. Văn hóa DN là những hành vi ứng xử, thói quen, chuẩn mực của các thành viên trong DN nhằm tạo ra nét đặc trưng riêng. Văn hóa DN còn thể hiện tầm nhìn, sứ mệnh hoạt động, triết lý và giá trị cốt lõi để hình thành nhận thức, xây dựng văn hóa tổ chức một cách phù hợp nhất. Môi trường kinh doanh luôn thay đổi, văn hóa sẽ giúp DN và người lao động có mối quan hệ hài hòa, hợp tác cùng nhau phát triển.

Công ty cổ phần FSC Việt Nam, Khu công nghiệp Nam Đồng Phú, huyện Đồng Phú có nhiều chính sách đãi ngộ phù hợp, chăm lo tốt đời sống người lao động chính là sức hút để giữ chân người giỏi ở lại công ty

Công ty cổ phần FSC Việt Nam, Khu công nghiệp Nam Đồng Phú, huyện Đồng Phú có nhiều chính sách đãi ngộ phù hợp, chăm lo tốt đời sống người lao động chính là sức hút để giữ chân người giỏi ở lại công ty

Khẳng định thương hiệu bằng văn hóa doanh nghiệp

Có mặt trên địa bàn tỉnh Bình Phước muộn hơn so với một số ngân hàng thương mại, song Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam chi nhánh Bình Phước (Vietcombank Bình Phước) đã sớm khẳng định được vị thế, lòng tin của khách hàng từ hình ảnh của một ngân hàng uy tín và hiện đại với nét văn hóa DN đặc trưng riêng. Để duy trì vị thế dẫn đầu trong 5 năm liên tiếp là ngân hàng có môi trường làm việc tốt nhất tại Việt Nam, giá trị thương hiệu Vietcombank không chỉ được khẳng định qua uy tín, chất lượng sản phẩm dịch vụ mà một phần quan trọng còn bắt nguồn từ phong cách làm việc chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên. Để đạt được điều này, mỗi cán bộ, nhân viên của Vietcombank đều cảm thấy mình là một phần của tầm nhìn phát triển chung.

Chị Nguyễn Thị Thu Phương, Trưởng phòng dịch vụ Vietcombank Bình Phước chia sẻ: “Cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh, Vietcombank cũng đặc biệt quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, nhân viên và coi công tác xây dựng văn hóa DN, văn hóa giao tiếp với khách hàng, lấy ứng xử là nền tảng hỗ trợ hoạt động chuyên môn. Việc đổi mới phong cách phục vụ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh luôn được đặt lên hàng đầu”.

Chính phong cách, tác phong giao dịch và đạo đức của cán bộ, nhân viên Vietcombank là chất xúc tác thu hút khách hàng đến với DN này. Ông Trần Quang Trung ở phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài khẳng định: “Do đặc thù công việc nên hầu như ngày nào tôi cũng đến ngân hàng giao dịch. Tôi gắn bó với Vietcombank không chỉ bởi những sản phẩm dịch vụ chất lượng tốt, phù hợp mà còn bởi tác phong phục vụ ân cần, niềm nở, tôn trọng khách hàng của mỗi nhân viên ở đây”.

Thực hiện văn hóa DN phải đi đôi giữa nói và làm, nói là phải thực hiện, tránh việc chỉ làm cho có. Điều này được chúng tôi duy trì trong suốt thời gian qua và sẽ theo đuổi giá trị này đến cùng. Tuy nhiên, muốn người lao động thực hiện tốt văn hóa DN thì người lãnh đạo cần phải là một tấm gương đi đầu, thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra, làm động lực gắn kết mọi người xích lại gần nhau hơn. Chuẩn mực trong xử lý công việc, trong hành vi ứng xử cũng là một trong 5 giá trị cốt lõi của văn hóa Vietcombank đó là: Tin cậy - chuẩn mực - sẵng sàng đổi mới - bền vững và nhân văn.

Ông Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Vietcombank Bình Phước

Kết quả của sự kiên trì xây dựng văn hóa DN cũng như tinh thần sẵn sàng đổi mới, chuyển đổi văn hóa phù hợp, yếu tố dẫn dắt DN phát triển bền vững trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đã giúp Vietcombank được vinh danh là 1 trong 10 DN đạt chuẩn văn hóa kinh doanh đầu tiên tại Việt Nam.

Trách nhiệm xã hội là lợi thế thu hút nhân tài

Ngoài mức lương bình quân 10-12 triệu đồng/người/tháng, Công ty cổ phần FSC Việt Nam, Khu công nghiệp Nam Đồng Phú, huyện Đồng Phú còn có nhiều chính sách đãi ngộ phù hợp với công sức và trí tuệ công nhân bỏ ra. Công ty có quy định riêng ưu tiên công nhân có thâm niên để họ nhận thấy làm việc lâu năm càng có nhiều quyền lợi. Điển hình như chính sách tạo điều kiện cho lao động có nhu cầu định cư lâu dài tại tỉnh sẽ được cho vay vốn ưu đãi để mua đất xây nhà. Với hơn 200 lao động tay nghề cao đang làm việc, công ty đã xây nhà ở công vụ, giải quyết nhu cầu về nhà ở cho khoảng 60 cán bộ, công nhân viên ở xa. Chính chính sách chăm lo, đặt người lao động lên hàng đầu là lý do công nhân khi đã ký hợp đồng làm việc thì đều có nguyện vọng cống hiến lâu dài cho công ty.

