Vấn nạn bóng cười: Vẫn 'bắt cóc bỏ đĩa'?
Liên tiếp nhiều cơ sở kinh doanh bóng cười bị triệt phá, liên tiếp nhiều vụ ngộ độc khí cười xảy ra, dù đã có chế tài xử phạt nhưng dường như vẫn chưa đủ sức răn đe khi giới trẻ vẫn công khai sử dụng, tạo điều kiện cho các đối tượng mua bán trái phép, tràn lan trên mạng xã hội.
Triệt phá nhiều cơ sở kinh doanh bóng cười trái phép
Từng bị lực lượng chức năng xử lý về hành vi kinh doanh bóng cười trái phép, nhưng vì lợi nhuận, Trần Quốc Anh (sinh năm 1990, trú tại tỉnh Thanh Hóa) vẫn bất chấp tiếp tục kinh doanh bóng cười. Để qua mặt cơ quan chức năng, Quốc Anh sử dụng căn nhà số 21 thuộc khu tập thể X16 - Bộ Công an, nằm sâu trong ngõ 93 đường Hoàng Văn Thái, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội làm kho “tập kết”, cho quây kín, che chắn cửa sổ bằng vải bạt, đồng thời, lắp đặt camera giám sát bên ngoài. Hằng ngày, Quốc Anh cho sang chiết tại kho, bán qua mạng xã hội và ship bằng xe ôm công nghệ cao. Quốc Anh sử dụng nhiều va li, ba lô loại lớn để ngụy trang bình khí cười, đồng thời cho nhân viên mặc đồng phục của các hãng xe ôm công nghệ để chuyển hàng, tránh sự dòm ngó của người dân xung quanh.
Thế nhưng, mọi hành vi của Quốc Anh đều lọt vào tầm ngắm của các trinh sát Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội. Sau một thời gian theo dõi, ngày 28/7, Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội phối hợp Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Thanh Xuân và Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất căn nhà tập thể của Quốc Anh.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng bắt quả tang Trần Quốc Anh đang tiến hành sang chiết khí N2O từ các bình 40 kg sang các bình 5 kg và 10 kg để giao cho khách; 136 bình khí N2O có trọng lượng 5 kg, 10 kg và 51 bình khí N2O có trọng lượng 40 kg sử dụng để sang chiết. Trần Quốc Anh không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp pháp cũng như giấy phép kinh doanh hóa chất theo quy định. Số khí này đa phần Quốc Anh nhập trôi nổi trên mạng và có người mang từ Bắc Ninh về. Số bình khí N2O trên chủ yếu được Quốc Anh bán cho các đối tượng sử dụng tại nhà riêng trên địa bàn TP Hà Nội thông qua mạng xã hội, giá trung bình từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với bình từ 5 đến 10 kg.
Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội về việc điều tra, xử lý các đối tượng có hành vi tập kết, kinh doanh, vận chuyển trái phép bình khí N2O trên địa bàn Hà Nội, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với các đơn vị chức năng cũng đã triệt phá kho sang chiết và kinh doanh khí N2O trái phép được ngụy trang, núp bóng vô cùng tinh vi tại một khu vực trông giữ xe thuộc khu phố Mạc Thái Tông, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. Để tránh bị phát hiện, các đối tượng có liên quan đã cất giấu kỹ số bình khí N2O cũng như chờ đêm tối mới vận chuyển ra ngoài mang đến các điểm tiêu thụ.
Qua kiểm tra, những bình khí này có trọng lượng từ 5 đến 15 kg. Nhiều bình khí N2O có trọng lượng 20 kg và máy dùng để sang chiết khí. Cùng với đó, khoảng 10 kg vỏ bóng bay dùng để bơm khí N2O vào cũng đã bị thu giữ.
Tổ công tác liên ngành xác định chủ số hàng trên là Nguyễn Văn Tính (SN 1992, thường trú xã Phượng Vĩ, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ). Tại thời điểm kiểm tra, Tính không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng trên.
