Văn học thiếu nhi gieo hạt mầm xanh cho trẻ thơ

'Làm sao để văn học dành cho thiếu nhi phát triển mạnh, các em được thưởng thức nhiều tác phẩm phù hợp lứa tuổi hơn?' là câu hỏi mà Đồng Nai cuối tuần gửi đến nhiều nhà văn, cây bút sáng tác văn chương cho thiếu nhi nhân Ngày quốc tế Thiếu nhi 1-6 năm nay.

Nhà văn Phương Huyền và một học sinh tiểu học bên tác phẩm văn học thiếu nhi Những thiên thần của người gác rừng (Phương Nam Book và Nhà xuất bản Thế giới ấn hành).

Nhà văn Phương Huyền và một học sinh tiểu học bên tác phẩm văn học thiếu nhi Những thiên thần của người gác rừng (Phương Nam Book và Nhà xuất bản Thế giới ấn hành).

“Dù đã làm báo phục vụ thiếu nhi hơn 12 năm qua nhưng hiện mỗi ngày tôi vẫn tiếp tục rèn luyện, tìm hiểu, đổi mới cách viết cho trẻ em sao cho thú vị, hấp dẫn với các em hơn. Bởi với tôi, viết cho trẻ em là một việc rất khó, tôi không chỉ tập trung vào câu chữ sao cho dễ nhớ, dễ hiểu mà còn quan tâm đến hình thức trình bày sao cho sinh động, bắt mắt” - nhà báo, nhà văn Nguyễn Thắm (tác giả phần lời của bộ sách tranh thiếu nhi Tôi rèn thói quen tốt - Tiên vui vẻ) chia sẻ.

Sách tranh chinh phục thiếu nhi

Có kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các bộ sách tranh cho thiếu nhi, tác giả Nguyễn Thắm cho biết, một tác giả như chị cần chuẩn bị việc viết kịch bản cũng như ý tưởng minh họa sao cho cả hai phối hợp ăn ý trong việc thể hiện nội dung, giúp bạn đọc nhỏ tuổi dễ xem, dễ hình dung câu chuyện.

“Mỗi quyển sách tranh như một phòng triển lãm, mang đến câu chuyện và làm giàu trí tưởng tượng cho người đọc. Khi tranh và nội dung hài hòa, thiếu nhi sẽ có trải nghiệm thú vị trong việc đọc sách, đồng thời còn giúp các bé kết nối với người thân, với thế giới xung quanh tốt hơn rất nhiều” - Nguyễn Thắm nói.

Tác giả Nguyễn Thắm tâm huyết với sáng tác về biển đảo quê hương cho thiếu nhi.

Tác giả Nguyễn Thắm tâm huyết với sáng tác về biển đảo quê hương cho thiếu nhi.

Với Uyên Đào, tác giả của nhiều tập truyện, bộ sách tranh thiếu nhi như: 100 truyện ngụ ngôn cùng bé lớn khôn, Bé tinh ý, Bé học yêu thương và chia sẻ, Khu rừng Hạnh Phúc, Cây đèn thần của Đom Đóm, Khỉ con và các bạn vui nhộn… thì bày tỏ: “Sách tranh thường được kỳ vọng là cầu nối gia đình, tức kết nối người lớn với trẻ em - thông qua hoạt động cùng đọc sách hoặc đọc sách cho nhau, ngay cả khi trẻ em ấy đã có năng lực đọc độc lập. Vì vậy, tôi cũng hy vọng, vào giây phút này, đâu đó trong những mái nhà, có những người lớn cùng đọc với trẻ em bộ sách, cùng trò chuyện về câu chuyện trong sách, về ngôn ngữ tiếng Việt, cùng tận hưởng những bức tranh, những sắc màu, đường nét”.

Thiếu nhi cần được tiếp cận sách hay

Trao đổi với Đồng Nai cuối tuần, nhà văn PHƯƠNG HUYỀN cho biết: “Những năm gần đây, văn học thiếu nhi phát triển khá mạnh mẽ. Không chỉ về mặt tác phẩm, tác giả, mà các cuộc vận động viết cho thiếu nhi, những cuộc thi dành cho sáng tác thiếu nhi, thậm chí cả những cuộc thi khích lệ thiếu nhi sáng tác cũng nở rộ.

