Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội: Cần những quy định rõ ràng và nghiêm khắc

Khi một vài người bắt đầu công kích ai đó, rất nhiều người khác dường như cũng lao vào, không cần suy nghĩ xem đúng hay sai. Hiệu ứng đám đông này thật sự rất nguy hiểm.

Võ Quang Phú Đức là nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm 2024. Ảnh: VTV.

Võ Quang Phú Đức là nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm 2024. Ảnh: VTV.

Nhiều chuyên gia văn hóa đã chia sẻ ý kiến như vậy khi những ngày qua, dư luận ồn ào liên quan đến những chỉ trích của cư dân mạng đối với Võ Quang Phú Đức (Trường chuyên Quốc học Huế), quán quân “Đường lên đỉnh Olympia 2024”.

Công kích trực tuyến

Nhiều khán giả cho rằng, nam sinh giành chiến thắng nhờ vào việc sử dụng tiểu xảo để ghi điểm. Sau trận chung kết, những tranh cãi về cách giành chiến thắng của Phú Đức đã diễn ra và tràn ngập trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng Phú Đức đã chơi không đẹp khi không nhường cơ hội cho bạn cùng chơi trả lời, rồi chơi tiểu xảo. Mặc dù nhiều chuyên gia đã lên tiếng lý giải về cách chơi của Phú Đức không sai, đó còn là sự thông minh và táo bạo. Tuy nhiên làn sóng chỉ trích vẫn không ngừng nhắm vào nam sinh này.

“Đường lên đỉnh Olympia” là một sân chơi tri thức dành các em học sinh. Việc các thí sinh tham gia đã là một nỗ lực đáng được tôn vinh. Tuy nhiên, thay vì tập trung vào việc góp ý mang tính xây dựng, khích lệ những người trẻ tuổi tài năng như Phú Đức, một số cư dân mạng lại chọn cách tấn công cá nhân, thể hiện tâm lý đố kỵ và bất công bằng.

Theo chuyên gia tâm lý Đặng Thiên Phong, Phú Đức đã chứng minh mình không chỉ thông minh về kiến thức mà còn cả về cách nắm bắt thời điểm và đưa ra những quyết định táo bạo. Câu hỏi cuối cùng không phải là cơ hội để Phú Đức chứng minh khả năng của mình qua câu trả lời đúng/sai, mà là cơ hội để em kiểm soát cuộc chơi, bảo vệ vị trí của mình, đảm bảo chiến thắng chung cuộc. Nhà vô địch không chỉ là người giỏi nhất trong việc trả lời các câu hỏi, mà còn là người biết cách làm chủ cuộc chơi, đưa ra những quyết định táo bạo và chính xác vào thời điểm then chốt. Và Phú Đức đã làm được điều đó.

Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc Võ Quang Phú Đức phải chịu sự tấn công từ cư dân mạng sau khi giành chiến thắng là một vấn đề đáng lo ngại. Đây không chỉ là biểu hiện của sự thiếu kiềm chế, mà còn là minh chứng rõ rệt cho sự phát triển tiêu cực của văn hóa ứng xử trên không gian mạng.

TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cũng cho rằng, hiện nay mạng xã hội rất phức tạp. Có nhiều ý kiến trái chiều, có những người sẵn sàng chỉ trích bất cứ điều gì mà họ thấy không thuận mắt. Vì vậy khi sử dụng mạng xã hội phải có đủ bản lĩnh để nhận biết được đúng sai và cách ứng xử cho đúng chuẩn mực. Tuy nhiên hiện nay mạng xã hội phát triển khiến nhiều người không kiểm soát được hành vi của mình, đu theo đám đông khiến tự chúng ta đánh mất đi tính nhân văn, thiếu những góp ý, phản biện trên tinh thần xây dựng.

