Vấn nạn hóa đơn bất hợp pháp và giải pháp ngăn chặn

Để xử lý vấn đề mua - bán hóa đơn bất hợp pháp, những năm qua, cùng với công tác phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, khởi tố nhiều vụ án lớn, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp, từ tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ, cảnh báo, đến xây dựng các công cụ, phần mềm quản lý, giám sát...

Chiều hướng ngày càng phức tạp

Trong vài năm trở lại đây, nhiều tổ chức, đường dây liên tỉnh mua-bán hóa đơn bất hợp pháp cũng đã được cơ quan chức năng phối hợp bóc gỡ, khởi tố, như vụ ở tỉnh Bắc Giang đã xuất bán trên 3.000 hóa đơn, tổng giá trị tiền hàng hóa/dịch vụ ghi trên hóa đơn gần 4.000 tỷ đồng; vụ triệt phá đường dây ở TP Đà Nẵng, các đối tượng thành lập 280 DN, xuất bán 187.610 hóa đơn khống trị giá 25.300 tỷ đồng; vụ ở tỉnh Hòa Bình, cơ quan công an đã khởi tố 16 bị can thành lập 64 DN “ma” để xuất trái phép 140.024 hóa đơn điện tử (HĐĐT), trong đó, có 76.561 hóa đơn xuất cho gần 9.000 cơ quan, DN, cá nhân trên địa bàn cả nước, với tổng giá trị tiền hàng hóa/dịch vụ ghi trên hóa đơn hơn 3.200 tỷ đồng…

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành Thuế đã rà soát, kiểm tra phát hiện 12.625 hóa đơn vi phạm, với tổng giá trị ghi trên hóa đơn là 8.524 tỷ đồng, tiền thuế là 753 tỷ đồng. Qua đó, cơ quan thuế đã xử lý vi phạm về hóa đơn với tổng số tiền 27,9 tỷ đồng (thuế GTGT 5,4 tỷ đồng, thuế TNDN 5,98 tỷ đồng, thuế khác gần 0,5 tỷ đồng), tiền phạt và chậm nộp là 11 tỷ đồng...

Tình trạng mua-bán hóa đơn bất hợp pháp là hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh, gây thất thu NSNN, mà còn tạo ra những hệ lụy xấu cho xã hội và các DN làm ăn chân chính.

Theo ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty CP Tư vấn thuế Sài Gòn, nguyên Trưởng phòng Pháp chế, Cục Thuế Tp.HCM, quá trình cơ quan thuế rà soát các hóa đơn có nghi vấn không hợp pháp đã xảy ra nhiều trường hợp DN liên quan gặp rủi ro, bị xử lý về một hành vi mà họ không vi phạm. Điển hình như DN A (bán hàng) có xuất hóa đơn hợp lệ cho DN B (mua hàng), hai bên thanh toán xong; DN B hạch toán kế toán và đã hoàn tất việc khai thuế GTGT, thuế TNDN. Nhưng, thời gian sau đó, khi kiểm tra, phát hiện DN A đã không kê khai, nộp thuế GTGT, thuế TNDN đối với các hóa đơn đó, cơ quan thuế đã quyết định loại bỏ toàn bộ số thuế GTGT đầu vào và chi phí mua hàng của DN B liên quan đến doanh thu của hóa đơn trên.

Một trường hợp khác là DN A thường xuyên cung cấp hàng hóa/dịch vụ có xuất hóa đơn hợp lệ cho DN B trong nhiều năm. Sau đó, vì một lý do, DN A bị cơ quan thuế phát hành thông báo bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh. Đối với hóa đơn phát hành sau ngày có thông báo bỏ trốn thì đương nhiên bị loại toàn bộ số thuế GTGT đầu vào và chi phí mua hàng liên quan. Còn đối với hóa đơn phát hành trước ngày có thông báo bỏ trốn, cơ quan thuế yêu cầu DN B phải nộp cho cơ quan thuế toàn bộ hồ sơ, chứng từ để chứng minh việc mua bán trên từng tờ hóa đơn là có thật. Đây là một cuộc đua marathon khi từng hóa đơn phải đính kèm: hợp đồng kinh tế/phiếu đặt hàng, chứng từ thanh toán, phiếu xuất kho, phiếu nhập kho, nếu hàng hóa cồng kềnh thì phải kèm hợp đồng vận chuyển... Nếu DN may mắn đáp ứng đầy đủ yêu cầu khắt khe như trên thì được cơ quan thuế chấp nhận giữ nguyên số thuế đã kê khai, còn không thì sẽ bị loại bỏ toàn bộ. Rủi ro này quá lớn khiến DN dễ bị “vạ lây” mà không thể lường trước.

Quản chặt từ khâu thành lập doanh nghiệp

Chia sẻ hội thảo về quản lý, phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử vừa tổ chức, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế), cho biết thời gian qua, các cục thuế địa phương khi nhận được một số văn bản của Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) liên quan đến các vụ việc mua bán hóa đơn xảy ra trên địa bàn, các cục thuế đã triển khai đến các đơn vị thuộc và trực thuộc cục thuế rà soát, xử lý các trường hợp có dấu hiệu của tội phạm.

 Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế), chia sẻ về công tác chống gian lận trong quản lý và sử dụng hóa đơn.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế), chia sẻ về công tác chống gian lận trong quản lý và sử dụng hóa đơn.

Sau đó, đề nghị chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền để điều tra xử lý theo quy định. "Trường hợp không có dấu hiệu của tội phạm mà chỉ vi phạm hành chính thì tiến hành xử phạt và truy thu thuế theo quy định", bà Lan Anh thông tin.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh phân tích rằng trong quá trình thành lập doanh nghiệp, cơ quan thuế nhận thấy nhiều đối tượng thành lập doanh nghiệp, mua lại doanh nghiệp để bán trái phép hóa đơn một thời gian rồi bỏ trốn.

Các đối tượng đã sử dụng chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân giả mạo/mất cắp, thuê người làm đại diện pháp luật (những người không hiểu biết, thậm chí cả thương binh...), thành lập chuỗi doanh nghiệp trung gian hoặc mua lại các doanh nghiệp và thay đổi giám đốc, người đại diện theo pháp luật.

Bên cạnh đó, các đối tượng thành lập doanh nghiệp trung gian để có hóa đơn đầu vào, đầu ra nhằm mục đích vay ngân hàng, lập chuỗi doanh nghiệp hoàn thuế giá trị gia tăng xuất khẩu khống, nâng khống tổng doanh thu của tập đoàn, hệ thống doanh nghiệp liên quan… Từ đó, tăng doanh thu khống để nâng tổng giá trị doanh nghiệp để đạt được các mục đích kinh doanh, tài chính trái pháp luật.

Trước thực tế mua bán hóa đơn khống kể trên, cơ quan thuế đã xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá rủi ro về hóa đơn điện tử, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các dữ liệu về hóa đơn điện tử.

"Từ đó, xác định người nộp thuế có yếu tố rủi ro gian lận trong sử dụng hóa đơn để đưa vào kiểm tra, thanh tra. Qua đó, nhận diện được người nộp thuế có rủi ro cao về sử dụng hóa đơn điện tử để đưa ra cảnh báo, xử lý nếu có vi phạm; hoặc chuyển sang cơ quan công an đối với trường hợp thuộc diện rủi ro cao có dấu hiệu tội phạm để phối hợp điều tra và xử lý nếu phát hiện vi phạm", đại diện Tổng cục Thuế nêu rõ.

Cơ quan thuế cũng phối hợp với cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng có liên quan như: hải quan, ngân hàng... để truy vết người nộp thuế có dấu hiệu mua, bán hóa đơn và điều tra, xử lý vi phạm theo quy định.

Cùng với đó, công khai danh sách doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và cơ quan thuế các cấp để người dân và người nộp thuế biết.

Thực hiện rà soát các thông tin có nội dung rao bán hóa đơn điện tử không hợp pháp tại các nền tảng không gian mạng. Trên cơ sở đó, thu thập thông tin của các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bán trái phép hóa đơn điện tử tại địa bàn quản lý để truy xuất nguồn gốc của hóa đơn điện tử rao bán (tên, mã số thuế, địa chỉ, điện thoại...). Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thuế, về hóa đơn thì kịp thời chuyển cơ quan công an để điều tra, xử lý theo quy định.

Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, người nộp thuế về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế và về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ theo quy định. Chấn chỉnh nội bộ, tăng cường kỷ cương kỷ luật trong thi hành công vụ đối với cán bộ thuế.

Thời gian tới, Tổng cục Thuế kiến nghị về sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 1/7/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ.

Đáng chú ý, Tổng cục Thuế cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi quy định đăng ký kinh doanh, quy định thành lập doanh nghiệp mới, kiểm soát thông tin của cá nhân tham gia thành lập, quản lý doanh nghiệp hay tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn.

Về công tác phối hợp, cơ quan thuế phối hợp với cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng có liên quan như: cơ quan công an, hải quan, ngân hàng... để truy vết người nộp thuế có dấu hiệu mua, bán hóa đơn và điều tra, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.

Đồng thời sẽ tiếp tục cập nhật, bổ sung xây dựng các tiêu chí rủi ro về hóa đơn, tổng hợp danh sách những đơn vị có dấu hiệu rủi ro, các đơn vị có vi phạm trong lĩnh vực hóa đơn chuyển cơ quan công an theo quy chế tin báo, tội phạm.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế tham mưu trình lãnh đạo Bộ Tài chính để phối hợp, có ý kiến tham gia xây dựng hoàn thiện các quy định của pháp luật do các bộ, ngành khác chủ trì xây dựng như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước... như nêu trên để tăng cường công tác quản lý tới người nộp thuế, thắt chặt công tác quản lý để ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận nhằm trục lợi, chiếm đoạt tiền từ ngân sách nhà nước.

Dinh Viet

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/van-nan-hoa-don-bat-hop-phap-va-giai-phap-ngan-chan-d51147.html