Văn hóa TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Phát huy những lợi thế riêng, huyện Nậm Nhùn đang định hướng xây dựng, phát triển nhằm đánh thức tiềm năng du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân.

Nậm Nhùn được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều phong cảnh đẹp, hùng vĩ mang đặc trưng của núi rừng với những cánh rừng nguyên sinh vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ vốn có; lòng hồ rộng lớn của 2 công trình thủy điện: Sơn La, Lai Châu; vùng đất lưu giữ bảo vật Quốc gia bia Lê Lợi, một chứng tích lịch sử.

Nằm cách trung tâm huyện Nậm Nhùn hơn 20km, xã Mường Mô đang được huyện xây dựng với nhiều tiềm năng du lịch, đặc biệt là du lịch khám phá vùng lòng hồ Thủy điện Lai Châu. Đến với Mường Mô, du khách sẽ được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp nơi đây; vùng lòng hồ rộng lớn xen kẽ những đảo nhỏ nhấp nhô tựa một vịnh thu nhỏ trên vùng lòng hồ thủy điện… với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, Mường Mô thúc đẩy mạnh về du lịch.

Một góc vùng lòng hồ Thủy điện Lai Châu tại xã Mường Mô (huyện Nậm Nhùn).

Một góc vùng lòng hồ Thủy điện Lai Châu tại xã Mường Mô (huyện Nậm Nhùn).

Ông Mào Văn Tuyển - Chủ tịch UBND xã Mường Mô cho biết: “Được xác định là điểm đến trong tuyến du lịch khám phá huyện Nậm Nhùn, xã đang triển khai các giải pháp để thu hút khách du lịch”.

Khám phá đỉnh núi Pú Đao thuộc địa bàn xã Pú Đao (huyện Nậm Nhùn), đỉnh núi được đánh giá rất kỳ vĩ và có cảnh quan thiên nhiên đẹp hoang sơ, Pú Đao giống như “thỏi nam châm” hút những ai mê khám phá những vùng đất mới. Năm 2006, địa danh này được Gecko Travel - Một hãng du lịch của nước Anh chuyên đưa khách đến Đông Nam Á bầu chọn là 1 trong 5 điểm đến hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á.

Mới đây, trong chuyến khảo sát, trải nghiệm đỉnh núi Pú Đao, đồng chí Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Pú Đao với những lợi thế thiên nhiên ưu đãi, địa hình thích hợp để phát triển các loại hình du lịch mạo hiểm như: leo núi, dù lượn… Chính vì vậy, huyện cần phải tận dụng, phát huy tối đa lợi thế này để thúc đẩy du lịch của địa phương phát triển. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng xây dựng các phương án. Tìm các nhà tư vấn, nhà đầu tư phù hợp và có năng lực để thực hiện trong thời gian tới.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương tại Đền thờ vua Lê Thái Tổ.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương tại Đền thờ vua Lê Thái Tổ.

Bảo vật Quốc gia bia Lê Lợi được vua Lê Thái Tổ cho khắc vào năm 1431, trên vách đá của bờ bắc sông Đà dưới chân dãy núi Pú Huổi Chỏ, sau khi dẹp yên phản loạn (nay thuộc địa phận xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn). Bia đá như một lời răn đe đối với những kẻ phản loạn và có ý đồ làm loạn lúc bấy giờ, được bảo tồn và lưu giữ. Đây là địa điểm để người dân trong tỉnh và các địa phương lân cận đến tham quan, tìm hiểu những giá trị lịch sử, văn hóa của bảo vật Quốc gia bia Lê Lợi và nhiều điểm đến hấp dẫn khác…

Phát huy tiềm năng, lợi thế đó, huyện Nậm Nhùn đã xác định phát triển du lịch là hướng đi đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hàng loạt nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động được huyện ban hành. Huyện đã và đang triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch theo chuỗi bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, dân tộc gắn với di tích lịch sử, tâm linh; du lịch khám phá, trải nghiệm.

Ông Vũ Tiến Hóa - Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: “Để thúc đẩy du lịch phát triển, huyện đã ưu tiên các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển du lịch, góp phần quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương.

Từ đầu năm đến nay, huyện Nậm Nhùn đã đón trên 4.000 lượt khách du lịch. Với những tiềm năng, thế mạnh và những chủ trương, giải pháp cụ thể được Đảng bộ, chính quyền triển khai, tin rằng về lâu dài Nậm Nhùn hứa hẹn sẽ là điểm đến đầy hấp dẫn với du khách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/%C4%91%C3%A1nh-th%E1%BB%A9c-ti%E1%BB%81m-n%C4%83ng-du-l%E1%BB%8Bch