Văn học cần quan tâm hơn nữa tới đề tài thương binh liệt sĩ

Đề tài thương binh liệt sĩ và chiến tranh cách mạng luôn nhận được sự quan tâm, tri ân của người cầm bút các thế hệ. Đã có nhiều tác phẩm hay, ý nghĩa đến với công chúng. Tuy nhiên, so với bề dày lịch sử, công ơn vĩ đại của lớp lớp con người, vùng đất đã chịu nhiều hy sinh... thì văn học nghệ thuật dường như vẫn còn mắc nợ.

Đưa hài cốt các anh hùng liệt sĩ từ Campuchia trở về đất mẹ. (Ảnh: QUANG KHẢI)

Đưa hài cốt các anh hùng liệt sĩ từ Campuchia trở về đất mẹ. (Ảnh: QUANG KHẢI)

Nhà văn Niê Thanh Mai-Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: "Cứ mỗi năm dịp tháng 7 là tôi lại bồi hồi xúc động. Ngày xưa, khi cha tôi còn sống, ông luôn chờ đến ngày 27/7, Ngày Thương binh-Liệt sĩ để được có dịp hội ngộ những người đồng đội từng một thời vào sinh ra tử. Có lẽ vì điều đó mà cả tuổi thơ của mình, tôi luôn có dấu ấn sâu sắc về những câu chuyện về những người thương binh, những gia đình liệt sĩ...

Là một người sinh ra sau chiến tranh, không trực tiếp chứng kiến sự mất mát, đau thương của chiến tranh, nhưng tôi lại chứng kiến những nỗi đau thời hậu chiến, chứng kiến cơn đau nhói của cha mỗi khi đổi trời, viên đạn còn trong cơ thể. Nhìn thấy những đồng đội của cha-thương tật vì bom đạn đều khiến tôi không thể quên được".

Khi trở thành một nhà văn và gắn bó với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk với cương vị chủ tịch, chị vẫn thường trăn trở về đề tài này. Một số văn nghệ sĩ địa phương là những người từng trực tiếp cầm súng chiến đấu, gắn bó với đồng đội và cũng từng mất mát vì chiến tranh luôn đau đáu về đề tài thương binh liệt sĩ.

Trong số đó, có thể kể tới nhà văn Trúc Hoài - tác giả tiểu thuyết "Từ sông Krông Bông" dày hơn 500 trang đoạt giải A, Giải thưởng Chư Yang Sin do UBND tỉnh Đắk Lắk trao tặng vào năm 2015.

Tri ân người lính không bao giờ là đủ. (Ảnh: Quang Khải)

Tri ân người lính không bao giờ là đủ. (Ảnh: Quang Khải)

Trước những ý kiến cho rằng văn học nghệ thuật chưa tương xứng với tầm vóc lịch sử và sự hy sinh to lớn của cha ông ta, Thượng tá-Nhà văn Nguyễn Phú, giảng viên Học viện Biên phòng nhận định: Mấy chục năm trước, nền văn học của chúng ta từng có dòng một chủ lưu đó là văn học viết về người lính và chiến tranh cách mạng.

Những người làm nên dòng chủ lưu đó cũng chính là những nhà văn mặc áo lính. Họ là những người dự phần vào cuộc chiến, họ đã chứng kiến tất cả những gì là khốc liệt, dữ dội nhất của chiến tranh, và cũng chính họ cùng đồng đội đã làm nên những chiến công hiển hách, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc.

Người lính, chiến tranh thực sự là đề tài máu thịt của họ; nhiều tác phẩm hay của các nhà văn mặc áo lính đã ra đời ngay trên chiến trường hoặc khi cuộc chiến đã qua đi. Tuy nhiên, trả lời cho câu hỏi: Chúng ta đã có những tác phẩm văn học xứng tầm với những cuộc chiến tranh vệ quốc, sự hy sinh, mất mát của người lính và gia đình họ? Có lẽ chính những người cầm bút và độc giả sẽ trả lời họ mong muốn nhiều hơn nữa.