Hiểm họa khôn lường
Theo một cán bộ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, bản chất N2O (Dinitơ oxit hay nitrous oxide) hay còn gọi là khí cười là một trong những hợp chất vô cơ không màu, vị ngọt nhẹ. Chất này vào cơ thể, dạng khí, sẽ chiếm chỗ oxy làm thiếu oxy, ức chế thần kinh trung ương gây ra nhiều cảm giác phê, hoang tưởng. N2O là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, ảo giác tương tự heroin. Nếu sử dụng bóng cười nhanh và ít sẽ gây cười, hưng phấn thoáng qua. Nếu sử dụng N2O với số lượng lớn, trong thời gian dài ngày có thể gây nhiễm độc hệ thần kinh, tổn thương thần kinh từ não xuống tủy sống, đặc biệt tủy sống cổ và ngực. Người bệnh có thể bị rối loạn như cảm giác tê bì, yếu chi, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp, thiếu máu, thiếu B12... Nghiêm trọng hơn, gây ra ức chế, hôn mê, tụt huyết áp, tê liệt cơ thể, tử vong. Với những người bị bệnh về tim mạch, hen suyễn và các bệnh liên quan tới đường hô hấp nếu sử dụng và tiếp xúc với khí N2O có thể bị nguy hiểm tới tính mạng do ngạt khí, suy hô hấp.
Mới đây, Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh tiếp nhận bệnh nhân V.T.L.A (15 tuổi, trú tại Quảng Ninh) đến khám trong tình trạng tê bì tay, chân, yếu dần, đi lại khó khăn, kèm theo sụt cân nhiều.
Trước đó, nữ sinh này đã sử dụng bóng cười liên tục trong vòng 10 ngày, mỗi ngày khoảng 10 quả. Kết quả chụp cộng hưởng từ cột sống cổ có hình ảnh tổn thương sừng sau tủy cổ. Căn cứ vào thăm khám lân sàng, cận lâm sàng, kết hợp khai thác thông tin người bệnh, bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh rễ thần kinh tủy sống cổ, theo dõi do ngộ độc khí cười N2O.
Cách đó không lâu, một nữ bệnh nhân 26 tuổi ở Sơn La được đưa vào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai điều trị do ngộ độc khí N2O. Theo lời kể của nữ bệnh nhân, cô sử dụng bóng cười (khí N2O) từ năm 2018 khi tham gia buổi liên hoan cùng nhóm bạn. Trong 1 năm trở lại đây, cô cùng nhóm bạn gái khoảng 5-6 người, thường xuyên tụ tập chơi bóng cười. Ngày nào hút ít thì khoảng 10 trái, còn nhiều thì vô kể. Nhận ra hít bóng cười chẳng khác nào nghiện ma túy, hơn 1 tháng trước khi nhập viện, nữ bệnh nhân đã quyết định “cai bóng”.
Tuy nhiên, chỉ 10 ngày sau “cai bóng”, cô gái trẻ bắt đầu có cảm giác mệt mỏi, chán ăn và sốt nhẹ, đi lại không vững, chân mềm liên tục té ngã. Đến bệnh viện khám nhưng bác sĩ không tìm ra nguyên nhân, sau khi châm cứu khoảng 10 ngày, nửa thân dưới của cô gái liệt hẳn, không thể nhúc nhích.
Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy bệnh nhân bị tổn thương não và tổn thương tủy sống rất đặc trưng của các ca ngộ độc khí N2O. Những tổn thương này khiến bệnh nhân có biểu hiện rối loạn cảm giác và dẫn tới yếu cơ, liệt chi.
Mặc dù đã được cảnh báo, nhưng giới trẻ vẫn vô tư sử dụng và các đối tượng vẫn ngang nhiên rao bán công khai. Quả thật, chỉ cần lên mạng xã hội gõ cụm từ “bóng cười” sẽ cho ra hàng loạt những fanpage hội nhóm cho đến các cá nhân mua bán rầm rộ loại khí cười này.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các đối tượng rao bán bóng cười theo bình, chẵn từ 5-10-15-20 kg. Giá bình 5 kg dao động từ 750 đến 950 nghìn đồng. Giá các bình lớn sẽ rẻ hơn, mua sỉ sẽ được chiết khấu giảm giá đặc biệt.
Nickname H.G.P rao bán bình 5 kg có giá 750 nghìn đồng, tương đương với 28 quả; 10 kg giá 950 nghìn đồng, tương đương 38 quả; bình 15 kg có giá 1,2 triệu đồng, tương đương 45 quả bóng; bình 20 kg có giá 1,4 triệu đồng, tương đương 50 quả; đặc biệt có loại VIP giá 2,3 triệu đồng, tương đương 100 quả bóng. Nick này còn nhấn mạnh “Cấp cứu các dân chơi buổi sáng, bảo mật thông tin khách hàng tuyệt đối. Nhận ship Oceanpark-Sóc Sơn - Villa. Thu mua vỏ bình cũ tận nơi. Vui lòng call trực tiếp vì shop rất bận”.
