VĂN HÓA THÍCH NGHI

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ truyền thống canh tác vùng sông nước miệt vườn sang áp dụng khoa học kỹ thuật thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn với phương châm 'thuận thiên', là cuộc chuyển đổi mang tính lịch sử ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBCSL) hiện nay.

Xét về sản phẩm, sản lượng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật và thành tựu ứng dụng văn minh công nghiệp, kết quả của quá trình chuyển đổi ấy có thể lượng hóa được theo từng giai đoạn, từng năm, từng tháng. Nhưng để đại bộ phận nhân dân có ý thức, khát vọng và kỹ năng vươn lên làm chủ cuộc chuyển đổi cơ cấu kinh tế ấy, lại là một câu chuyện khác, rất khó đong đếm một cách cơ học. Đó là câu chuyện của văn hóa!

Người dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng của quá trình chuyển đổi!

Muốn có khát vọng chuyển đổi, phải xây dựng văn hóa thích nghi. Xây dựng văn hóa thích nghi với cái mới, nhất là khi cái mới ấy gặp khó khăn, thử thách hơn nhiều so với cái cũ, cái truyền thống, là điều không hề dễ dàng.

Chợ Nổi - nét văn hóa độc đáo của miền Tây Nam Bộ/ Ảnh minh họa: Báo Dân Trí.

Chợ Nổi - nét văn hóa độc đáo của miền Tây Nam Bộ/ Ảnh minh họa: Báo Dân Trí.

Câu chuyện thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL nhìn từ góc độ văn hóa, đang là vấn đề lớn, thu hút sự quan tâm của giới chuyên gia, đồng thời là nỗi trăn trở, thử thách đối với hệ thống chính trị các địa phương trong vùng.

Kết quả khảo sát sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, cho thấy: Quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế đã thay đổi căn bản trục sản phẩm chủ lực từ lúa gạo sang trái cây và thủy sản chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Nhiều vùng đã biến hạn, mặn thành điều kiện mới, hình thành những mô hình sinh thái thích ứng biến đổi khí hậu. Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ở những khu vực chuyển đổi thành công, giá trị kinh tế và mức sống người dân không thua kém, thậm chí còn cao hơn trước. Để ĐBSCL là vùng đất trù phú, phát triển bền vững, mấu chốt là các địa phương phải giữ được nguồn lực lao động, phát triển nhân lực chất lượng cao. Sự “chảy máu” nguồn nhân lực, dù diễn ra ở phạm vi, cấp độ nào cũng đều là lực cản của phát triển.

Đáp số của chuyển đổi cơ cấu kinh tế đã dần được khẳng định bằng tiền, bằng sản phẩm lao động, sáng tạo. Nhưng một bộ phận không nhỏ người dân từ bao đời đã quen với sông nước mênh mông, khí hậu mát mẻ, nay phải sống trong cảnh hạn hán khốc liệt, nắng nóng gay gắt, vẫn chưa sẵn sàng cho ý chí thích nghi.

Thế nghĩa là văn hóa thích nghi đang đặt ra nhiều vấn đề!

Tình trạng người lao động, nhất là nguồn nhân lực trẻ từ các địa phương vùng hạn hán, xâm nhập mặn ĐBSCL rời bỏ quê hương đi nơi khác làm ăn đã và đang diễn ra phổ biến. Điểm đến của họ chủ yếu là TP Hồ Chí Minh và các đô thị khu vực miền Đông Nam Bộ. Rời bỏ vùng đất khó khăn để tìm đến một nơi khác có điều kiện mưu sinh thuận lợi hơn là một xu thế khó cưỡng. Tuy nhiên, nếu vùng đất ấy đang cần nguồn nhân lực để thực hiện cuộc chuyển đổi cơ cấu kinh tế với triển vọng tốt, mà người dân vẫn dắt díu nhau rời đi thì đó là vấn đề xã hội cần phải được quan tâm thấu đáo.

ĐBSCL xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hệ sinh thái vùng hạn mặn, nhưng lại đang thiếu những mô hình xây dựng “hệ sinh thái” trong ý thức, tâm tưởng và khát vọng của người dân.

Cái gốc của “hệ sinh thái” ấy chính là văn hóa thích nghi!

Văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực và mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Muốn phát triển ổn định và bền vững, bên cạnh thúc đẩy các giải pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phải đặc biệt coi trọng các giải pháp về văn hóa. Có văn hóa thích nghi thì người dân mới có niềm tin, tình yêu và bổn phận gắn bó với nơi "chôn rau cắt rốn".

Để phát triển bền vững ĐBSCL, không ai làm tốt hơn chính người dân ĐBSCL.

Văn hóa thích nghi là làm cho mọi người dân cảm thấu sâu sắc triết lý và chân lý ấy!

PHAN TÙNG SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dien-dan-chu-nhat/van-hoa-thich-nghi-656509