Văn Miếu Xích Đằng – Biểu tượng hiếu học của người Hưng Yên

Nếu Khuê Văn Các là biểu tượng của Thăng Long, thì Văn Miếu Xích Đằng là niềm tự hào của Hưng Yên. Hơn 400 năm tuổi, di tích này lưu giữ dấu ấn rực rỡ của truyền thống hiếu học trên đất Xích Đằng.

Nếu Khuê Văn Các tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám là biểu tượng của Thăng Long – Hà Nội, thì Văn Miếu Xích Đằng chính là niềm tự hào của người dân Hưng Yên. Nằm bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, thuộc phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, di tích hơn 400 năm tuổi này là một trong sáu văn miếu tiêu biểu còn tồn tại ở Việt Nam, đồng thời là một trong hai văn miếu lâu đời nhất sau Văn Miếu Quốc Tử Giám.

 Tam quan Văn Miếu Xích Đằng mang vẻ đẹp cổ kính rêu phong

Tam quan Văn Miếu Xích Đằng mang vẻ đẹp cổ kính rêu phong

Tên gọi “Văn Miếu Xích Đằng” bắt nguồn từ vị trí xây dựng trên đất làng Xích Đằng – nơi từng mọc nhiều bụi mây thân đỏ, tạo nên sắc mây hồng rực rỡ ven đê sông Hồng. Văn Miếu được khởi dựng từ thế kỷ XVII dưới thời Hậu Lê, đến năm Minh Mệnh thứ 20 (1839), triều Nguyễn cho xây dựng lại trên nền chùa Nguyệt Đường (chùa Xích Đằng) với quy mô lớn như hiện nay.

Nơi tụ hội tinh hoa trí tuệ người Hưng Yên

Theo sử sách, dưới thời vua Lê Thánh Tông, nhằm chấn hưng đạo Nho, triều đình đã cho lập nhiều trường học ở các trấn. Ở trấn Sơn Nam (gồm các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, một phần Hà Nội và Hưng Yên), Văn Miếu Xích Đằng được xây dựng để thờ các bậc hiền Nho và tổ chức các kỳ thi Hương. Trải qua nhiều biến đổi địa lý – hành chính, Văn Miếu Xích Đằng trở thành văn miếu của trấn Sơn Nam Thượng và sau này là tỉnh Hưng Yên.

Khuôn viên bên trong khu di tích Văn Miếu Xích Đằng

Khuôn viên bên trong khu di tích Văn Miếu Xích Đằng

Chị Trần Thị Phương Hoa – Ban Quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến cho biết:“Văn Miếu Xích Đằng không chỉ là di tích tiêu biểu mà còn là nơi tụ hội các tinh hoa trí tuệ của người Hưng Yên xưa và nay”.

Không gian kiến trúc của văn miếu tuân theo bố cục chữ “tam” gồm ba tòa: Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Gian trung tâm Trung từ thờ thầy giáo Chu Văn An – nhà sư phạm mẫu mực thời Trần, nổi tiếng chính trực và giàu lòng nhân ái. Ông từng giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám – tương đương hiệu trưởng đại học ngày nay, và là người dâng “Thất trảm sớ” xin chém 7 gian thần.

Phía trong Hậu cung là ban thờ Khổng Tử – người được tôn vinh là “Vạn thế sư biểu” và là ông tổ Nho giáo, cùng các học trò tiêu biểu như Mạnh Tử, Tử Tư, Nhan Uyên và Tăng Sâm.

Di tích vật thể và lễ hội đặc sắc

Điểm đặc biệt của Văn Miếu Xích Đằng là khu nội tự còn bảo tồn được nhiều kiến trúc cổ và hiện vật quý như chuông đồng, khánh đá thời Gia Long – chỉ duy nhất nơi đây còn giữ được cả hai loại nhạc cụ lễ nghi này. Hai vật này từng dùng để báo hiệu giờ thi và là âm thanh tri ân các bậc thánh hiền trong lễ tế.

Khoảng sân văn miếu được chia làm bốn ô, là nơi sĩ tử ngồi dự thi Hương xưa kia. Hai bên sân là lầu chuông và lầu khánh, nối tiếp là hai dãy tả vu – hữu vu, hiện nay trưng bày tư liệu về giáo dục Hưng Yên qua các thời kỳ.

Khánh đá hiện còn lưu giữ được ở Văn Miếu Xích Đằng

Khánh đá hiện còn lưu giữ được ở Văn Miếu Xích Đằng

Văn Miếu Xích Đằng hiện lưu giữ 9 tấm bia đá ghi danh 161 vị đại khoa (trên tổng số 228 vị khoa bảng của tỉnh Hưng Yên) – chiếm gần 1/10 cả nước, xếp thứ tư toàn quốc. Trong đó có các danh nhân nổi bật như trạng nguyên Tống Trân (thời Trần), Nguyễn Kỳ (thời Mạc), Dương Phúc Tư (thời Lê), và tiến sĩ Lê Như Hổ – quận công triều Mạc.

Từ thời nhà Trần đến cuối nhà Nguyễn, đời nào đất Hưng Yên cũng có người đỗ đạt, góp phần xây dựng đất nước. Điều đó thể hiện rõ truyền thống hiếu học của vùng đất “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.

Văn miếu từng có hai kỳ lễ hội lớn vào ngày 10 tháng Hai và 10 tháng Tám âm lịch – là dịp các vị quan đầu tỉnh và Nho sĩ tế lễ Đức thánh, thể hiện tinh thần “tôn sư trọng đạo”, đồng thời cầu mong cho sự nghiệp giáo dục hưng thịnh.

Phố Hiến – hồn xưa vọng lại

Theo ThS. Vũ Tiến Kỳ (Hội Văn học Nghệ thuật Hưng Yên):

“Phố Hiến không chỉ là nơi hội tụ văn hóa Đông – Tây mà còn là nơi văn hóa Việt làm chủ, hài hòa trong giao lưu. Những di tích như Văn Miếu Xích Đằng không chỉ được thờ phụng, tu sửa mà còn đi kèm với tầng văn hóa lễ hội và ký ức vàng son được người dân gìn giữ.”

Khuôn viên xanh tốt ở Văn Miếu Xích Đằng

Khuôn viên xanh tốt ở Văn Miếu Xích Đằng

Văn Miếu Xích Đằng cùng quần thể di tích Phố Hiến trở thành địa chỉ quen thuộc của du khách gần xa, là biểu tượng sống động cho một thành phố giàu truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa sông Hồng. Hưng Yên hiện có hơn 1.800 di tích và hơn 400 lễ hội truyền thống – minh chứng cho một vùng đất “văn hiến – cách mạng – anh hùng”.

Trần Liên

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/van-mieu-xich-dang-bieu-tuong-hieu-hoc-cua-nguoi-hung-yen-2100483.html