Bìa tiểu thuyết "Từ sông Krông Bông" của nhà văn Trúc Hoài.

Bìa tiểu thuyết "Từ sông Krông Bông" của nhà văn Trúc Hoài.

Chiến tranh dần lùi xa, muôn mặt đời sống xã hội với sự vận động của nó đã dần thu hút sự chú ý của nhà văn, kể cả các nhà văn từng là người lính. Dễ nhận thấy trong khoảng vài chục năm trở lại đây chúng ta thực sự thiếu những tác phẩm viết về người lính, chiến tranh nói chung, thương binh liệt sĩ nói riêng gây tiếng vang lớn, thu hút được độc giả. Dĩ nhiên, thi thoảng chúng ta vẫn có một vài tiểu thuyết được chính giới sáng tác và phê bình ghi nhận.

Theo nhà văn Nguyễn Phú, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này và một trong số đó là đội ngũ những nhà văn mặc áo lính dần thiếu vắng. Có những tác giả trong quân ngũ nhưng họ chưa thực sự quan tâm nhiều đến đề tài này, và phần đông tác giả thì có nhiều lý do nên chưa viết về chiến tranh, người lính, hoặc có viết mà chưa thực sự nổi bật.

Viết được một tác phẩm hay về thương binh liệt sĩ và chiến tranh cách mạng vẫn là thách thức với phần lớn các nhà văn, đặc biệt là thế hệ trẻ, lớp người sinh sau chiến tranh.

Theo anh, viết được một tác phẩm hay về thương binh liệt sĩ và chiến tranh cách mạng vẫn là thách thức với phần lớn các nhà văn, đặc biệt là thế hệ trẻ, lớp người sinh sau chiến tranh. Ngoài tình cảm, tinh thần trách nhiệm thôi thúc, sự trui rèn tài năng của chính người viết thì những chương trình, hoạt động cụ thể của các cơ quan, đơn vị như: Hội Nhà văn, Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam nhằm động viên, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà văn sáng tạo đề tài này là vô cùng quan trọng.

Các cựu chiến binh phối hợp các đơn vị quân đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại Tây Nguyên.

Các cựu chiến binh phối hợp các đơn vị quân đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại Tây Nguyên.

Những năm gần đây, trên văn đàn đã xuất hiện nhiều cây bút trẻ tâm huyết và gặt hái được thành công nhất định về mảng đề tài đặc biệt này. Có thể kể đến các nhà văn, nhà thơ trẻ, như: Nguyễn Phú, Lê Vũ Trường Giang, Đinh Phương, Tống Phước Bảo, Nguyễn Thị Kim Nhung...

Nhà văn Tống Phước Bảo sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, anh đã viết nhiều truyện ngắn, như: Mắt phù sa, Giỗ sông, Trong muôn ánh sao, Gió ngọt nước đồng, Mùa xuân biên trấn… và tháng 7 năm nay nhiều truyện ngắn đề tài thương binh liệt sĩ của anh đã xuất hiện trên các báo, tạp chí.

Anh luôn tâm niệm, trong trái tim bất cứ người Việt nào cũng có một phần ký ức cuộc chiến từ người thân trong gia đình mình, và trong niệm ý của người viết trẻ luôn có một ám ảnh mang tên chiến tranh. Dù vậy, sự phát triển của xã hội, của công nghệ, và sự thay đổi văn hóa giải trí nghe-đọc của giới trẻ ngày nay cũng mang đến một nỗi lo mai một về giá trị của một dòng văn học gắn với lịch sử nước nhà.

Bà Lê Thị Chạy-vợ liệt sĩ Đoàn Anh Thông, hy sinh năm 1971 tại Quảng Bình-đọc một tác phẩm về đề tài thương binh liệt sĩ.

