Gỡ bỏ hơn 17.000 sản phẩm, thực phẩm trôi nổi trên 'chợ mạng'

Thông tin trên được bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương) đưa ra tại hội thảo 'Kết nối sản phẩm thực phẩm an toàn vào kênh phân phối hiện đại', diễn ra ngày 17/7.

Tại sự kiện, bà Lê Thị Hà cho biết, thương mại điện tử đang làm thay đổi nhiều cách thức mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam. “Hiện nay, người tiêu dùng có thể mua các thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến sẵn một cách dễ dàng và thuận tiện thông qua các kênh trực tuyến,” bà Hà nói.

Tuy nhiên, cũng như mọi loại hàng hóa, hoạt động kinh doanh thực phẩm qua thương mại điện tử rất phức tạp, khó kiểm soát. Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm trên môi trường thương mại điện tử cũng là vấn đề trọng tâm trong hoạt động của các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp lớn.

Thời gian qua, cơ quan này đã yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử rà soát quy trình, biện pháp kiểm duyệt người bán, sản phẩm và dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện.

Kết quả, năm 2023 đã gỡ bỏ 17.234 sản phẩm và chặn 5.576 gian hàng vi phạm trên các nền tảng thương mại điện tử. Riêng 6 tháng đầu năm nay, các sàn giao dịch thương mại điện tử đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn và gỡ gần 400 sản phẩm, thực phẩm chức năng trôi nổi, không đảm bảo an toàn được bày bán trên các sàn thương mại điện tử, theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số.

Về vấn đề này, ông Thân Đức Công, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) cho biết, vấn nạn hàng giả nói chung và thực phẩm giả nói riêng tuy đã được tăng cường kiểm tra, giám sát song vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi trên môi trường thương mại điện tử.

Lực lượng quản lý thị trường đã liên tiếp phát hiện, xử lý các vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm. Điển hình lực lượng quản lý thị trường tỉnh Cao Bằng phát hiện cơ sở kinh doanh nội tạng bán qua hình thức thương mại điện tử với khối lượng hàng hóa vi phạm rất lớn.

Từ kinh nghiệm vận hành tại Việt Nam, ông Park Chang Lyul, Giám đốc vận hành Lotte Mart Việt Nam thông tin một số điểm mà các nhà cung ứng trong nước nên chú ý. Trước hết, các nhà cung cấp phải đáp ứng về mặt giấy tờ chứng nhận chất lượng sản phẩm, chứng nhận hoạt động cũng như tìm hiểu về quy trình giao nhận hàng hóa của hệ thống bán lẻ để đảm bảo cung cấp đầy đủ giấy tờ cần thiết.

“Trong thời gian qua, hồ sơ pháp lý của các nhà cung cấp, đặc biệt các nhà cung cấp quy mô nhỏ và vừa, thường thiếu hoặc không theo quy chuẩn, khiến cho việc xét duyệt hồ sơ rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Vậy nên đối với những hồ sơ pháp lý như giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, kết quả kiểm nghiệm, quy định tem nhãn… cần phải được tuân thủ chuẩn và đầy đủ,” ông Park Chang Lyul nói.

Hội thảo "Kết nối sản phẩm thực phẩm an toàn vào kênh phân phối hiện đại". Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.

Hội thảo "Kết nối sản phẩm thực phẩm an toàn vào kênh phân phối hiện đại". Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.

Để đẩy mạnh quản lý thực phẩm trên môi trường mạng, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhấn mạnh đến kế hoạch hành động quốc gia để có hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm bền vững (bao gồm: phát triển bền vững, an toàn thực phẩm và tiêu dùng xanh) cần tiếp tục được hành động.

Thời gian tới, Bộ Công Thương tập trung triển khai xây dựng hệ thống phân phối xanh, áp dụng nguyên lý kinh tế tuần hoàn; chuyển đổi và phát triển các chợ đầu mối trở thành các trung tâm logistics theo hướng đáp ứng cho hệ thống phân phối thực phẩm, lương thực minh bạch, bền vững; đưa thương mại điện tử theo hướng minh bạch, bền vững, đồng thời tập trung đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp nâng cao nhận thức để có thể truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm và ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực này.

Các doanh nghiệp cần đồng hành, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan chức năng để chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu của chính mình và xử lý triệt để những đối tượng sản xuất, buôn bán thực phẩm giả. Nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thương mại điện tử qua việc đào tạo cán bộ làm việc liên quan tới thực thi pháp luật, quản lý Nhà nước để hiểu về quy định mới trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, từ đó hoàn thiện năng lực thực thi chuyên ngành liên quan.

Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo và phổ biến chính sách pháp luật như việc tăng cường cảnh báo bằng nhiều phương thức khác nhau đến người tiêu dùng, tận dụng các nền tảng mạng xã hội mới, các hình thức truyền tải thông tin mới như livestream, AI, sử dụng người có ảnh hưởng để lan truyền thông điệp về an toàn thực phẩm.

Hà Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/go-bo-hon-17000-san-pham-thuc-pham-troi-noi-tren-cho-mang-31330.html