Vấn nạn mất trộm cổ vật ở di tích: Mất bò vẫn chưa lo làm chuồng

Hà Nội một tháng qua có bốn vụ mất trộm, 26 hiện vật bị kẻ gian lấy trộm khỏi di tích, một lần nữa khiến nhiều chuyên gia lo lắng, cảnh báo về câu chuyện bảo quản, bảo vệ cổ vật, di vật.

Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bối Khê có pho tượng bị mất trộm lần thứ ba

Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bối Khê có pho tượng bị mất trộm lần thứ ba

Hàng nghìn di tích, cơ sở thờ tự là nơi lưu giữ hàng nghìn cổ vật, di vật quý trong kho tàng mỹ thuật cổ của ông cha, nhưng chốn linh thiêng như đình, đền, chùa trở thành mỏ vàng cho kẻ gian trộm cắp cổ vật, di vật. Riêng huyện Thanh Oai từ giữa tháng 3 tới nửa đầu tháng 4 có 26 cổ vật, hiện vật bị kẻ gian lấy đi tại bốn di tích: Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bối Khê, đình Đại Định, chùa Du Dự và chùa Từ Châu. Pho tượng Thích Ca đản sinh chiều cao 70-80cm tại chùa Bối Khê bị mất cắp tới lần thứ ba, sau khi được hoàn trả nguyên vẹn ở hai vụ mất trộm trước.

Một số hiện vật khác ở Thanh Oai vừa bị trộm nhấc khỏi di tích như hai bộ chấp kích gồm 16 chiếc đặt hai bên gian Đại bái ở đình Đại Định, hai đỉnh đồng, hai cây nến đồng và một bình sứ cổ. Chùa Du Dự bị mất một chuông đồng, hai bát bình hương đặt tại Tam bảo. Chùa Từ Châu bị mất một chuông đồng có chiều cao 1m, đường kính 0,6m vào hôm 11/4.

Nhà nghiên cứu Mỹ thuật cổ Trần Hậu Yên Thế kể, anh nhớ nhất vụ mất trộm cổ vật táo tợn ở đình Thổ Hà (Bắc Giang) năm 2018. Dù ngôi đình được coi là cửa khóa then cài chắc chắn, nhưng kẻ trộm lại đột nhập từ phía hậu cung, lấy đi nhiều cổ vật, di vật giá trị, trong đó có một bộ chấp kích cổ có 8 chiếc, một kiếm thần, một nồi hương đồng và một đôi hạc đồng. Trước đó chùa Bổ Đà (Bắc Giang) trong giai đoạn chờ đón bằng di tích Quốc gia đặc biệt đã bị lấy cắp pho tượng Quan Âm gỗ có niên đại khoảng 200 năm. Bắc Giang là một trong những địa phương xảy ra nhiều vụ trộm cổ vật, di vật như tượng, sắc phong, câu đối, chuông, chấp kích.

Năm ngoái, trong khi xử lý vi phạm giao thông, công an phát hiện một nhóm đạo chích chở hiện vật trộm cắp trong đó có chiếc khám thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh có niên đại gần nghìn tuổi. Khám thờ cổ thuộc di tích quốc gia đình Hoàng Châu (Hải Phòng) bị mất cuối năm 2018. “Những con số cổ vật, di vật mất mát tôi nghĩ còn lớn hơn rất nhiều, bởi nhiều vụ chúng ta chưa biết, chưa thống kê. Pho tượng Quan Thế Âm nghìn mắt nghìn tay cao gần 2m cả bệ ở chùa Mễ Sở (Hưng Yên) cũng bị mất hai lần”, TS Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia nói.

QUẢN LÝ LỎNG LẺO

Về bốn vụ mất trộm ở Thanh Oai, ông Trần Văn Lợi, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện phân trần: Do dịch COVID-19 nên di tích đóng cửa, chỉ có nhà sư trông coi khiến an ninh, an toàn có phần lỏng lẻo. Ông khẳng định chục năm lại đây, huyện Thanh Oai chưa mất trộm cổ vật, di vật nào.

Trách nhiệm bảo vệ, bảo quản di tích và hệ thống di vật thuộc về chính quyền địa phương, được ghi rõ theo quyết định phân cấp của lãnh đạo UBND TP Hà Nội. TS Nguyễn Doãn Văn, Trưởng Ban Di tích Danh thắng Hà Nội trao đổi với PV Tiền Phong rằng, thời gian qua do giãn cách xã hội nên việc hỗ trợ và cắt cử người trông coi di tích khó khăn, kẻ gian lợi dụng hoành hành.

