Văn hóa TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Là dân tộc sinh sống lâu đời ở huyện Mường Tè, người Hà Nhì có nhiều nét văn hóa đặc sắc như: tết cổ truyền, tết mùa mưa, chữ viết. Để bảo tồn và phát huy nét văn hóa đó, huyện Mường Tè đã từng bước khôi phục, duy trì và lưu giữ không bị mai một.

Đến với các xã: Mù Cả, Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Bạ, Can Hồ - nơi sinh sống của dân tộc Hà Nhì, chúng tôi thấy bản sắc truyền thống văn hóa hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Dù xã hội ngày càng phát triển, nhà xây, nhà tầng xuất hiện nhiều nhưng những ngôi nhà trình tường mái gianh truyền thống vẫn xen lẫn với nhà hiện đại. Ở các bản, thanh niên học cách thêu thùa, dệt vải, rèn đúc, tham gia đội văn nghệ, luyện tập thể thao truyền thống. Con trẻ đến trường mặc trang phục dân tộc, tập học hát, múa làn điệu dân ca dân tộc mình. Hình ảnh đó minh chứng nét văn hóa người Hà Nhì không bị mai một mà đang được duy trì qua từng thế hệ.

Đội văn nghệ người Hà Nhì ở xã Ka Lăng (huyện Mường Tè) luyện tập các tiết mục văn nghệ.

Đội văn nghệ người Hà Nhì ở xã Ka Lăng (huyện Mường Tè) luyện tập các tiết mục văn nghệ.

Hiện nay, dân tộc Hà Nhì ở huyện Mường Tè sinh sống ở 28 bản với dân số gần 9.000 người. Để giữ nét văn hóa độc đáo đó, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện phối hợp với các xã nơi có dân tộc Hà Nhì sinh sống để tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn các giá trị cốt lõi, xóa bỏ hủ tục, lưu giữ nét đẹp trong sinh hoạt, lao động sản xuất. Gặp gỡ già làng, trưởng bản, nghệ nhân tìm hiểu các làn điệu dân ca, dân vũ, trang phục, nhà ở truyền thống, lễ hội, tín ngưỡng để tham mưu UBND huyện tìm cách khôi phục, duy trì. Cán bộ huyện, xã vận động mỗi bản thành lập đội văn nghệ, đưa văn hóa dân tộc vào trong trường học, mở lớp dạy chữ viết Hà Nhì, động viên, chung vui khi bà con tổ chức tết cổ truyền của dân tộc.

Hiểu được giá trị của bản sắc văn hóa, người dân biết chọn lọc những gì tốt đẹp, xóa bỏ hủ tục, cái xấu, nhất là thanh niên tích cực tham gia đội văn nghệ, thử sức với các môn thể thao truyền thống. Vào ngày tết Hà Nhì diễn ra vào tháng 10 (âm lịch) hàng năm, người dân đi làm xa ở mọi miền tụ họp về thờ cúng tổ tiên, ăn tết. Bà con chọn những con lợn, con gà to nhất để dâng thần linh, tổ tiên phù hộ cho làm ăn phát đạt, mưa thuận gió hòa. Khi mổ lợn, gan lợn được đưa ra cho cả nhà, dòng họ xem để đánh giá việc làm ăn của gia chủ thông qua gan to hay bé. Trong bữa ăn ngày tết, các món ăn truyền thống được đãi khách, từ chủ nhà đến lần lượt con cháu đứng lên chúc rượu. Khi ăn uống xong cùng nhau múa hát, chơi trò chơi dân gian. Chị Sừng Go Nhù (bản Mé Gióng, xã Ka Lăng) cho biết: Văn hóa của người Hà Nhì đặc sắc lắm, không chỉ ở các ngày lễ, hội mà trong cuộc sống đời thường, nhất là trang phục truyền thống của phụ nữ được thêu thùa, may tỉ mỉ, nhiều vật liệu trang trí. Vải màu đỏ làm chủ đạo tượng trưng cho loài hoa ở núi rừng và luôn đi cùng người con gái mỗi khi sinh hoạt, lao động. Tôi cùng các chị em trẻ tuổi tích cực tham gia đội văn nghệ của bản để lưu giữ nét văn hóa.

Không chỉ có ngày tết cổ truyền mà người Hà Nhì còn có tết mùa mưa, ăn lúa mới, cúng rừng thiêng, cúng bản đều thể hiện nét văn hóa riêng. Bên cạnh đó, ở các xã còn mở lớp dạy chữ viết Hà Nhì, người già dạy lớp trẻ từng chữ viết, câu nói, nguồn gốc xuất xứ của ngôn ngữ dân tộc. Thông qua lớp học, thế hệ trẻ còn được nghe nhiều câu chuyện cổ, sự tích, tìm hiểu các bài hát, nhạc cụ truyền thống. Không những vậy, trong các đơn vị nhà trường, học sinh dân tộc Hà Nhì còn được tìm hiểu nét văn hóa ở các buổi ngoại khóa, mặc trang phục truyền thống đi học (2 - 3 ngày/tuần).

Ông Pờ Lóng Tơ (bản Mù Cả, xã Mù Cả) chia sẻ: Là nghệ nhân, tôi thường xuyên tìm tòi và lưu giữ nét truyền thống của người Hà Nhì, từ trang phục, nhạc cụ, truyện thơ, chữ viết để bảo tồn và truyền dạy cho người dân trong bản hiểu biết về văn hóa dân tộc mình. Tôi còn vận động con cháu trong gia đình tham gia đội văn nghệ của bản, tích cực xóa bỏ hủ tục, tệ nạn xã hội, văn hóa phẩm đồi trụy.

Các xã, bản thành lập đội văn nghệ với thành phần ngày càng trẻ hóa chuyên luyện tập các làn điệu dân ca, dân vũ, các bài hát, nhạc cụ. Nhà sinh hoạt cộng đồng được tu sửa, xây dựng để bà con được giao lưu, trao đổi về văn hóa, cách phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ngành nghề truyền thống được khôi phục như: đan lát, may mặc, rèn đúc, dệt thổ cẩm. Không gian văn hóa của dân tộc Hà Nhì được huyện phục dựng tại tuyến đường dọc bờ hồ cùng với các dân tộc khác để người dân, du khách tìm hiểu, chiêm ngưỡng.

Anh Tống Văn Kem - Phó Phòng Văn hóa Thông tin huyện khẳng định: Để văn hóa của dân tộc Hà Nhì mãi lưu truyền, ngoài tăng cường tuyên truyền, vận động, phòng tham mưu UBND huyện phục dựng các nét đẹp, lễ hội truyền thống; duy trì đội văn nghệ xã, bản; khôi phục chữ viết, nghề truyền thống; phát huy vai trò của các nghệ nhân.

Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa truyền thống người Hà Nhì đang được khôi phục và giữ gìn, tô đẹp thêm hình ảnh nơi núi rừng biên cương. Tin rằng, nét văn hóa đó sẽ là động lực để các dân tộc khác bảo tồn văn hóa dân tộc mình.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/gi%E1%BB%AF-g%C3%ACn-v%C4%83n-h%C3%B3a-d%C3%A2n-t%E1%BB%99c-h%C3%A0-nh%C3%AC2021