Không chỉ “bóng cười”, xác bóng kèm các dụng cụ phục vụ các thượng khách cũng được rao bán công khai. Nickname L.P rao bán xác bóng: “Xác bóng Taicheng tem mác chống hàng giả, bao uy tín 18 inch, hãy là một người thông thái, nhìn mặt gửi tiền nhé anh em, làm việc qua nhà máy, không qua trung gian, số lượng bao nhiêu cũng có, ship mọi miền tổ quốc, giá tốt nhất thị trường, bar, louge, pub, karaoke, anh em nhấc máy gọi em L.P để phục vụ giao hàng tận nơi ạ”. Để thu hút khách hàng, có thành viên còn tặng quà khuyến mãi kèm theo là xác bóng, cho mượn thêm loa đèn để các thượng đế “phê pha”.
Cần tăng chế tài xử phạt
Theo luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), hiện nay, tình trạng kinh doanh, sản xuất và sử dụng bóng cười đang rất phổ biến trong giới trẻ. Địa điểm thường là các quán karaoke, quán bar, vũ trường, các quán nhậu cũng xuất hiện tình trạng này. Việc sử dụng bóng cười có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng về thần kinh, tim mạch, gây ức chế não bộ thậm chí có thể gây tử vong và sử dụng trong thời gian dài sẽ dẫn tới mất thăng bằng, tay chân tê bì và yếu dần, ngăn ngực, khó thở.
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng này đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do bóng cười mang lại biểu hiện của sự “sành điệu”, “thời thượng” nên nhiều bạn trẻ thích sử dụng. Đồng thời, khi sử dụng bóng cười, các bạn sẽ có cảm giác đê mê, sảng khoái, nghe nhạc sẽ cảm thấy rõ hơn, phấn khích hơn, cười nghiêng ngả không thể dừng và không thể kiểm soát. Ngay sau đó họ sẽ chìm đắm hoàn toàn trong ảo giác về những thứ xung quanh. Điều này tạo nên cảm giác phấn khích về tinh thần, tạo ảo giác gây cười cho người chơi.
Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Tuấn, nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng sản xuất kinh doanh diễn ra nhiều là do lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh này cao trong khi chế tài xử phạt các hành vi vi phạm còn chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, người sử dụng không bị xử phạt, dẫn đến tái phạm nhiều lần. Chính chế tài lỏng lẻo, thiếu sự răn đe khiến công tác phòng, chống vi phạm này gặp nhiều khó khăn.
Theo quy định của pháp luật hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh N2O sẽ bị xử lý vi phạm quy định về hoạt động sản xuất, kinh doanh theo giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp tại Điều 17, Nghị định 71/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại khoản 8, Điều 1, Nghị định 17/2022/NĐ-CP).
Việc xử phạt kinh doanh bóng cười vẫn là xử phạt hành chính, mức cao nhất phạt tiền từ 20 triệu đến 25 triệu đồng là tương đối nhẹ, chưa đủ sức răn đe trong khi lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh loại “bóng cười” này khá lớn.
Để hạn chế tình trạng trên, cần có chế tài mạnh mẽ hơn. Việc nhập khẩu, mua bán... chất khí N2O để sử dụng trong công nghiệp, phát triển kinh tế, xã hội được phép thực hiện nhưng pháp luật cần quy định chặt chẽ hơn. Siết chặt hoạt động nhập khẩu và bổ sung các quy định quản lý chặt chẽ trong hoạt động mua bán, kinh doanh khí N2O trong nước. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý các loại hóa chất nhập khẩu.
Cần tăng hình phạt đối với các cơ sở kinh doanh sử dụng khí N2O sai mục đích. Cụ thể là tăng hình phạt tiền lên gấp 5-10 lần so với quy định hiện tại. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với vi phạm này, nhằm tăng tính răn đe.
“Hiện nay không có quy định về xử lý người chơi bóng cười mà chỉ có quy định về xử phạt hành vi sản xuất bóng cười không nhằm mục đích mua bán, sản xuất với mục đích sản xuất công nghiệp. Và, hiện nay chỉ dừng lại ở việc xử phạt vi phạm hành chính chứ chưa có quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, cần bổ sung các chế tài xử lý người có hành vi sử dụng “bóng cười” trong các quán karaoke, quán bar, vũ trường, các quán nhậu,... Đồng thời, tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên về tác hại của “bóng cười” để mọi người hạn chế sử dụng.
Ngoài ra, để hạn chế tình trạng trên, mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng tránh những tác hại, hậu quả lâu dài mà những thú vui giải trí này gây ra. Mọi người dân cần phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các đối tượng có hành vi mua bán, sử dụng bóng cười, shisha thì kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương hoặc Cơ quan công an gần nhất để được xử lý”, luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/van-nan-bong-cuoi-van-bat-coc-bo-dia--i702504/