Văn học đề tài chiến tranh cách mạng: Những thông điệp giàu ý nghĩa nhân vănMột dòng mạch văn chương đặc sắc

Chiến tranh đã lùi xa 50 năm kể từ Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), nhưng những trang viết về chiến tranh vẫn tiếp tục 'ngời sắc đỏ' với sự tham gia của nhiều lớp tác giả qua những góc nhìn mới.

“Binh chủng đặc biệt” góp phần làm nên chiến thắng

Từ năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định, “văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận”. Nhìn lại văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có thể thấy rõ, văn học thời kỳ này luôn là một trong những vũ khí sắc bén góp phần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” mà đến “nghìn năm sau, còn đủ sức soi đường”.

Là một “binh chủng” đặc biệt, văn học đã tiên phong đứng trên tuyến đầu chống Mỹ. Hòa chung bầu không khí của “những buổi vui sao, cả nước lên đường”, hàng trăm nhà văn, nhà thơ xung phong vào chiến trường. Họ đã “đi không tiếc đời mình”, họ đã “chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi”, vừa cầm súng vừa cầm bút cống hiến tuổi xuân và tài năng văn chương cho Tổ quốc. “Không khí hừng hực “lên đường” ngoài cuộc sống phả vào văn chương, kết lại và tỏa sáng thành những hình tượng sử thi mang tính biểu tượng của lòng yêu nước ở những tác phẩm trong vắt một lý tưởng cách mạng. Văn học đã xây dựng những nhân vật như những vầng hào quang trên bầu trời sử thi tỏa chiếu ánh sáng lý tưởng soi rọi, hướng bạn đọc đi về phía cái cao cả, anh hùng” - Thượng tá, Tiến sĩ văn học Phạm Duy Nghĩa chia sẻ.

Các nhà văn, nhà báo tại vùng rừng Trà My (Quảng Nam) thời chống Mỹ. Ảnh tư liệu

Các nhà văn, nhà báo tại vùng rừng Trà My (Quảng Nam) thời chống Mỹ. Ảnh tư liệu

Trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, các nhà văn như Nguyễn Thi, Nguyễn Đình Thi, Anh Đức, Phan Tứ, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Hồ Phương, Nguyễn Quang Sáng, Hữu Mai, Lê Lựu, Xuân Thiều, Triệu Bôn… cùng các nhà thơ Thu Bồn, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Chính Hữu, Thanh Thảo, Nguyễn Đức Mậu, Lê Anh Xuân, Chế Lan Viên... đã tạo nên một dòng mạch văn chương đặc sắc, góp phần xây dựng đất nước ở miền Bắc, cổ vũ chiến đấu ở miền Nam, giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. Nhiều câu văn, lời thơ của văn học thời kỳ này như đã trở thành biểu tượng, được nhiều thế hệ sau biết tới, như “Còn cái lai quần cũng đánh” trong “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi, hay “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua ranh giới ấy” trong “Mùa lạc” của Nguyễn Khải.

Theo nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, “dòng văn học kháng chiến từng chiếm lĩnh vị trí số 1 trong nền văn học Việt Nam suốt ba thập kỷ tính từ năm 1946 đến năm 1975. Chiến tranh chống Mỹ kết thúc nhưng văn học về đất nước và con người trong quá khứ đầm đìa mồ hôi, máu và nước mắt ấy dường như vẫn là dòng chảy chưa hề ngưng lại trong hòa bình”. Tiếp nối mạch văn học kháng chiến chống Mỹ trong giai đoạn chiến tranh, sau năm 1975 và sau Đổi mới 1986, là những cái tên như Nguyễn Trọng Oánh với “Mây cuối chân trời”, “Đất trắng”; Xuân Đức với “Cửa gió”, “Bến đò xưa lặng lẽ”; Nam Hà với “Ngày rất dài”, “Trong vùng tam giác sắt”, “Đất miền đông”; Chu Lai với “Nắng đồng bằng”, “Gió không thổi từ biển”, “Ăn mày dĩ vãng”; Khuất Quang Thụy với “Trong cơn gió lốc”, “Đối chiến”; Nguyễn Trí Huân với “Năm 75 họ đã sống như thế”, “Chim én bay”, Nguyễn Bình Phương với “Mình và họ”, Thanh Quế với “Cát cháy”, Trung Trung Đỉnh với “Lính trận”, “Ngược chiều cái chết”, Dương Hướng với “Bến không chồng”, Lý Lan với “Tiểu thuyết đàn bà”...

Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhận định: “Trong chiến tranh những tác phẩm văn học kịp thời ra đời để có mặt, cổ vũ, động viên, khích lệ, gia cố lòng quả cảm cho những người trực tiếp cầm súng chiến đấu. Sau khi đất nước thống nhất hòa bình, văn học với thiên lương của mình vẫn tiếp tục phản ánh, khắc họa những nét đẹp của người Việt trong chiến tranh, đồng thời tìm cách khâu vá lại những vết thương, những rách nát của tinh thần con người do chiến tranh để lại, phân tích, đánh giá, tìm ra những bài học kinh nghiệm cũng như những bài học để giáo dục truyền thống cho tương lai”. Đây có thể coi là “một chặng đường của tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng” với nhiều giải thưởng được trao như Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng năm 1984 cho tiểu thuyết “Đất trắng”, Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 1988 - 1989 cho tiểu thuyết “Chim én bay”, Giải thưởng Hội Nhà văn 1991 cho tiểu thuyết “Bến không chồng”, Giải thưởng Hội đồng Văn học chiến tranh Cách mạng và lực lượng vũ trang năm 1993 cho “Ăn mày dĩ vãng”... Nhiều tác phẩm sau đó đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình phổ thông, được chuyển thể sân khấu và điện ảnh...

Nhìn lại văn xuôi viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, có thể thấy một lực lượng sáng tác khá hùng hậu, số lượng lớn tác phẩm với những tên tuổi xuất sắc. Nhà văn Phùng Văn Khai cho rằng, “đọc các tác phẩm văn xuôi ra đời sau dấu mốc 1975, dấu mốc Đổi mới 1986, ta thấy đây là một lối mở quan trọng, góp phần tạo nên sự khác biệt, tạo cá tính của mỗi nhà văn. Điều đó đã góp phần tạo nên dòng chủ lưu của nền văn học cách mạng”.

Tiếp mạch văn học viết về người lính

Những ngày này, trong rực đỏ cờ hoa tưng bừng hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều tác phẩm văn học kháng chiến lại được những người yêu văn chương chia sẻ trên mạng xã hội. Điều đó cho thấy, ở thế kỷ XXI, giữa phong phú các thể loại sách, đa dạng các phương tiện truyền thông giải trí, văn học nói chung, và văn học chiến tranh cách mạng nói riêng, vẫn nhận được sự quan tâm không nhỏ. Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa khẳng định: “Đề tài cuộc kháng chiến chống Mỹ trong văn học Việt Nam là một siêu đề tài, chưa thể xong xuôi, hoàn tất, nó vẫn là mảnh đất phong nhiêu, dung chứa nhiều nguồn “chưa ai khơi”, nhiều câu chuyện chưa ai kể và nhiều kỹ thuật tự sự chưa ai thể nghiệm”. Do vậy, “đề tài chiến tranh nói chung và cuộc kháng chiến chống Mỹ nói riêng sẽ còn tồn hiện, can dự rất lâu vào bức tranh đời sống văn học Việt Nam. Văn chương là nghệ thuật nhìn thế giới bằng đôi mắt của tình thương, là nơi ấp iu, lưu giữ và trì bồi ký ức tập thể dân tộc. Viết về chiến tranh, suy cho cùng là viết về hòa bình, về nhân tính, nhân tình, là viết về số phận con người với tất cả chiều kích hiện sinh của nó” - nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa khẳng định.

