Vẫn là điểm nghẽn đầu tư công

Phát biểu trước Quốc hội hôm 19-6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết dư nợ tín dụng đến cuối năm 2024 đã lên đến 134% GDP nên nếu cứ tiếp tục dựa vào nguồn vốn ngân hàng sẽ tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế.

Điều đó cho thấy chính sách tiền tệ đã không còn nhiều dư địa để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế; chỗ dựa còn lại là ở chính sách tài khóa, cụ thể là vốn đầu tư công. Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực của Chính phủ trong suốt thời gian qua, mức độ hấp vốn đầu tư công của cả nền kinh tế vẫn khá chậm chạp.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, ước tính giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30-6-2025 khoảng 264.800 tỉ đồng, đạt chưa tới một phần ba so với kế hoạch của cả năm 2025. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp bách là phải nhanh chóng xóa điểm nghẽn để khơi thông dòng chảy vốn đầu tư công, bằng không mục tiêu tăng trưởng kinh tế sẽ khó mà đạt được.

Để có thể giải quyết dứt điểm tắc nghẽn này, điều kiện tiên quyết là phải nhận diện cho được đâu là những bất cập đang cản trở khả năng giải ngân vốn đầu tư công. Các khó khăn được các ngành, các cấp địa phương báo cáo lên có thể là chưa đủ và chưa khách quan. Vì vậy, nên chăng Chính phủ giao cho một tổ chức độc lập tiến hành nghiên cứu để có thể nhận diện đến chi tiết những trở ngại, trên cơ sở đó đưa ra các khuyến nghị chính sách để giải quyết.

Giải phóng mặt bằng thường là nguyên nhân gây chậm tiến độ hàng đầu đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất. Giải pháp tách giải phóng mặt bằng ra thành một dự án riêng là cần nhưng chưa đủ, mà cần phải quy định khi chưa có mặt bằng sạch thì chưa tổ chức đấu thầu, chưa khởi công.

Việc này có thể làm cho kế hoạch khởi công bị chậm trễ, nhưng sẽ bảo đảm cho dự án về đích sớm hơn so với vừa thi công vừa chờ giải phóng mặt bằng. Đồng thời cũng hạn chế phát sinh chi phí do trượt giá, thay đổi tỷ giá cũng như nguy cơ phải chờ đợi làm lại thủ tục để cập nhật những phát sinh vào dự án. Đó là chưa kể thực hiện giải phóng mặt bằng càng sớm thì càng có lợi về chi phí đầu tư.

Vấn đề tiếp theo cần quan tâm là cơ chế phân bổ vốn đầu tư công còn thiếu sự linh hoạt, dẫn đến một nghịch lý, đó là trong khi vốn bị đọng lại ở nhiều dự án có tiến độ giải ngân ì ạch thì nhiều nhu cầu đầu tư khác lại không thể triển khai vì chưa đến lượt được phân bổ vốn. Có lẽ Chính phủ nên xem xét cho các bộ, ngành và địa phương được chủ động thay đổi kế hoạch sử dụng vốn đầu tư căn cứ vào tình hình thực tế triển khai các dự án theo từng tháng hoặc từ quí, để bảo đảm vốn đầu tư đến được nơi thực sự cần một cách kịp thời.

Ngoài ra, việc triển khai thực hiện một dự án đầu tư sẽ không tránh khỏi những yêu cầu phát sinh, cần phải điều chỉnh hay thay đổi. Đó có thể là thay đổi về thiết kế, khối lượng công việc hoặc tổng mức đầu tư... Với cơ chế như lâu nay, rất nhiều trường hợp chủ đầu tư không thể chủ động giải quyết, mà phải xin ý kiến các cấp các ngành.

Đây cũng là lý do khiến cho tiến độ thực hiện nhiều dự án đầu tư bị trì trệ. Vì vậy, việc trao cho các tỉnh, thành phố và chủ đầu tư được quyền quyết định với những phát sinh và thay đổi trong quá trình thực hiện là giải pháp cần làm để góp phần khai thông ách tắc cho dòng vốn đầu tư công.

Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/van-la-diem-nghen-dau-tu-cong/