Văn học thiếu nhi trước những áp lực của thời đại

Thơ và truyện viết cho thiếu nhi của các nhà văn Việt Nam hiện nay hết sức phong phú, đa dạng. Phụ huynh cũng như bạn đọc có thể dễ dàng chọn lựa những cuốn sách với hình thức đẹp, nội dung hấp dẫn từ nhiều tác giả khác nhau. Báo chí, truyền thông góp phần vào việc giới thiệu những tác phẩm hay, giành giải thưởng văn học trong nước và quốc tế là nguồn thông tin giúp bạn đọc dễ dàng hơn trong việc lựa chọn sách. Có thể nói, trẻ em ngày nay thỏa sức đọc và 'bơi' trong biển sách nếu các em ham đọc và muốn đọc.

Thị trường sách đa dạng, nhiều lựa chọn

Thị trường thơ thiếu nhi có thơ của những nhà thơ “tiền bối” được tái bản với hình thức đẹp, bắt mắt như: “Thơ tặng tuổi thơ” (Vũ Quần Phương), “Bông hoa vàng trong cỏ” (Nhất Hạnh), “Con chuồn đẹp nhất” (Cao Xuân Sơn), “Cháu là cổ tích” (Đoàn Vị Thượng), “Hai bàn tay em” (Huy Cận). Tập sách “Trời xanh của mỗi người” giới thiệu cả thơ và truyện viết cho thiếu nhi của cố nhà thơ Xuân Quỳnh. Tác giả Thụy Anh có tập thơ độc đáo mang tên “Phù thủy sợ ma”. Thơ của các tác giả trẻ có thể kể đến: “Bên cửa ngắm xuân” (Hà Mã Đi Bộ), “Chó Đốm và Mèo Hoa” (Minh Ngọc), “Những ngọn đèn thơm” (Hồ Huy Sơn), “Những ngôi sao lấp lánh” (Ngô Gia Thiên An). Mai Quyên là cây bút mới nhưng thể hiện năng lực viết dồi dào khi xuất bản bộ sách thơ: “Dắt mẹ đi chơi” gồm năm cuốn: “Dế Mèn học chữ”, “Rủ rà rủ rỉ”, “Đố mẹ”, “Nói chuyện với hạt ngô”, “Ngày mai con sẽ”. Gần đây nhất Mai Quyên lại cho ra mắt độc giả hai tập thơ: “Bao giờ mặt trời lớn lên” và “Chuyện bốn mùa trời đất”…

Xu hướng chọn sách văn học của trẻ em đã thay đổi khi có nhiều phương tiện giải trí hấp dẫn.

Xu hướng chọn sách văn học của trẻ em đã thay đổi khi có nhiều phương tiện giải trí hấp dẫn.

Với truyện thiếu nhi, hiện nay tên tuổi Nguyễn Nhật Ánh vẫn giữ vị trí số một bởi số lượng đầu sách xuất bản và tái bản lớn nhất. “Mắt biếc”, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Đảo mộng mơ”, “Kính vạn hoa”, “Tôi là Bêtô” và hầu hết các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh được tái bản đều đặn, được làm mới về hình thức hàng năm vẫn thu hút lượng bạn đọc thiếu nhi rất lớn. Gần đây, Nguyễn Nhật Ánh xuất bản hai tác phẩm mới là “Mùa hè không tên” và “Những người hàng xóm” nối dài những câu chuyện tuổi thơ tới những câu chuyện dành cho người lớn. Bên cạnh đó là sách của những nhà văn đã tạo dựng được chỗ đứng riêng trong lòng bạn đọc thiếu nhi như Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyên Hương, Trần Đức Tiến, Trần Hoài Dương…

Năm 2020, Giải thưởng văn học thiếu nhi Dế Mèn lần thứ nhất do báo Thể thao - Văn hóa tổ chức đã ghi nhận sự xuất hiện của cây bút nhí Cao Khải An với tập truyện “Chuyện của Bắp ăn mơ” và “Xóm Đồi rơm” (Giải Khát vọng Dế Mèn). Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng giám khảo nhận định: “Đó là một cuốn sách viết thông minh, đầy bất ngờ, đúng là một cuốn sách dành cho trẻ con”.