Cũng từ những cuộc vận động, những cuộc thi này mà phát hiện ra nhiều cây bút viết cho thiếu nhi nổi trội. Và đội ngũ viết cho thiếu nhi càng ngày càng trẻ, ngôn ngữ đồng điệu, gần gũi với trẻ. Việc cần thiết lúc này chính là làm sao để các tác phẩm hay đến được với độc giả.

Một lần nữa, vai trò của thầy cô ở trường và các bậc phụ huynh ở nhà cần được thể hiện mạnh mẽ. Hãy giúp con em có một tủ sách tại gia, hãy đọc sách cùng con và có những tiết học ngoại khóa gieo được cho học trò tình yêu với sách”.

Gieo hạt tốt cho tuổi thơ

Nhà báo, nhà văn Nguyễn Khắc Cường - tác giả truyện dài Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch (giải B Giải thưởng Sách Quốc gia 2023) và truyện dài Kho báu trong thành phố (Nhà xuất bản Trẻ) chia sẻ: “Viết văn hay viết báo cho thiếu nhi, tôi đều thích chọn vị trí ngang hàng - là bạn với các em. Chỉ khi là bạn bè, vui đùa cùng nhau, các em mới hứng thú nghe mình nói, từ nói chơi, nói giỡn cho đến nói điều hay, lẽ phải. Và để trẻ em chịu làm bạn với mình, chúng tôi phải thường xuyên tìm hiểu tâm lý độc giả nhỏ tuổi: các em đang thích chơi gì, thói quen đọc sách báo ra sao, ngôn ngữ hàng ngày thế nào”.

Tác giả Nguyễn Thắm thì tâm huyết với việc đã và đang sáng tác những tác phẩm về Trường Sa, về biển đảo quê hương “để làm nhịp cầu nối yêu thương, góp phần giáo dục các bạn nhỏ tình yêu nước, lòng biết ơn đối với những người ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc”. Nguyễn Thắm khẳng định: “Tôi sẽ tiếp tục sáng tác như một cách gieo hạt biết ơn, tình yêu thương cho tâm hồn các em thêm đẹp. Tôi cũng tin từ đó sẽ nảy mầm việc tốt, hành động đẹp từ các độc giả nhí trong tương lai”.

“Tết Thiếu nhi” 1-6 đa dạng sách cho trẻ em

Trong khuôn khổ Tháng sách Kim Đồng, Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt nhiều sách mới đa dạng, nổi bật là sách tranh dành cho lứa tuổi mẫu giáo, nhi đồng. Bộ sách chủ đề Vun đắp tâm hồn có 2 tựa mới: Bánh mì gối xinh và Tiệm bánh của thỏ Mina (ảnh). Bộ sách chủ đề Ngủ ấm ngủ êm có các tựa mới: Hành trình tìm gấu, Nai sừng tấm và bác thợ săn… chứa nhiều kỷ niệm đẹp mùa hè, các loài vật đáng yêu và ước mơ tuổi thơ hồn nhiên.

Trong khuôn khổ Tháng sách Kim Đồng, Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt nhiều sách mới đa dạng, nổi bật là sách tranh dành cho lứa tuổi mẫu giáo, nhi đồng. Bộ sách chủ đề Vun đắp tâm hồn có 2 tựa mới: Bánh mì gối xinh và Tiệm bánh của thỏ Mina (ảnh). Bộ sách chủ đề Ngủ ấm ngủ êm có các tựa mới: Hành trình tìm gấu, Nai sừng tấm và bác thợ săn… chứa nhiều kỷ niệm đẹp mùa hè, các loài vật đáng yêu và ước mơ tuổi thơ hồn nhiên.

Đặc biệt, các bạn đọc nhí được thỏa lòng trông đợi với sự ra mắt của tiểu thuyết Doraemon đầu tiên: Nobita và bản giao hưởng địa cầu (phiên bản điện ảnh của tác phẩm này đang chiếu rạp). Bộ sách phiêu lưu giả tưởng Zoey và Xá Xị (9 tập) của tác giả Asia Citro và họa sĩ Marion Lindsay lần đầu ra mắt bản tiếng Việt với thông điệp ca ngợi tình bạn, lòng dũng cảm nhân hậu.

C.T

Cẩm Điệp

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202405/van-hoc-thieu-nhi-gieo-hat-mam-xanh-cho-tre-tho-3533157/