Vẫn hoài nghi...

Chủ trương hạn chế xe gắn máy tại các thành phố lớn là đúng đắn. Chính phủ cũng đã có nghị quyết về vấn đề này.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Sau một thời gian tạm lắng, việc phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy lại được nêu ra trong Đề án Phát triển kinh tế đô thị TP Hà Nội từ năm 2025, tầm nhìn 2030 vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt.

Theo đó, để thực hiện phát triển kinh tế đô thị, có 33 nhiệm vụ, dự án, đề án, chương trình ưu tiên thực hiện được thành phố đặt ra trong giai đoạn 2025 - 2030, thành phố giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan lập Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

Chủ trương hạn chế xe gắn máy tại các thành phố lớn là đúng đắn. Chính phủ cũng đã có nghị quyết về vấn đề này. Cụ thể, theo Nghị quyết 48/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025 thì 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TPHCM dựa trên cơ sở thực tế rà soát, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu cho HĐND ban hành các nghị quyết về việc ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, phấn đấu đạt chỉ tiêu tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30 - 35%.

Áp dụng công nghệ giao thông thông minh trong tổ chức, quản lý, điều hành giao thông đô thị; tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường.

Nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030.

Nghiên cứu xây dựng, triển khai đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào...

Thực tế, để giảm thiểu ùn tắc giao thông, TP Hà Nội đã nhiều lần đưa ra lộ trình về việc hạn chế xe máy. Ví dụ, năm 2016, Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố đã được Sở Giao thông - Vận tải lấy ý kiến các đơn vị liên quan.

Tiếp đó, tại Kỳ họp thứ tư, HĐND thành phố diễn ra vào đầu tháng 7/2017 đã thông qua Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường.

Đến năm 2019, Đề án Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030 tiếp tục được Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội báo cáo gửi UBND thành phố, trong đó đề xuất cấm hẳn xe máy trong các quận trung tâm thành phố vào năm 2030...

Mới đây nhất, cuối năm 2021, UBND TP Hà Nội có báo cáo về Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030. Đáng chú ý, lần này UBND thành phố Hà Nội đưa ra kế hoạch thực hiện hạn chế xe máy tại các quận sau năm 2025, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch...

Việc hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy tại các thành phố lớn cần thiết. Đáng tiếc, dư luận đều hoài nghi về tính khả thi của các đề án mà thành phố đưa ra từ trước đến nay. Bởi một điều đơn giản rằng khi hạn chế hoặc cấm xe máy thì phải có giải pháp để người dân lựa chọn chuyển đổi phương tiện.

Phải có phương tiện thay thế đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cũng như lộ trình phát triển các phương tiện này ra sao chứ không phải chỉ nêu chủ trương cấm. Đến khi dư luận phản ứng thì lại bỏ lửng như từng diễn ra.

Yên Khánh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoai-nghi-post643363.html