Văn Lãng: Tăng thu từ trồng lúa NhậtTin khácSâu nặng nghĩa tìnhTri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc
Sau một thời gian triển khai thực hiện, mô hình trồng lúa Nhật J02 trên địa bàn huyện Văn Lãng đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Những năm gần đây, bên cạnh những giống lúa truyền thống, nhiều hộ dân xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng đã chuyển sang trồng lúa Nhật J02. So với những giống lúa trước đây, lúa J02 đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.
Chị Hoàng Thị Kim, thôn Bó Chầu, xã Hoàng Văn Thụ chia sẻ: Trước đây, trên diện tích hơn 1 mẫu ruộng, gia đình chủ yếu trồng lúa bao thai. Năm 2018, gia đình tôi bắt đầu trồng 5 sào lúa J02. Giống lúa này hợp điều kiện khí hậu, đất đai, nguồn nước ở đây nên sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất cao. Theo đó, 1 sào lúa J02 cho năng suất 2,3 tạ (trên 6 tấn/ha), cao hơn gần 1 tấn so với giống lúa khác. Không chỉ tăng về năng suất mà giá trị từ trồng lúa J02 cao hơn từ 30 – 40% so với lúa bao thai được trồng trước đây. Nhận thấy hiệu quả nên từ năm 2019 đến nay, gia đình thường xuyên duy trì trồng 1,3 mẫu lúa J02 (5 sào trồng vụ xuân và 8 sào trồng vào vụ mùa).
Cùng với gia đình chị Kim, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ lúa J02 mang lại, hiện nay, nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã Hoàng Văn Thụ đã chuyển đổi từ các giống lúa như bao thai, khang dân, 108, 203 sang trồng lúa J02. Bà Hứa Thị Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoàng Văn Thụ cho biết: Trước đây, người dân trên địa bàn xã chủ yếu trồng lúa bao thai vào vụ mùa. Bắt đầu từ năm 2018, lúa J02 được đưa vào trồng trên địa bàn xã với diện tích 10 ha. Năm 2022, đã tăng lên khoảng 20 ha (chủ yếu trồng vào vụ mùa).
So với những giống lúa khác được trồng trước đây thì năng suất, chất lượng, giá trị của lúa J02 cao hơn hẳn. Cụ thể, bình quân mỗi héc-ta trồng lúa J02 cho năng suất từ 5,5 đến 6 tấn (tùy từng hộ và từng vụ), cao hơn từ 0,5 đến 1 tấn/ha so với lúa bao thai. Không chỉ tăng về năng suất mà chất lượng, giá trị từ trồng lúa J02 cũng cao hơn hẳn các loại lúa trồng trước đây. Theo đó, hiện nay, giá 1 kg thóc J02 là 14.000 đồng, cao hơn 4.000 đồng/kg so với loại khác. Còn nếu bán gạo có bao bì đóng gói, gạo J02 có giá khoảng 30.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với các loại gạo khác trên địa bàn xã. Đặc biệt, thóc hay gạo J02 sản xuất đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó, thậm chí có vụ người dân không đủ để bán.
Cùng với xã Hoàng Văn Thụ, từ vụ Xuân năm 2022, người dân xã Nhạc Kỳ đã bắt đầu triển khai mô hình trồng lúa J02. Ông Hoàng Văn Thái, công chức địa chính xã Nhạc Kỳ (phụ trách mô hình trồng lúa J02) cho biết: Vụ Xuân năm nay, xã đã trồng được 15 ha lúa J02. Qua vụ đầu tiên trồng, mặc dù còn gặp một số khó khăn do thiếu kinh nghiệm, hạn chế về kỹ thuật song năng suất lúa J02 vẫn đạt khoảng 5,5 tấn/ha, cao hơn 0,3 tấn/ha so với giống lúa trước đây bà con vẫn trồng.
Hiện nay, lúa J02 được trồng tập trung chủ yếu ở 2 xã Hoàng Văn Thụ và Nhạc Kỳ. Một số xã khác trên địa bàn huyện, người dân cũng trồng thử nghiệm rải rác với diện tích nhỏ. Để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị lúa J02, bên cạnh sự chủ động của người dân, các cơ quan chuyên môn đã có sự hỗ trợ thiết thực, cụ thể.
Bà Lô Thị Kim Oanh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Lãng cho biết: Từ năm 2020 đến nay, từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước (khoảng 1,2 tỷ đồng), phòng chuyên môn đã phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ trực tiếp cho người dân về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư phục vụ sản xuất…Đồng thời, phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất lúa J02 theo tiêu chuẩn VietGAP.
Xác định rõ hiệu quả từ mô hình trồng lúa J02, thời gian tới, phòng chuyên môn tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, vận động bà con mở rộng diện tích để hình thành vùng sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song việc triển khai mô hình trồng lúa J02 trên địa bàn huyện Văn Lãng mà trọng tâm là xã Hoàng Văn Thụ vẫn còn một số khó khăn. Cụ thể, giá giống lúa J02 còn cao (người dân đã tự để giống nhưng năng suất, chất lượng không cao); các điều kiện về nguồn nước phục vụ sản xuất chưa đảm bảo… Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả hơn nữa từ mô hình này, bên cạnh sự chủ động của người dân rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan để từ đó người dân yên tâm hơn trong việc đầu tư mở rộng sản xuất.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/515817-van-lang-tang-thu-tu-trong-lua-nhat.html