Văn Miếu - Quốc Tử Giám với giáo dục, đào tạo nhân tài vùng Tiên Điền - Lai Thạch
Các tham luận được trình bày tại hội thảo đã gợi mở nhiều vấn đề nhằm đề cao vai trò, phát huy giá trị di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám và truyền thống khoa bảng của vùng đất Hà Tĩnh.
Sáng 1/11, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Chi hội Văn nghệ Dân gian Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Văn Miếu - Quốc Tử Giám với giáo dục, đào tạo nhân tài vùng Tiên Điền - Lai Thạch (Hà Tĩnh)”.
Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu và các cơ quan chuyên môn như: Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Trần Nhân Tông, Ban Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Trường Lưu...
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Văn Tú - Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhấn mạnh: Hội thảo sẽ tập trung nghiên cứu, đánh giá và thảo luận xoay quanh các nội dung: Vị trí, vai trò của Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong việc giáo dục và đào tạo nhân tài trong thời quân chủ ở Việt Nam nói chung; bảo tồn và phát huy giá trị của truyền thống giáo dục, đào tạo nhân tài tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và các vùng quê nói chung, vùng Tiên Điền - Lai Thạch nói riêng.
Các tham luận cũng sẽ làm rõ những thành tựu về giáo dục, đào tạo nhân tài và truyền thống hiếu học của người dân vùng Tiên Điền - Lai Thạch (Hà Tĩnh), nhất là trong thời điểm hiện nay.
Hội thảo đã nhận được 25 bài tham luận của các nhà khoa học từ Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Trần Nhân Tông và các cơ quan như Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Hà Tĩnh, Ban Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Trường Lưu, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám...
Các tham luận được trình bày tại hội thảo cũng đã gợi mở nhiều vấn đề nhằm đề cao vai trò to lớn, phát huy giá trị di sản Văn Miếu - Quốc Tử giám; phát huy truyền thống hiếu học, khoa bảng của vùng đất Tiên Điền - Lai Thạch nói riêng và Hà Tĩnh hiện nay như: “Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung tâm Giáo Dục Quốc gia lớn nhất thời quân chủ” (TS Nguyễn Văn Tú); “Học quan Quốc Tử Giám và những đóng góp của các học quan người Tiên Điền, Lai Thạch (Nguyễn Uyên Hậu, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản, Nguyễn Huy Oánh) với Quốc Tử Giám và nền giáo dục khoa cử Nho học” (TS. Trịnh Thị Hà);
“Tư liệu Hán Nôm lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm liên quan đến các nhà khoa bảng vùng đất Lai Thạch ở Hà Tĩnh” (PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí); Nguyễn Huy Oánh và dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu với Quốc Tử Giám (Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ); “Một số đóng góp của họ Nguyễn - Tiên Điền với sự nghiêp giáo dục” (Hồ Bách Khoa); “Bút cấm chỉ, sĩ Thiên Lộc” và truyền thống giáo dục, khoa bảng ở Thiên Lộc - Can Lộc, xưa và nay” (Phan Thư Hiền)...
Tổng kết hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sử học nhấn mạnh: 5 tham luận được trình bày tại hội thảo và 3 ý kiến phát biểu cũng như các tham luận gửi tới đã đề cập đến sự ra đời, vai trò to lớn của Văn Miếu - Quốc Tử Giám với nền khoa cử Nho học; truyền thống giáo dục, khoa bảng của vùng Tiên Điền, Lai Thạch với nền giáo dục nước nhà như: dòng họ Nguyễn Huy - Trường Lưu, dòng họ Phan Đức Thọ, dòng họ Hà Can Lộc, dòng họ Nguyễn Tiên Điền... Hội thảo cũng gợi mở nhiều vấn đề trong việc phát huy truyền thống hiếu học của các dòng họ, di tích lịch sử văn hóa vào việc giáo dục thế hệ trẻ.
Trong gần 9 thế kỷ (1075 - 1919), vùng đất Lai Thạch và Tiên Điền (thuộc Can Lộc, Nghi Xuân ngày nay) có tới 10 người đỗ đại khoa, nổi danh với các dòng họ “trâm anh thế phiệt” có truyền thống hiếu học, khoa bảng như: họ Nguyễn Huy Trường Lưu, họ Nguyễn ở Tiên Điền, họ Phan... Các nhà khoa bảng ở vùng đất này đã có những đóng góp không nhỏ cho quê hương, đất nước, trong đó có các danh sư nổi tiếng: Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Nghiễm, Phan Kính…