Việt Nam cần tăng đầu tư cho khoa học để cải thiện năng suất lao động

Đầu tư cho khoa học - công nghệ quá thấp là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến năng suất lao động của Việt Nam chậm được cải thiện.

Năng suất lao động của Việt Nam đã có sự cải thiện, nhưng vẫn còn khoảng cách rất xa so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Bùi Quang Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

6 tháng đầu năm 2024, năng suất lao động Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?

6 tháng đầu năm theo báo cáo thống kê, tăng năng suất lao động của Việt Nam đạt khoảng 10%. Song mức tăng này vẫn chỉ ở giai đoạn rất ngắn hạn, nên chúng ta chưa thể kết luận chắc chắn rằng năng suất lao động đã có sự tăng trưởng bền vững, vì năng suất lao động phải được đánh giá theo năm hoặc thậm chí theo giai đoạn. Nhưng dù sao với kết quả tăng trưởng những tháng đầu năm theo tôi đánh giá là tích cực.

PGS. TS Bùi Quang Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

PGS. TS Bùi Quang Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Tuy nhiên, dù đã có những cải thiện về năng suất lao động nhưng năng suất lao động của chúng ta vẫn đang là điểm trũng trong khu vực ASEAN, chúng ta thua rất nhiều các nước trong khu vực. Đặc biệt, chúng ta có thể thu hẹp khoảng cách với các nước ASEAN nhưng lại tụt hậu tuyệt đối so với các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, đó là những tín hiệu đáng báo động, khi chúng ta muốn đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào hiệu quả năng suất, tăng năng lực cạnh tranh, dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đó là mục tiêu, và làm sao nâng cao năng suất lao động thì chúng ta sẽ phải rà soát xem nguyên nhân tại sao, chúng ta phải ở "vùng trũng" về năng suất lao động.

Năng suất lao động Việt Nam đang được cải thiện (Ảnh: Nguyễn Hòa)

Năng suất lao động Việt Nam đang được cải thiện (Ảnh: Nguyễn Hòa)

Như vậy, mặc dù đã có sự cải thiện nhất định, nhưng khoảng cách tuyệt đối về năng suất lao động của Việt Nam với các nước ngày càng rộng ra. Đâu là nguyên nhân căn bản nhất, thưa ông?

Tôi cho rằng nguyên nhân sâu xa, quan trọng nhất đó là đầu tư, chúng ta đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo quá ít, chỉ khoảng 0,6% GDP, so với mặt bằng chung trên thế giới là 2,2% GDP, đây là khoảng cách rất lớn.

Đặc biệt, các nước mà đã có thành tựu lớn trong cải thiện năng suất lao động thì họ đầu tư gần 4% GDP, như Hàn Quốc. Điều đó càng khẳng định, chúng ta đang đầu tư cho khoa học công nghệ, con người quá ít.

Bên cạnh đó, vấn đề cơ chế, thể chế chính sách để cho đầu tư cho năng suất lao động được đưa vào cuộc sống ra sao? Đôi khi là chúng ta có thể có nguồn lực nhưng không tiêu hết. Ví dụ như chúng ta dành 2% ngân sách cho khoa học công nghệ nhưng chưa chắc chúng ta tiêu hết, vì thể chế chính sách đôi khi nó là những rào cản mà chúng ta cần rà soát lại. Đôi khi cần những chính sách đột phá mang tính mở đường, để làm sao cho các nhà khoa học không quá băn khoăn, lo lắng về các quy định chặt chẽ về tài chính thì người ta sẽ dốc sức nhiều hơn, tập trung nhiều hơn vào đổi mới sáng tạo và khoa học - công nghệ.

Một yếu tố nữa là, các kết quả nghiên cứu khoa học thời gian qua vẫn chưa được đưa vào thực tiễn và không tạo động lực cho nghiên cứu khoa học.

Cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để nâng cao năng suất lao động (Ảnh: Nguyễn Hòa)

Cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để nâng cao năng suất lao động (Ảnh: Nguyễn Hòa)

Theo ông, để tăng năng suất lao động, chúng ta cần tập trung những giải pháp nào?

Gai đoạn tới, để nâng cao năng suất lao động tôi cho rằng chúng ta cần tiếp tục chú ý đến rất nhiều các yếu tố liên quan đến cải thiện năng suất lao động, đặc biệt là thể chế, chính sách, đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đầu tư cho nguồn nhân lực… Và đối với doanh nghiệp, chúng ta phải có cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) nhiều hơn, đầu tư cho khoa học và công nghệ và làm sao để liên kết với nhau và tăng được quy mô kinh tế, rồi phát huy được lợi thế so sánh, tóm lại phải rà soát lại tất cả những điều kiện, yếu tố để ảnh hưởng đến việc nâng cao năng suất lao động của Việt Nam.

Đặc biệt, chúng ta phải làm sao tận dụng được cơ chế thị trường, làm sao để đưa những sản phẩm khoa học công nghệ mà chúng ta dày công đầu tư, nghiên cứu đưa vào cho các doanh nghiệp áp dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đưa vào thị trường để biến thành động lực cho tăng trưởng.

Xin cảm ơn ông!

Ngày 8/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1305 phê duyệt "Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030" với mục tiêu đặt ra là: Đến năm 2030, năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo đó, từ năm 2011 đến nay, năng suất lao động tăng 2,7 lần, từ 70 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 188,7 triệu đồng/lao động năm 2023 - đây là mức cao so với khu vực và đang thu hẹp dần khoảng cách với các nước.

Nguyễn Hòa (thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-can-tang-dau-tu-cho-khoa-hoc-de-cai-thien-nang-suat-lao-dong-332938.html