Vạn Linh: Xây dựng đa dạng các mô hình sản xuất

Những năm gần đây, UBND xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng đã tập trung định hướng, hỗ trợ nông dân phát triển đa dạng các mô hình sản xuất, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.

Người dân xã Vạn Linh phát triển kinh tế từ mô hình sản xuất cao khô

Người dân xã Vạn Linh phát triển kinh tế từ mô hình sản xuất cao khô

Nhận thấy giống gà vàng ở xã có sức đề kháng tốt, thích nghi cao với điều kiện của địa phương và được người tiêu dùng ưa chuộng, UBND xã đã tập trung tuyên truyền đến người dân về việc mở rộng quy mô chăn nuôi gà. Hiện toàn xã có gần 100 hộ nuôi gà và 1 Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi gà Vạn Linh (gồm 8 thành viên, thành lập từ năm 2017) với tổng đàn toàn xã đạt hơn 50.000 con.

Anh Lương Văn Trẻ, thôn Nà Tẻng, xã Vạn Linh cho biết: Gia đình tôi nuôi giống gà vàng từ năm 2017. Ban đầu, tôi chỉ dám nuôi 100 con nhưng do chưa biết cách chăm sóc nên chất lượng gà chưa cao. Từ năm 2019 đến nay, tôi thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi gà do UBND xã phối hợp tổ chức và áp dụng vào thực tế. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm, tôi nuôi 3 lứa, mỗi lứa từ 300 đến 500 con, đem lại thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

“Thời gian qua, Vạn Linh là một trong những xã đã phát huy tốt lợi thế để phát triển sản xuất với đa dạng các mô hình. Theo đó, xã đã tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực của huyện là: cao khô, gà vàng, na… Qua đó, giúp bà con nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.”

Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng

Bên cạnh đó, nhận thấy sản xuất cao khô là nghề truyền thống của xã nên thời gian qua, nhiều hộ dân mở rộng sản xuất. Hiện toàn xã có hơn 150 hộ làm cao khô, tập trung chủ yếu ở thôn Phố Cũ và Phố Mới với sản lượng hơn 1.000 tấn/năm.

Cùng với 2 mô hình trên, hiện người dân toàn xã phát triển được hơn 200 mô hình sản xuất như: mô hình trồng cây ăn quả (trên 112 ha); mô hình chăn nuôi trâu, bò, lợn (tổng đàn gần 4.000 con); mô hình trồng lạc đỏ (hơn 150 ha)… đem lại thu nhập từ 100 đến 600 triệu đồng/hộ/năm.

Bà Triệu Thị Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Linh cho biết: Thời gian qua, căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương, UBND xã tăng cường tuyên truyền người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, rà soát nhu cầu của bà con để hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất phù hợp với thực tế... Qua đó, góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo đó, cấp ủy, chính quyền xã lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để hỗ trợ bà con phát triển sản xuất. Cụ thể, từ nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2023 đến nay, UBND xã hỗ trợ người dân thực hiện mô hình trồng và chăm sóc cây mắc ca, chăm sóc cây ăn quả với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng. Cùng đó, UBND xã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác hướng dẫn người dân vay vốn ưu đãi thông qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển sản xuất. Hiện tổng dư nợ toàn xã qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đạt trên 23,9 tỷ đồng với 485 hộ vay vốn.

Bên cạnh hỗ trợ vốn, UBND xã chú trọng việc nâng cao kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt cho bà con. Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm, UBND xã phối hợp với phòng chuyên môn huyện tổ chức từ 6 đến 8 lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân; phối hợp tổ chức từ 1 đến 3 lớp học nghề ngắn hạn/năm về kỹ thuật trồng cây ăn quả và chăn nuôi cho trên 100 lượt người tham gia.

Đáng chú ý, UBND xã còn tuyên truyền, vận động người dân thành lập các HTX. Toàn xã hiện có 3 HTX đăng ký hoạt động gồm: HTX Chăn nuôi gà Vạn Linh; HTX Chăn nuôi - trồng cây ăn quả Vạn Linh; HTX Phụ nữ sản xuất cao khô Vạn Linh. Ngoài ra, từ năm 2020 đến nay, UBND xã còn tổ chức cho hơn 120 lượt người đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các mô hình chăn nuôi trâu bò, trồng cây ăn quả, chăn nuôi lợn, gà trong và ngoài tỉnh.

Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền cùng sự chủ động, tích cực từ người dân, toàn xã đã có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Hiện thu nhập bình quân của xã đạt 47,25 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 11 triệu đồng/người/năm so với năm 2020. Hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 7,23%, giảm 6,97% so với năm 2022.

LƯƠNG THẢO

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-linh-xay-dung-da-dang-cac-mo-hinh-san-xuat-5015839.html