Sự ẩn danh và những biểu hiện tiêu cực

Khi trao đổi về vấn đề này, một số chuyên gia văn hóa chỉ ra rằng, chính sự ẩn danh của người dùng trên các nền tảng mạng là một trong những yếu tố tạo điều kiện cho những biểu hiện tiêu cực tồn tại. Khi không phải đối mặt trực tiếp với hậu quả của những lời nói hay hành động của mình, người dùng mạng xã hội dường như dễ dàng hơn trong việc buông lời chỉ trích, thậm chí là tấn công người khác mà không phải chịu trách nhiệm. Sự ẩn danh này làm mất đi sự kiểm soát cá nhân, khiến người ta dễ trở nên vô cảm và dễ bị cuốn vào những làn sóng chỉ trích tiêu cực.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, khi một vài người bắt đầu công kích ai đó, rất nhiều người khác dường như cũng lao vào, không cần suy nghĩ xem đúng hay sai. Hiệu ứng đám đông này thật sự rất nguy hiểm. Đôi khi, chỉ cần một câu nói, một ý kiến tiêu cực, hàng trăm người khác có thể nhảy vào mà không cần suy xét thấu đáo. Có lẽ, chính sự “theo đuôi” này đã khiến cho mọi chuyện dễ leo thang, và một hành vi nhỏ có thể biến thành một làn sóng lớn chỉ trong thời gian ngắn. Khi một ai đó bị chỉ trích, câu chuyện đó thường thu hút sự chú ý rất nhanh, và những người tham gia công kích lại có xu hướng “thêm dầu vào lửa” thay vì dừng lại để suy ngẫm.

“Những điều tiêu cực vì thế thường lan đi với tốc độ chóng mặt. Và khi nhận ra, sự việc đã trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. Ngoài ra, sự thiếu kiểm soát từ các nền tảng mạng xã hội cũng góp phần vào việc duy trì những hành vi tiêu cực này” - ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, cần phải xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội. Để làm được điều đó cần bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân về trách nhiệm của mình trên không gian mạng. Cùng với đó là có thêm hoạt động giáo dục, truyền thông về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho người dùng từ khi còn trẻ. Các chương trình giáo dục về đạo đức số, văn hóa số, cách giao tiếp văn minh, và sự tôn trọng người khác cần được đưa vào trong nhà trường.

“Ngoài ra, sự điều chỉnh về chính sách pháp luật liên quan đến hành vi trên không gian mạng là hết sức cần thiết. Những quy định rõ ràng và nghiêm khắc hơn đối với các hành vi bạo lực mạng, bắt nạt trực tuyến sẽ giúp tạo ra một rào cản đủ mạnh để người dùng mạng xã hội suy nghĩ kỹ trước khi hành động” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết thêm và nhấn mạnh, chỉ khi có những biện pháp kết hợp từ giáo dục, quản lý, cộng đồng và pháp luật, chúng ta mới có thể xây dựng được một môi trường văn hóa mạng xã hội lành mạnh và bền vững.

Đồng quan điểm, TS Khuất Thu Hồng cho rằng, sự phản biện để xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh trên mạng xã hội là hết sức quan trọng. Các cơ quan truyền thông, những người có ảnh hưởng lớn cần lên tiếng để mọi người thay đổi hành vi, góp phần tạo nên một xã hội nhân văn, bao dung hơn.

Để có thể xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng rất cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành, tổ chức xã hội liên quan, sự quan tâm sát sao của các gia đình và nhà trường, sự nâng cao ý thức tự giác của mỗi công dân.
Đối với những hành xử thiếu văn hóa, những biểu hiện “lệch chuẩn”, rất cần có sự phản biện tích cực của dư luận xã hội, đề cao vai trò của người đứng đầu, quản trị viên các diễn đàn, website, fanclub… Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh trang bị kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin, giáo dục cách thức tự bảo vệ trên không gian mạng cho giới trẻ, nhất là trẻ em.
Ngoài ra, đối với một môi trường đặc thù như không gian mạng, rất cần đẩy mạnh các biện pháp quản lý bằng khoa học - kỹ thuật, “dùng công nghệ để quản lý công nghệ” như dùng tường lửa, phần mềm lọc thông tin, cảnh báo các ứng xử phản văn hóa, xây dựng mạng xã hội nội địa...

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/van-hoa-ung-xu-tren-mang-xa-hoi-can-nhung-quy-dinh-ro-rang-va-nghiem-khac-10292948.html