Vận hội mới - thách thức mới

Hướng tới kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925-21.6.2024)

Sau gần một thế kỷ ra đời và phát triển, Báo chí cách mạng nước ta đang đứng trước nhiều thời cơ, vận hội mới nhưng cũng đầy thử thách đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo thực sự vững tâm để làm tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Cùng với nhiệm vụ truyền thông phục vụ Đảng, nhân dân; sau gần 100 năm hình thành và phát triển, vấn đề kinh tế báo chí đang đặt ra rất cấp thiết. Hiện nay, cả nước có 6 cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, 127 báo, 670 tạp chí; 72 cơ quan phát thanh, truyền hình. Tuy khác nhau về loại hình, nhưng phần lớn cơ quan báo chí đang sụt giảm nguồn thu, nhất là các đài truyền hình và cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính.

Trước thềm kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, hội thảo quốc tế “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” được Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Báo điện tử VietNamNet (Bộ Thông tin và Truyền thông), Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp tổ chức. Tham dự hội thảo, trích dẫn câu nói của George Bernard Shaw: “Kinh tế là nghệ thuật tạo nên phần lớn cuộc sống”, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết “Trong lĩnh vực báo chí cũng vậy, kinh tế góp phần tạo nên sự phát triển lành mạnh của nền Báo chí cách mạng Việt Nam. Nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của kinh tế, không thể có một cơ quan báo chí mạnh”.

Cán bộ Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Quản Bạ tác nghiệp tại cơ sở. Ảnh: LÊ HẢI

Cán bộ Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Quản Bạ tác nghiệp tại cơ sở. Ảnh: LÊ HẢI

Số liệu thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, tính đến hết năm 2023, đối với báo, tạp chí: Tỷ lệ tự bảo đảm chi thường xuyên chiếm 39%, tự bảo đảm một phần chi thường xuyên chiếm 36%, ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên chiếm 25%; đối với phát thanh, truyền hình: Tỷ lệ bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư chiếm 6,94%, tự bảo đảm chi thường xuyên chiếm 26,39%, tự bảo đảm một phần chi thường xuyên chiếm 66,67%. Hiện nay, báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình đều dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo; có lúc, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm hơn 60%, thậm chí, đối với một số cơ quan báo chí hơn 90%. Hàng năm chi thường xuyên cho báo chí dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước; chi cho đầu tư báo chí cũng thấp, chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn không có hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách. Bên cạnh đó, chiến lược chuyển đổi số báo chí đặt ra mục tiêu đến năm 2025, các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 30% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%. “Đây là một thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc bố trí kinh phí, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí thực hiện tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, truyền thông chính sách còn hạn chế” - Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết thêm.

Còn theo PGS,TS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, kinh tế báo chí là một động lực quan trọng để phát triển báo chí truyền thông trong thời đại kinh tế số. Hiện, có 5 “điểm nghẽn” kìm hãm sự phát triển của kinh tế báo chí đó là vấn đề nhận thức, mục tiêu, sức ép của sự bùng nổ công nghệ - kỹ thuật, việc điều hòa quan hệ lợi ích và “điểm nghẽn” trong xây dựng cấu trúc hệ thống tổng thể của nền kinh tế báo chí và thể chế quản lý báo chí.

Phóng viên Báo Hà Giang điện tử phỏng vấn người dân vùng cao. Ảnh: Viên Sự

Phóng viên Báo Hà Giang điện tử phỏng vấn người dân vùng cao. Ảnh: Viên Sự

Hiện nay các cơ quan báo chí đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống. Đó là vướng mắc trong quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP; việc bố trí kinh phí, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí thực hiện tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, truyền thông chính sách còn hạn chế; chính sách về thuế đối với các cơ quan báo chí...

Liên quan tới vấn đề kinh tế báo chí, trong buổi giao ban báo chí tháng 6 do Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức tại Hà Nội mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nêu rõ, các cơ quan báo chí trước đây được Nhà nước “nuôi” một phần hay toàn bộ giờ đây phải chuyển đổi theo xu thế kinh tế thị trường. Vì đang trong giai đoạn chuyển đổi nên thái độ và cách làm của cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan báo chí phải hết sức thận trọng, tránh những rủi ro. Chia sẻ những khó khăn về kinh tế báo chí, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, sự nỗ lực phải đến từ hai phía, cả cơ quan Nhà nước và lãnh đạo các cơ quan báo chí để giải quyết khó khăn chung. Phó Thủ tướng dẫn chứng, Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long dù là đài cấp tỉnh nhưng năm 2023 đạt doanh thu hơn 1.400 tỉ đồng, nộp ngân sách địa phương gần 800 tỉ đồng. Trong đó, cơ quan này thu từ YouTube 4 triệu USD.

Đây là cách làm mới, tư duy mới để phù hợp kinh tế thị trường và giải quyết được bài toán chuyển đổi. Ngoài trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý nhà nước, phải có trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan báo chí. Nếu chúng ta cứ nghĩ làm sao có đơn đặt hàng của Nhà nước để đủ trang trải cho anh em thì sẽ mãi khó khăn - Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý.

Thiên Thanh

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202406/huong-toi-ky-niem-99-nam-ngay-bao-chi-cach-mang-viet-nam-2161925-2162024-van-hoi-moi-thach-thuc-moi-c72616b/