Vẫn là chuyện học và thi lịch sử…
Trung tuần tháng 3-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra một bản dự thảo để lấy ý kiến xã hội, trong đó có phương án kể từ năm 2025, môn lịch sử sẽ là một trong bốn môn thi bắt buộc của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Với góc nhìn cá nhân của người viết bài này, việc này được đưa ra tuy có muộn, song so với chiều dài lịch sử hàng ngàn năm của đất nước và đối với biết bao thế hệ đã để tâm tìm hiểu, tích lũy kiến thức lịch sử, việc bộ chủ quản ngành giáo dục khẳng định môn lịch sử là môn học quan trọng (để đưa thành môn thi bắt buộc trong dự thảo) là một tin mừng.
Nếu phương án này được hiện thực hóa thì có nghĩa ngay từ bây giờ, học sinh lớp 10 sẽ phải “dùi mài kinh sử”, để trong vòng hai niên khóa tới có thể bước vào những bài kiểm tra và kỳ thi tốt nghiệp với vốn kiến thức lịch sử khả dĩ có thể mang lại kết quả cao, bên cạnh các môn bắt buộc khác là ngữ văn, toán và ngoại ngữ.
Nhưng rõ ràng là từ nhiều năm nay, chuyện học và thi lịch sử chưa thành một vấn đề quá quan trọng trong tâm lý phần lớn học sinh, chính bởi chương trình dạy – học – thi cho thấy môn học này chưa được xem trọng. Thế nên nhiều học sinh học lịch sử với tâm thế đối phó, chỉ để đủ điều kiện ra trường, hoặc khá hơn là để… làm đẹp học bạ. Thực trạng ấy đã diễn ra suốt nhiều năm và không khỏi khiến cho xã hội nhiều lúc phải đau lòng khi nhìn vào các kết quả thi môn lịch sử.
Thật sự, để nói điều này thì cần phải gửi lời xin lỗi đến một thiểu số học sinh đã và đang đam mê học lịch sử, cũng như đến quý thầy cô giáo dạy môn lịch sử. Nhưng để học sinh có thể tiếp cận môn lịch sử là môn học được yêu cầu bắt buộc thi trong kỳ thi tốt nghiệp theo một cách nhẹ nhàng hơn và đạt kết quả tốt, các em cần có nhiều động lực to lớn từ nhiều phía để tìm hiểu và tham gia học lịch sử một cách say mê, nghiêm túc.
Ai cũng biết học lịch sử có nhiều cái lợi. Cái sự “lợi” ấy không đặt trong một hệ quy chiếu lợi lộc hay thực dụng cho bản thân, mà nhìn ở góc độ đồng đại ở bất cứ thời kỳ nào, mỗi lứa học sinh đều được (và cần được) hun đúc sự tự hào về quá khứ mà tổ tiên, cha ông đã làm nên. Nhờ hiểu và yêu mến lịch sử, lòng yêu nước nơi mỗi người được vun bồi và tạo nên một vận khí cường tráng cho thân thể quốc gia. Mà khi nước vững thì nhà yên. Sự lan tỏa an nhiên ấy quay trở lại thành một tinh thần quý giá, tạo ra sức đề kháng cho mỗi một xóm thôn, gia tộc, gia đình trước những khó khăn nếu có.
Vậy nên, việc soạn sách lịch sử như thế nào, dạy lịch sử ra sao để học sinh thẩm thấu những giá trị tinh túy tốt đẹp của những bài học lịch sử là điều không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi các em bị chi phối bởi quá nhiều thông tin đa chiều. Đây là điều mà Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường và các thầy cô bộ môn lịch sử cần nghiên cứu để soạn nội dung, giáo trình, và hình thành những phương pháp giảng dạy truyền cảm hứng và hiệu quả, chứ không đơn thuần thay đổi môn lịch sử từ là môn không bắt buộc sang bắt buộc phải thi tốt nghiệp mà có thể đạt mục đích như mong muốn.
Cũng xin mạn phép nêu một vài kinh nghiệm có ý nghĩa đối với người viết trong việc học và thi lịch sử thuở nhỏ. Ngoài việc siêng năng đọc những đầu sách (không phải sách giáo khoa) liên quan đến lịch sử ngoài giờ học chính khóa, có hai cách học lịch sử khá hiệu quả.
Cách thứ nhất là học theo nhóm. Học sinh trong nhóm hỏi – đáp lẫn nhau về nguồn gốc, bối cảnh của sự kiện, thời gian diễn ra sự kiện, nhân vật trung tâm của sự kiện, và ý nghĩa của các sự kiện đáng ghi nhớ. Đây là cách học khiến các thành viên nhóm nhớ rất lâu và kỹ về các sự kiện lịch sử.
Thứ hai, đó là khi làm một bài thi về lịch sử. Có thể hình dung với kiểu ra đề thi thuần túy theo hình thức trắc nghiệm thì lối “học để thi” cũng sẽ đi theo một cách khô khan như vậy. Còn nếu đề thi có phần cho học sinh tự luận về ý nghĩa của những sự kiện mang dấu ấn của một giai đoạn lịch sử, tin rằng các em sẽ hứng thú hơn khi làm bài.
Thiển nghĩ, với cách giáo dục “mưa dầm thấm lâu”, quãng đời học sinh sẽ được bổ xuyết thêm nhiều bài học lịch sử, để từ đó, sự yêu mến, mặn mà đối với lịch sử nước nhà sẽ không vơi cạn trong tâm thức, ngay cả sau khi người học đã rời khỏi ghế nhà trường.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/van-la-chuyen-hoc-va-thi-lich-su/