Năm 2022, Giải thưởng văn học thiếu nhi Dế Mèn ghi nhận hai cây bút mới là Huy Thông với “Cơ bản là cơ bản” và Nguyễn Hoàng Diệu Thủy với “Đu đưa trên ngọn cây bàng”. Những tác phẩm viết cho thiếu nhi xuất bản gần đây có: “Nhảy lên và hét” (Phong Điệp), “Ong Béo và Ong gầy” và “Vua Ngan xóm Hồ” của Uông Triều…

Tuy nhiên, giữa một thị trường sách đa dạng, đẹp về hình thức, được giới thiệu cuốn hút về nội dung thì việc lựa chọn đọc hay không đọc vẫn thuộc về thiếu nhi. Nhiều tác phẩm không đi vào việc đọc của trẻ em dù minh họa bắt mắt, quảng cáo ấn tượng, thậm chí nằm trong danh mục thầy cô yêu cầu tìm đọc. Đó là áp lực không nhỏ với người sáng tác, đặt ra vấn đề: viết sao cho trẻ em đọc và yêu thích chứ không phải viết để thể hiện quan sát, suy nghĩ của người lớn với trẻ em.

Những thách thức của thời đại

Phần lớn trẻ em ham đọc, thích đọc, thích khám phá thế giới và con người qua những bài thơ, câu chuyện là một nhu cầu tự nhiên của trẻ em hình thành từ những năm ấu thơ. Nhưng ngày nay, sự ham đọc ấy đứng trước nhiều thách thức của thời đại

Áp lực học tập khiến thời gian nghỉ ngơi và đọc sách của trẻ em ngày càng rút ngắn. Các lớp học thêm kiến thức, kĩ năng, nghệ thuật, các lớp ôn thi đang “lấn” sâu vào thời gian lẽ ra dành cho việc giải trí của trẻ em. Thiếu thời gian trở thành căn bệnh của thời đại, không riêng gì người lớn mà trẻ em cũng luôn trong tình trạng eo hẹp thời gian bởi những thúc bách và áp lực học hành hiện nay.

Giải trí trên mạng ngày càng phổ biến với trẻ em thành phố và nông thôn. Nếu so sánh việc đọc sách với giải trí bằng game, Facebook, Instagram, YouTube, TikTok, Locket… thì đọc sách mất nhiều thời gian lại không dễ chịu và nhanh chóng thỏa mãn các giác quan so với các phương tiện giải trí trực tuyến. Vì vậy, thay vì đọc sách, trẻ em dễ lựa chọn một hình thức giải trí mình thích qua mạng Internet. Đúng như nhà thơ Phan Hoàng nhận định: “Trẻ em là độc giả rất khó tính. Không phải dễ để các em chịu đọc. Việc trẻ em bị công nghệ và các loại hình nghe nhìn hấp dẫn khác chi phối cũng là một tác nhân khiến cảm hứng viết cho thiếu nhi của các tác giả vơi dần đi”. Phan Hoàng cũng nói tới việc góp phần điều chỉnh thực tế này như việc Hội Nhà văn Việt Nam khuyến khích, tạo điều kiện cho các tác giả trẻ viết, phát động những cuộc thi viết cho thiếu nhi…

Muốn viết, đánh giá hay giới thiệu sách cho thiếu nhi trước hết cần dựa trên những kiến thức căn bản về tâm lý lứa tuổi bởi mỗi độ tuổi sẽ có đặc điểm và những nhu cầu văn hóa và tinh thần khác nhau.