Bà Lê Thị Chạy-vợ liệt sĩ Đoàn Anh Thông, hy sinh năm 1971 tại Quảng Bình-đọc một tác phẩm về đề tài thương binh liệt sĩ.

Tác giả trẻ Trần Việt Hoàng (sinh năm 2002) học viên Trường Sĩ quan Chính trị chia sẻ: Văn học nghệ thuật có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc "khơi cho ta những tình cảm mà ta chưa có, luyện cho ta những tình cảm mà ta sẵn có", mà một phẩm tính quan trọng bậc nhất chính là lòng biết ơn quá khứ, lối sống ân nghĩa, thủy chung. Bởi thế, tác giả trẻ này sớm ý thức được câu chuyện văn học nghệ thuật cần quan tâm đến mảng đề tài thương binh liệt sĩ và chiến tranh cách mạng.

"Từ trải nghiệm của một cây bút trẻ còn chập chững, tôi thấy rõ trong những năm qua, với nhiều chủ trương, nhiều định hướng sáng tạo, cũng như các đợt vận động sáng tác văn học nghệ thuật của các cấp, đề tài này đã và đang được khai thác với những chiều kích, vỉa tầng khác nhau. Điều đó góp phần phản ánh một cách chân thực và sâu sắc những mất mát, đau thương cũng như những chiến công vẻ vang của cuộc chiến đã đi qua của một dân tộc anh hùng, cả những đào sâu đầy dấu ấn cá nhân mang tính phát hiện sâu sắc về những góc khuất, những nỗi đau hậu chiến chìm sâu trong đời sống.

Mỗi văn nghệ sĩ với sự đa dạng vốn sống, vốn văn hóa, cách tiếp cận cùng tinh thần sáng tạo không ngừng đã và đang khẳng định được tiếng nói riêng của mình trong văn đàn. Từ đó đem đến cho nền văn học nước nhà nhiều khởi sắc, tạo ra được những sự vận động đáng kể về đề tài này so với giai đoạn trước".

Đưa hài cốt liệt sĩ trở về đất mẹ. (Ảnh: Quang Khải)

Đưa hài cốt liệt sĩ trở về đất mẹ. (Ảnh: Quang Khải)

Tác giả trẻ đồng thời cũng thẳng thắn nhận định, trừ những thế hệ gạo cội đa phần họ đã trải qua cuộc chiến, một điểm hạn chế chung của đội ngũ văn nghệ sĩ hôm nay chính là vốn trải nghiệm. Những câu chuyện của cuộc chiến đi qua chỉ được lắng nghe qua những lời kể của những cựu chiến binh, chỉ được tìm hiểu qua sách vở, báo chí, hay những thước phim tài liệu... Đây chính là một rào cản lớn trong quá trình sáng tác.

Tuy nhiên, họ cũng có những lợi thế nhất định trong việc rèn luyện, trau dồi kĩ năng sáng tạo, thâm nhập thực tế. Bởi vậy, họ cần phải xác định rõ trách nhiệm, phát huy cá tính sáng tạo dựa trên cơ sở những câu chuyện chân thực để tiếp nối dòng chảy của đề tài. Bên cạnh đó, cũng phải luôn biết lắng nghe những sẻ chia, những hồi âm từ công chúng để định hướng cho quá trình sáng tác. Để rồi, cái đích sau cuối chính là việc lan tỏa trong đời sống thái độ nâng niu, trân trọng những giá trị của cuộc sống hiện tại và nghĩa tình, ghi nhớ những mất mát, hy sinh của bao thế hệ.

Bên cạnh việc học tập, rèn luyện để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà trường, Trần Việt Hoàng đã từng bước tìm hiểu, tích lũy và mạnh dạn thể nghiệm những sáng tác đầu tiên về đề tài này Chùm thơ "Đêm thao trường" và "Ngày tưởng tượng" của anh đã được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trao giải Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/van-hoc-can-quan-tam-hon-nua-toi-de-tai-thuong-binh-liet-si-post821338.html