Khơi dậy tiềm năng du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Quan Sơn là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa với nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Nếu được khơi dậy đúng mức, những tiềm năng này sẽ góp phần đưa du lịch quan sơn có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa) có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển du lịch. Quan Sơn có cửa khẩu quốc tế Na Mèo hiện là cửa ngõ mang lại nhiều thuận lợi trong giao thương nói chung và phát triển du lịch nói riêng của tỉnh Thanh Hóa cùng Bắc Trung Bộ với nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Huyện Quan Sơn có gần 50% diện tích đồi núi, với độ che phủ của rừng trên 89,9% (đứng đầu tỉnh Thanh Hóa).
Trên địa bàn huyện còn có gần 200 hang động, suối, thác lớn, nhỏ và nhiều thắng cảnh, lễ hội gắn liền với đời sống của 4 dân tộc anh em (Thái, Mường, Kinh, Mông). Nhờ vào địa hình đồi núi đặc trưng, Quan Sơn có khí hậu tương đối mát mẻ, cảnh quan hùng vĩ cùng với nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị truyền thống cao, tạo nên một bức tranh độc đáo về văn hóa đa dạng, phong phú. Qua đó đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách yêu thích khám phá và trải nghiệm văn hóa, cũng như khám phá những điều mới mẻ từ thiên nhiên hoang sơ.
Cảnh quan thiên nhiên phong phú, văn hóa đa dạng đã đem đến cho Quan Sơn nhiều sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng hấp dẫn, như: Kỳ quan động Bo Cúng, di tích lịch sử cầu Phà Lò, lễ hội Mường Xia, chợ phiên biên giới Na Mèo, nghề dệt thổ cẩm bản Ngàm..., góp phần làm giàu thêm tiềm năng phát triển du lịch thời gian qua, đặc biệt là du lịch cộng đồng, trải nghiệm hang động.
Điểm nổi bật tại Quan Sơn là hệ thống nhiều hang động đẹp như động Bo Cúng, hang Nang Non, hang Pha Bái, hang Co Láy, hang Pha Khua... Trong đó nổi tiếng nhất là động Bo Cúng (xã Sơn Thủy) với chiều dài hơn 1km và hệ thống thạch nhũ lung linh, tráng lệ. Năm 2023, UBND huyện Quan Sơn đã phối hợp Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh tại Việt Nam tiến hành khảo sát, đánh giá và công bố nhiều thông tin quan trọng về giá trị nổi bật của động Bo Cúng như: Động hình thành từ 4 triệu năm trước, độ cao 420m so với mực nước biển, nhiều măng đá đẹp và có ý nghĩa với cả nghiên cứu khoa học lẫn phát triển du lịch. Động Bo Cúng cũng được huyện Quan Sơn đầu tư xây dựng và đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá để trở thành điểm đến hấp dẫn, mỗi năm đón hàng chục nghìn lượt khách.
Cách đó không xa là công trình tâm linh nổi tiếng Đền thờ Tướng quân Tư Mã Hai Đào, một nhân vật lịch sử có công phò vua chống giặc, bảo vệ giang sơn. Ông là người dân tộc Thái, sống ở thế kỷ XV, thời Lê Sơ. Khi Lê Lợi khởi nghĩa chống giặc Minh, ông tham gia nghĩa quân và lập nhiều chiến công, được phong là Tư Mã (một chức quan võ thời đó) trấn thủ biên cương. Gắn với đền thờ Tư Mã Hai Đào là Lễ hội Mường Xia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (năm 2022). Lễ hội là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng quan trọng của người dân, với các nghi lễ trang trọng và linh thiêng được duy trì hàng thế kỷ.
Du lịch cộng đồng trải nghiệm văn hóa dân tộc Thái cũng dần manh nha ở bản Tong (xã Trung Tiến), bản Khạn (xã Trung Thượng)... với điều kiện tự nhiên thuận lợi, như núi Pha Dùa, suối Xia, ruộng lúa nương ngô xanh tươi và những nếp nhà sàn gỗ mộc mạc.
Xác định phát triển du lịch là hướng đi đúng đắn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, xóa đói, giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, chính quyền huyện Quan Sơn đã phê duyệt nhiều đề án: “Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Quan Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, “Đề án phát triển du lịch hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái huyện Quan Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Kế hoạch phát triển du lịch huyện Quan Sơn đến năm 2025... Trên cơ sở đó, những năm qua, huyện Quan Sơn đã thực hiện hàng loạt giải pháp về phát triển du lịch. Đặc biệt địa phương luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, sự giúp đỡ của các sở, ban, ngành của Tỉnh, cùng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền trong huyện, hệ thống giao thông từ huyện đến xã được cứng hóa, các khu điểm du lịch trên địa bàn từng bước được đầu tư hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch. Tiêu biểu trong số đó là việc công bố tuor du lịch Quan Sơn - Viêng Xay.
Trong 2 năm qua, huyện Quan Sơn đã đầu tư nhiều cho các hạng mục phát triển du lịch, gồm: hỗ trợ đầu tư điểm du lịch cộng đồng và nâng cấp đường giao thông vào bản Ngàm; đưa điện lưới về và xây dựng nhà điều hành, tạo cảnh quan khu du lịch động Bo Cúng; tôn tạo cảnh quan đền thờ Tư Mã Hai Đào... Huyện Quan Sơn cũng đã và đang chủ động kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh về du lịch cộng đồng, du lịch khám phá. Song song với đó, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức người dân tham gia phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường, gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống. Sự quan tâm, chú trọng đúng mức đã và đang từng bước tạo nên sự phát triển trong hoạt động du lịch.
Tuy nhiên, để du lịch huyện Quan Sơn thực sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai, rất cần có sự quan tâm hơn nữa của Trung ương, các bộ, ngành và tỉnh Thanh Hóa cùng các sở, ban, ngành trong việc hỗ trợ lập quy hoạch, dự án xây dựng điểm du lịch, đầu tư, tôn tạo, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người tham gia dịch vụ du lịch. Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến về du lịch đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực và địa phương; mở rộng liên doanh, liên kết trong nước và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của huyện, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.