Ở tuổi mầm non (0-7 tuổi), trẻ ưa hoạt động, thích khám phá đời sống bằng cách bắt chước tất cả những gì xung quanh. Những câu thơ như: “Ông ra vườn nhặt nắng/ Thơ thẩn suốt buổi chiều/ Ông không còn trí nhớ/ Ông chỉ còn tình yêu” (Nguyễn Thế Hoàng Linh), có thể hay với người lớn nhưng không dễ đi vào “việc đọc” của trẻ mầm non bởi sự đối lập giữa những khái niệm trừu tượng “trí nhớ” – “tình yêu”, “còn” - “không còn” bắt trẻ phải “tư duy”, đánh giá, trong khi ở tuổi này trẻ khó có thể luận giải và ít phân biệt đúng - sai, tốt - xấu. Với tuổi này, những câu thơ giàu nhịp điệu, giản dị, trong sáng, dễ được trẻ thích có thể là: “Sau khi tắm tớ lau lau lau/ Khắp người tớ khô mau, mau, mau (…)/ Thử nghĩ xem, tớ là cún thì tiện bao nhiêu/ Lắc lắc lắc thế thì nhanh hơn nhiều” (Nguyễn Quỳnh Mai dịch). Hay: “Bé cầm ngược sách/ Cũng chẳng hề chi/ Người đọc, người nghe/ Đều không biết chữ” (“Bé đọc sách” – Phi Tuyết Ba), hoặc: “Bà vẫn ngồi như thế/ Tóc bạc cả bình vôi/ Cháu muốn làm cây gậy/ Để dắt bà đi chơi” (“Bà” – Trần Mạnh Hảo). Viết truyện cho tuổi này không dễ và ít có nhà văn Việt Nam thành công.

Giai đoạn tuổi thiếu nhi (7-14 tuổi) trẻ có trí tưởng tượng phong phú, nhiều mơ ước và giàu tình cảm. Trẻ tiếp thu mọi thứ nhanh nhất nếu được học trong những tình cảm tốt đẹp. Đây cũng là lứa tuổi mà giáo dục hiện đại cũng như các nhà văn ít chú trọng đến điều này. Nguyễn Nhật Ánh đặc biệt thành công khi viết về những đứa trẻ mơ mộng, giàu tưởng tượng, gắn kết chặt chẽ với bè bạn, cha mẹ, thầy cô ở: “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, “Đảo mộng mơ”, “Cảm ơn người lớn”, “Làm bạn với bầu trời”, “Kính vạn hoa”. Nguyễn Ngọc Thuần với “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”, “Một thiên nằm mộng”. Thơ thiếu nhi của Võ Quảng, Vũ Quần Phương, Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Định Hải được yêu thích vì phản ánh đúng tâm lí lứa tuổi này.

Giai đoạn thanh thiếu niên hay tuổi mới lớn (15 -18 tuổi): suy nghĩ và tư duy của trẻ em phát triển hơn hẳn giai đoạn trước, trẻ thích tranh biện, đòi hỏi bằng chứng, quan tâm đến sự thật, tìm cách chứng minh bản thể riêng, quan tâm đến những vấn đề tính dục và tình yêu… Vì thế để cuốn hút bạn đọc, tác phẩm cần chứa đựng những yếu tố thỏa mãn sự phát triển của tư duy, liên quan đến sự thật hoặc khám phá những rung động đầu đời như những truyện nước ngoài đã được dịch sang tiếng Việt: “Harry Potter”, “Nhà giả kim”, “Hoàng tử bé” và nhiều truyện viết cho tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh như: “Ngồi khóc trên cây”, “Cô gái đến từ hôm qua”, “Những cô em gái”, “Bồ câu không đưa thư”…

Nhìn chung, văn học thiếu nhi Việt Nam hiện nay chưa xác lập một khung tiêu chí ổn định để nhận diện và đánh giá, phần lớn vẫn đề cao tác phẩm có ý nghĩa giáo dục. Đó là một “thách thức” để tìm kiếm và khẳng định những tác phẩm thiếu nhi đặc sắc.

Vì thế, để có những tác phẩm văn học thực sự đi vào “việc đọc” của thiếu nhi, nhà văn cũng như thầy cô, phụ huynh, nhà phê bình, giới thiệu sách trước hết cần dựa trên những đặc điểm nổi bật về tâm sinh lý lứa tuổi để hiểu và gắn bó hơn với trẻ em.

Hương Mộc

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/van-hoc-thieu-nhi-truoc-nhung-ap-luc-cua-thoi-dai-i732404/