Văn hóa - nguồn lực nội sinh quan trọng để xây dựng Sóc Trăng phát triển văn minh, giàu đẹp

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Người đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng, tính đi trước của văn hóa, coi đây là ngọn lửa soi đường, dẫn lối cho dân tộc đi đến thắng lợi: 'Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi'. Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, thời gian qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng luôn coi trọng việc phát triển văn hóa và phát huy nguồn lực con người; cụ thể hóa và ban hành nhiều chủ trương, chương trình, kế hoạch xây dựng, phát triển văn hóa và con người Sóc Trăng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; quan tâm phát huy vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Khơi dậy nguồn sức mạnh nội sinh…

Ngay sau khi Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 37-CTr/TU, ngày 31/7/2014 về thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và Chương trình hành động số 37-CTr/TU, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò của văn hóa, con người Việt Nam có những chuyển biến tích cực, phát huy được trách nhiệm và sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sóc Trăng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đồng chí Trần Minh Lý - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng đánh giá, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW nhiều giá trị văn hóa trong gia đình và cộng đồng được phát huy; ý thức, trách nhiệm của người dân trong tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ngày càng tốt hơn. Vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người được coi trọng, nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai rộng khắp. Các lễ hội truyền thống được bảo tồn, phục dựng, duy trì, tổ chức, tiêu biểu là Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo, Lễ hội Nghinh Ông (huyện Trần Đề), Lễ hội Thắc Côn (huyện Châu Thành), Lễ hội Phước Biển (thị xã Vĩnh Châu)… đã tạo môi trường văn hóa lành mạnh, sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng, thu hút du khách, góp phần thúc đẩy du lịch, dịch vụ của tỉnh phát triển.

Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo ở Sóc Trăng - nét đẹp văn hóa của người Khmer. Ảnh: CHÍ BẢO

Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo ở Sóc Trăng - nét đẹp văn hóa của người Khmer. Ảnh: CHÍ BẢO

Việc xây dựng văn hóa trong chính trị được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trách nhiệm nêu gương và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Xây dựng văn hóa trong kinh tế bước đầu có sự chuyển biến trong nhận thức và hành động. Chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa ngày càng được nâng cao. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa các dân tộc thiểu số, giá trị các di tích đã được xếp hạng, các di sản văn hóa phi vật thể được quan tâm thực hiện,. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình UBND tỉnh ban hành, phê duyệt các đề án bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể như: Nghệ thuật đờn ca tài tử, nghệ thuật sân khấu dù kê, nghệ thuật sân khấu rô băm, trình diễn múa rom vong, nhạc ngũ âm, Lễ hội Nghinh Ông... với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Sự nghiệp văn học, nghệ thuật tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển. Hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế được chú trọng, thông qua các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, kêu gọi đầu tư, tham dự các giải thi đấu thể thao quốc tế, các sự kiện văn hóa nước ngoài tại tỉnh như: Tuần Văn hóa Campuchia tại Việt Nam, giao lưu nghệ thuật với các nước Campuchia, Ấn Độ…

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm 30,19% dân số toàn tỉnh. Tại nhiều ngôi chùa ở Sóc Trăng, bên cạnh hoạt động tôn giáo, địa phương cùng ban quản trị các chùa đã hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ, nhóm nghệ thuật nhằm phát triển văn hóa truyền thống của người Khmer. Chúng tôi có dịp đến thăm chùa Bốn Mặt ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành. Hằng năm, tại khuôn viên chùa diễn ra nhiều lễ hội truyền thống của người Khmer. Những năm qua, nhà chùa cùng bà con phật tử đã có nhiều đóng góp trong phát triển, bảo tồn văn hóa dân gian của người Khmer, trong đó đã thành lập Câu lạc bộ Văn nghệ tụ điểm văn hóa chùa Bốn Mặt.

Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ kiêm người hướng dẫn múa là chị Sơn Thị Diệu chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi rất đam mê các điệu múa truyền thống của dân tộc mình. Tôi được xem các anh chị nghệ sĩ trong Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh biểu diễn và xem các clip hướng dẫn múa trên internet, rồi hướng dẫn, truyền dạy lại cho các em trong câu lạc bộ. Sau thời gian thành lập, câu lạc bộ được sự quan tâm của các cấp, các ngành hỗ trợ trang phục, âm thanh và tạo điều kiện cho tôi học các lớp sân khấu dù kê, nhạc công, biên đạo…”.

Để Câu lạc bộ Văn nghệ tụ điểm văn hóa chùa Bốn Mặt duy trì được đến hôm nay, chị Diệu cùng một số thành viên chủ chốt trong câu lạc bộ đến từng nhà, vận động các gia đình cho con em tham gia. Hiện câu lạc bộ có khoảng 40 thành viên tham gia sinh hoạt thường xuyên. Điệu múa đặc trưng được câu lạc bộ biểu diễn tại nhiều nơi là múa gáo dừa và các điệu rô băm cổ điển.

Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa, các điểm vui chơi giải trí... từ tỉnh đến cơ sở từng bước được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ theo hướng hiện đại, đáp ứng cơ bản nhu cầu của nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được duy trì thường xuyên, với tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 89,28%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị đạt chuẩn cơ quan văn hóa là 98,5%.

Góp phần xây dựng Sóc Trăng ngày càng văn minh, giàu đẹp

Từ những kết quả đạt được cho thấy tinh thần, sức sống của Nghị quyết số 33-NQ/TW đã thật sự lan tỏa, thấm sâu trong từng lĩnh vực, địa bàn, cộng đồng, tầng lớp dân cư trên địa bàn tỉnh; xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình hay, điển hình tiên tiến có sức thuyết phục cao, góp phần làm thay đổi diện mạo xã hội, trở thành sức mạnh nội sinh, nền tảng tinh thần to lớn của Đảng bộ và nhân dân Sóc Trăng để vượt qua những khó khăn, thách thức, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Sóc Trăng và Ấn Độ có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa. Ảnh: CHÍ BẢO

Sóc Trăng và Ấn Độ có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa. Ảnh: CHÍ BẢO

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai và thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương trên địa bàn tỉnh còn có một số mặt hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như: Sự phát triển văn hóa của tỉnh chưa có định hướng đồng bộ và mang tính dài hạn; chưa phát huy đúng mức lợi thế nguồn lực văn hóa, con người trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa trong phát triển du lịch, dịch vụ còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có nơi còn mang tính hình thức. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí ở cơ sở còn thiếu, yếu, kém hiệu quả. Văn hóa ứng xử của một bộ phận người dân, trong đó có thế hệ trẻ do ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai là xu hướng đáng lo ngại...

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng khẳng định những thành tựu đạt được trong các năm qua sẽ tạo nên sức mạnh cho tỉnh phát triển toàn diện và bền vững;, trong đó, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Ban Thường vụ Tỉnh ủy tin tưởng rằng những kết quả đạt được trong 10 năm qua sẽ là cơ sở cho các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tập trung, dồn sức lãnh đạo, chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã xác định tại Chương trình số 37 của Tỉnh ủy và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025; tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người Sóc Trăng; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, góp phần xây dựng quê hương Sóc Trăng ngày càng phát triển.

CHÍ BẢO

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/van-hoa-nguon-luc-noi-sinh-quan-trong-de-xay-dung-soc-trang-phat-trien-van-minh-giau-dep-73826.html