Tượng Quan Thế Âm ở chùa Mễ Sở (Hưng Yên) bị mất trộm hai lần

Tượng Quan Thế Âm ở chùa Mễ Sở (Hưng Yên) bị mất trộm hai lần

Chuyện mất trộm cổ vật, di vật bộc lộ nhiều bất cập trong việc quản lý. “Đình chùa miếu mạo của Việt Nam là không gian mở, không có thành cao hào sâu nên dù đóng cửa vẫn không hoàn toàn khép kín. Chúng tôi đi điền dã, nghiên cứu nhiều di tích đều thấy lo lắng cho các cụ cao niên trông coi ở nhiều ngôi đình cổ trống trải. Các cụ đều có tâm đức với đình chùa nhưng tuổi cao sức yếu nên việc trông nom không dễ dàng”, TS Yên Thế nói. Anh kể, một số ngôi đình cổ phải “sơ tán” bảo vật, đồ thờ tự thiêng cho an toàn, tuy thế tách đồ thiêng khỏi không gian di tích cũng là việc đáng buồn.

Là chuyên gia hàng đầu về cổ vật, TS Phạm Quốc Quân lại phân tích chuyện quản lý hiện vật từ góc độ bao quát hơn. “Luật Di sản Văn hóa đi vào thực thi gần 20 năm nay, nhưng quản lý di tích, di sản còn bất cập. Hà Nội có gần 6 nghìn di tích, chỉ một số ít di tích quốc gia như ở Long Biên, Mê Linh, Hai Bà Trưng làm được việc đăng ký cổ vật. Khi họ đăng ký, cổ vật trong trường hợp bị trộm cắp sẽ có cơ sở pháp lý để được trao trả. Nhiều nơi dân khẳng định di vật, cổ vật thuộc về di tích nhưng lại không có cách nào chứng minh”, TS Quân nói. Ông nhắc lại chuyện vua Bảo Đại năm xưa từng thua kiện Pháp khi đòi một số cổ vật cung đình Huế bị đấu giá tại khách sạn lớn. Thất bại đơn giản vì Bảo Đại không có giấy tờ, cơ sở pháp lý chứng minh của cải, tài sản đó thuộc cung đình Huế.

Làm hồ sơ và đăng ký cho cổ vật không chỉ hỗ trợ trong các trường hợp mất mát. TS Phạm Quốc Quân nhắc tới bất cập khác chính là bảo quản, tu sửa hiện vật. Nhiều pho tượng cổ từng bị các vị trụ trì hồn nhiên mang đi sơn thếp công nghiệp, phá hỏng hiện vật. Hệ thống di tích ở ta còn chưa được đầu tư lắp đặt camera, báo động nên bảo vật, di vật trong di tích luôn trong trạng thái phấp phỏng lo đạo chích ghé thăm. Đối với một số hiện vật đặc biệt như bảo vật quốc gia, TS Quân nhắc lại: Còn phải thực hiện bảo quản theo Luật Di sản Văn hóa, cả về bảo quản lẫn trưng bày phát huy. Nhiều ngôi đình cổ hiện còn lưu giữ các sắc phong quý, nhưng chất lượng bảo quản kém khiến nhiều bản sắc phong mỏng manh bị mục nát, phá hủy không thể khôi phục.

Quan xa, bản nha gần

Di tích, di vật thuộc về cộng đồng, nên chính quyền địa phương và cộng đồng phải có trách nhiệm bảo vệ. Việc này bị ngó lơ phần do ý thức, phần do họ chưa hiểu biết thấu đáo trách nhiệm giữ gìn di sản của đất nước, xã hội. TS Phạm Quốc Quân cho rằng các Sở quản lý văn hóa cần có lớp đào tạo, tập huấn để chính quyền địa phương hiểu biết và thực thi trách nhiệm bảo vệ di tích chu đáo hơn. TS Trần Hậu Yên Thế đồng tình, bởi không gian di tích gần gụi cộng đồng nên càng phải tuyên truyền để dân nâng cao hiểu biết, có trách nhiệm với di sản.

Nguyên Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/van-nan-mat-trom-co-vat-o-di-tich-mat-bo-van-chua-lo-lam-chuong-1646768.tpo