Trong thời điểm khó khăn nhất do ảnh hưởng của các đợt dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu, Công đoàn cơ sở công ty đã chủ động nghiên cứu và đề xuất phương án sắp xếp lao động hợp lý, không cắt giảm lao động. Ông Lê Hoàng Hiệp, Phó giám đốc công ty cho biết: Chăm lo tốt đời sống người lao động chính là sức hút để giữ chân người giỏi ở lại công ty. Người lao động đi làm, ngoài tiền lương thì luôn cần những giá trị tinh thần. Chúng tôi luôn xem môi trường làm việc tốt là nơi mọi người có sự tôn trọng và hợp tác lẫn nhau. Văn hóa là lợi thế để DN cạnh tranh công bằng, dài hạn, từ đó giúp DN có thêm khách hàng, có thêm thị trường, góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận.

Khẳng định bản sắc doanh nghiệp

Không chỉ những DN lớn, văn hóa DN cũng đang được các DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp trong tỉnh chú trọng. Nhờ xây dựng văn hóa DN song hành với chiến lược kinh doanh từ những ngày đầu thành lập đang giúp Công ty TNHH Tôn An Thái, huyện Chơn Thành hiện thực hóa mục tiêu trở thành DN thép đứng đầu tỉnh Bình Phước.

Kinh doanh ở lĩnh vực cắt, cán và thương mại tôn, thép phục vụ ngành xây dựng công nghiệp, dân dụng và hạ tầng giao thông, công ty này đang tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 40 lao động. Với tư duy và tầm nhìn chiến lược của một lãnh đạo trẻ, anh Nguyễn Thế Tùng, Giám đốc công ty không chỉ đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại vào sản xuất mà còn thu hút, đào tạo đội ngũ nhân sự trẻ, kỹ sư giỏi về làm việc.

Công ty TNHH Tôn An Thái, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành tạo dựng mối quan hệ nhân viên và lãnh đạo thân thiết như một gia đình, tạo điều kiện để công nhân phát huy những sáng kiến, phát triển doanh nghiệp

Công ty TNHH Tôn An Thái, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành tạo dựng mối quan hệ nhân viên và lãnh đạo thân thiết như một gia đình, tạo điều kiện để công nhân phát huy những sáng kiến, phát triển doanh nghiệp

Anh Tùng cho biết: Trước đây làm kinh doanh tôi chỉ nghĩ đến lợi nhuận nhưng khi xây dựng DN lớn với số lượng nhân sự đông thì ngoài yếu tố lợi nhuận, phải có được sự hài lòng của khách hàng và nhân viên. Chúng tôi đang theo đuổi các giá trị về quy tắc ứng xử với khách hàng, với đồng nghiệp và những người xung quanh như: kinh doanh luôn vui khỏe, luôn tươi cười; tinh thần trách nhiệm, trân trọng khách hàng. Chính điều này đã tạo nên một tập thể cùng nhau nỗ lực để đạt được mục tiêu đề ra.

Xác định quan tâm đến đời sống người lao động là đầu tư cho tương lai của DN, vì thế để người lao động gắn bó lâu dài với công ty, anh Tùng tạo dựng mối quan hệ nhân viên và lãnh đạo thân thiết như trong một gia đình. Anh thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo văn hóa, duy trì những buổi sinh hoạt tập thể, người lao động được tham gia đầy đủ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và quyền bảo hộ lao động. Nhờ đó, nhân viên hiểu để thay đổi tư duy, phương pháp làm việc, từ đó phát huy những sáng kiến phát triển DN.

Nhiều người thường nghĩ, đối với những DN quy mô nhỏ, nhân viên ít thì văn hóa DN thường không được xem trọng, nhưng với Công ty Tôn An Thái thì dù lớn hay nhỏ, việc thiết lập định hướng, mục tiêu cốt lõi, tạo môi trường làm việc hiệu quả, chuyên nghiệp sẽ mang lại giá trị cho DN. Chính điều này cũng đã tạo nên thương hiệu, bản sắc, văn hóa riêng của DN, không lẫn với bất kỳ DN nào khác.

Kinh tế thị trường không phải có 2 mặt mà xã hội nào cũng có 2 mặt của nó. Cái chính là làm sao định hướng để hoạt động kinh doanh hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ, đem lại lợi ích nhưng không làm phương hại đến người khác. Làm văn hóa kinh doanh cho dù có đặc thù đến đâu cũng phải chú ý 3 nguyên tắc toàn cầu, đó là: “win - win” - tức là mình muốn thắng người ta thì cũng phải tính thắng ở chỗ nào thì mới bền vững, sharing (phải biết chia sẻ) hay trade-offs (phải biết đánh đổi để có lợi nhất).

GS.TS khoa học Vũ Minh Giang, Đại học Quốc gia Hà Nội

Franklin Covey - Tổ chức tư vấn và đào tạo hàng đầu của Mỹ nhận định: “Nếu chiến lược là hạt thì văn hóa là đất. Nếu đất tốt thì hạt sẽ nở hoa, dù hạt có tốt đến mấy nhưng đất không tốt thì chiến lược cũng khó có thể thành công”. Văn hóa là nền tảng, mà khi nền tảng vững thì các chiến lược đưa ra mới có thể thực thi và có hiệu quả mạnh mẽ, bền vững lâu dài. Trong thời đại công nghệ bùng nổ, không chỉ là bản sắc riêng, văn hóa DN còn là năng lực cạnh tranh độc quyền của mỗi DN.

Ngân Hà - Thanh Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/134498/van-hoa-nguon-luc-noi-sinh-de-phat-trien-bai-1