Hiện có nhiều cây bút 7x, 8x đã và đang tiếp tục viết về đề tài người lính và chiến tranh như Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Đình Tú, Phong Điệp, Đoàn Dũng, Hồ Kiên Giang, Nguyễn Thị Kim Hòa, Nguyệt Chu, Đinh Phương, Huỳnh Trọng Khang, Lữ Mai... Văn học chiến tranh giờ đây không chỉ là viết về những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, mà biên độ rộng hơn về chiến tranh, về người lính. Nhà văn Lữ Mai chẳng hạn, chị say mê với đề tài người lính. Hàng loạt tác phẩm viết về người lính hôm nay của Lữ Mai đã lần lượt ra đời như tản văn “Nơi đầu sóng”, tản văn “Mắt trùng khơi”, trường ca “Ngang qua bình minh”, trường ca “Chư Tan Kra mây trắng”, tác phẩm nào cũng nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả. Nếu những thế hệ tác giả trưởng thành trong chiến tranh viết bằng trải nghiệm, viết bằng ngẫm suy sau một độ lùi thời gian thì những người chưa từng đi qua chiến tranh sẽ viết bằng sự nghe, đọc, tìm hiểu và nghiên cứu.

Những năm gần đây, “văn chương tư liệu” nhận được nhiều sự quan tâm, như trường hợp của nhà văn Trần Mai Hạnh với “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” đã làm sống lại một cách hấp dẫn đề tài tưởng chừng đã cũ. Hay những cuốn sách về các lá thư thời chiến như trường hợp tác giả Hoàng Nam Tiến mới đây đã kể lại câu chuyện tình yêu thời chiến của ba mẹ mình cùng những lá thư ra Bắc vào Nam mà ba mẹ viết cho nhau qua tập sách “Thư cho em”: “Năm mươi năm bên nhau, gia tài ba mẹ để lại không có gì ngoài bộ quân phục bạc màu, tấm huân chương đã cũ, bằng khen và giấy tờ lý lịch của cả hai... Nhưng quý giá hơn cả là nhật ký cùng hơn 400 bức thư hai người viết cho nhau”.

Bên cạnh đó, sự ra mắt của các tập nhật ký, hồi ký, hồi ức chiến trường cũng rất lôi cuốn người đọc. Hàng loạt các tập nhật ký, hồi ký của các liệt sĩ, các nhà văn, nhà báo, các tướng lĩnh đã được ra mắt như hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước” của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, “Nhật ký phi công tiêm kích” của tướng Nguyễn Đức Soát, nhật ký “Nơi ấy là chiến trường” của tác giả Phạm Quang Nghị - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, hồi ký “Gánh gánh... gồng gồng” của đạo diễn Xuân Phượng, “Chuyện lính Tây Nam” của Trung Sỹ, “Hồi ức lính” của Vũ Công Chiến, “Quảng Trị 1972 - Hồi ức của một người lính” của Nguyễn Quang Vinh, “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” của Nguyễn Thái Long...

Theo PGS.TS Nguyễn Bích Thu (Viện Văn học), “50 năm đã qua nhưng cuộc chiến tranh chống Mỹ với đất nước Việt Nam đâu chỉ là quá khứ mà nó vẫn hiện diện trong cuộc sống hôm nay của cả dân tộc cũng như trong tâm thức của mỗi người. Hậu thế sẽ còn tìm đến những sáng tác trong thời kỳ chống Mỹ không chỉ để chiêm ngưỡng những tượng đài kỷ niệm, những sự tích anh hùng, những chiến công huyền thoại mà còn để soi tìm trong đó những thông điệp nghệ thuật có ý nghĩa nhân bản với những vấn đề của cuộc sống và con người hôm nay”.

Vân Hạ

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/van-hoc-de-tai-chien-tranh-cach-mang-nhung-thong-diep-giau-y-nghia-nhan-van-mot-dong-mach-van-chuong-dac-sac-700521.html