Văn mẫu sẽ không còn là 'phao cứu sinh', teen phải thay đổi thế nào để đạt điểm số cao?
Với định hướng mới trong việc xây dựng chương trình học, ra đề thi môn Ngữ Văn, thầy cô hướng tới việc teen có thể tự tin viết văn mà không cần 'cầu cứu' đến văn mẫu. Học thuộc văn mẫu cũng không còn giúp teen đảo bảo điểm số nữa.
Tại hội nghị tổng kết năm học 2020 - 2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 đối với bậc giáo dục trung học do Bộ GD&ĐT tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh tinh thần học thật, thi thật. Trong đó, đối với môn Ngữ văn, cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của cả thầy cô và học sinh.
Cùng với định hướng này, một loạt thay đổi trong việc dạy và học Văn cũng như ra đề thi sẽ được triển khai, trong đó gây xôn xao thời gian gần đây là đề xuất đưa tác phẩm ngoài chương trình vào đề thi tốt nghiệp THPT để hạn chế tình trạng văn mẫu.
Văn mẫu sẽ không còn là "phao cứu sinh" đảm bảo điểm trên trung bình
Kể từ khi còn học tiểu học, Q.Thương (TP.HCM) đã "làm bạn" cùng những cuốn sách tham khảo, với những bài làm văn được biên soạn theo các câu hỏi trong SGK.
"Mình nhớ ngày trước bản thân cũng rất tích cực trong việc học Văn, nhưng dù cố gắng thế nào thì điểm mình vẫn thấp. Mãi cho đến khi tìm mua và làm bài theo sách tham khảo, điểm số lại tiến bộ rõ rệt. Thế là, thành một thói quen luôn. Dựa vào mãi cũng "ngại", nhưng nếu không dựa vào thì mình không đủ tự tin để cầm bút viết văn." - Q.Thương chia sẻ.
Cô Thu Hường - phụ huynh tại Sơn Trà, Đà Nẵng cho biết con trai cô đã phải đi học thêm Văn ngay từ khi lớp Ba vì điểm số cứ "dậm chân tại chỗ".
"Đợt chuẩn bị thi học kỳ, trường con trai cô cho nội dung ôn tập là tả một loại cây có trong vườn nhà. Con trai cô đã chọn tả cây điệp, vậy mà kết quả lại khá tốt, được 8,5 điểm làm tròn lên 9 điểm. Thế nhưng ngay khi đi công viên, con cô lại không phân biệt được đâu là cây điệp, đâu là cây phượng. Hỏi ra mới biết, thì ra đó là bài ôn tập của cô giáo cho cả lớp học theo." - cô Hường kể.
Lộ trình loại bỏ văn mẫu đã được khởi động?
Đưa ra ý kiến về vấn đề này, thầy Trần Văn Đúng (giáo viên môn Ngữ văn trường THPT Lương Thế Vinh, TP.HCM) cho rằng, sở dĩ sách tham khảo có bài mẫu bị lạm dụng, chính là hệ quả của việc học tác phẩm nào thi tác phẩm đó. Để có thể hạn chế được tình trạng này, mọi thứ cần phải thay đổi ngay từ chương trình học.
"Ví dụ chương trình thiết kế dạy một bài thơ theo đặc trưng thể loại/ phân tích mẫu đó. Còn đề thi thì một tác phẩm khác cùng thể loại thơ; cho là cùng tác giả... thì sẽ ít "tủ" được lắm. Lúc đó chúng ta chỉ bàn với nhau về kỹ năng. Muốn điểm cao và phát huy thì học, đọc sách kĩ năng, khi đó mọi thứ sẽ khác."
Cùng quan điểm, thầy Trần Lê Duy (giáo viên trường Trung học Thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM) cũng cho biết, với cách dạy viết văn của chương trình Ngữ Văn mới (2018), giáo viên sẽ chỉ làm mẫu, viết mẫu ở những kỹ thuật viết mà teen còn chưa rõ, để từ đó teen hiểu hơn về cách viết, phát huy tính chủ động, sáng tạo của bản thân người học.
Cẩm nang cho "hội sợ viết Văn"
Có nhiều kinh nghiệm trong việc luyện thi môn Ngữ Văn, cô Trần Huyền An (Hà Nội) cho rằng, teen hoàn toàn có thể sử dụng văn mẫu một cách thông minh qua lời tư vấn của thầy cô, nhà trường.
Cô Đỗ Thị Thanh Nhàn (hiệu phó trường THCS Ngôi Sao, Hà Nội) cho rằng, việc viết theo “mẫu" cũng là một cách hiệu quả để teen viết đúng trọng tâm và cấu trúc bài. Teen có thể tìm đọc nhiều sách dạy kỹ năng, tham khảo khác nhau để tích lũy kiến thức, khi đó sẽ tự tin hơn lúc cầm bút viết văn.
Để có thể thuận lợi vượt "vũ môn" cùng môn Ngữ văn, bạn Trần Anh Khuê (thủ khoa đầu vào lớp chuyên Toán trường THPT chuyên ĐH Sư Phạm, Hà Nội) tin rằng yếu tố quan trọng nhất chính là cách học. Cô bạn chia sẻ về việc nghe giảng trên lớp, ghi chép bài đầy đủ, khoa học. Sau đó không quên ôn luyện lại 2 - 3 lần tại nhà và làm bài tập chăm chỉ.