Vấn nạn ngập lan sang các đô thị mới: Chống ngập bền vững cách nào?

Để chống ngập đô thị, nhiều địa phương triển khai các dự án nâng cấp hệ thống cống thoát nước. Nhưng liệu đây có phải là giải pháp căn cơ?

Tìm mọi cách xóa ngập

Mặc dù nằm sát sông nhưng mưa kết hợp triều cường vẫn khiến đường Trần Xuân Soạn (quận 7, TP.HCM) ngập quá nửa bánh xe. Ảnh: Quỳnh Danh.

Mặc dù nằm sát sông nhưng mưa kết hợp triều cường vẫn khiến đường Trần Xuân Soạn (quận 7, TP.HCM) ngập quá nửa bánh xe. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ngày 1/7, UBND thành phố Biên Hòa đã khởi công công trình chống ngập với mức đầu tư hơn 23 tỷ đồng để xử lý điểm ngập tại cầu Đồng Khởi - ngã ba Trảng Dài sau nhiều năm chậm trễ.

Công trình gồm các hạng mục như lắp đặt, xây dựng 2 đường cống hộp bê tông kích thước 2m x 2m với chiều dài mỗi bên khoảng 320m; lắp đặt xây dựng khoảng 210m đường cống bê tông tròn đường kính 1,5m để thoát nước xuống suối Săn Máu. Dự kiến công trình hoàn thành tháng 12/2023.

Theo bà Nguyễn Thị Giang Hương, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai, những năm trước đây ở Nhơn Trạch hiếm xảy ra tình trạng ngập.

Tuy nhiên từ sau khi xảy ra sự cố sập bức tường của Công ty Formosa Hưng Nghiệp, đến nay xuất hiện nhiều điểm ngập trên địa bàn.

“Chúng tôi đang nạo vét kênh Bà Ký, ống cống Lò Rèn để tiêu thoát nước cho khu vực Hiệp Phước, Nhơn Trạch. Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp sớm xây dựng lại bức tường bị sập”, bà Hương cho hay.

Ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai thông tin, thời gian qua tỉnh cũng như các huyện, thành phố đã đưa ra nhiều phương án xử lý các điểm ngập theo lộ trình.

Cống thoát nước đã được đầu tư lắp đặt kích thước rất lớn nhưng mưa lớn kéo dài vẫn xảy ra ngập. Một trong những nguyên nhân gây ngập là rác thải che lấp các cửa thoát nước.

“Chúng tôi cũng mong muốn người dân có ý thức trong bảo vệ môi trường, hạn chế vứt rác bừa bãi ra nơi công cộng, vì khi mưa xuống rác sẽ bịt hết tất cả các cống, nước khó thoát dẫn đến gây ngập…”, ông Phi nói.

Đâu là giải pháp căn cơ?

Đánh giá về điểm ngập mới ở chân cầu Ba Son (TP.HCM), TS. Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia TP.HCM nhận định, một trong những nguyên nhân chính là hệ thống thoát nước tại đây chưa đủ năng lực.

Điều này khiến kể cả nơi nằm sát dòng chảy ra sông như khu đô thị Thủ Thiêm vẫn có thể ngập, vì không đủ lối thoát nước ra.

Mặt khác, quá trình đô thị hóa làm mất đi các mặt phủ thấm nước và dòng chảy tự nhiên là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc ngập lụt tại các đô thị. Do đó, ngập lụt dễ dàng xảy ra ở cả vùng biển dễ thoát nước hay vùng cao không bị ảnh hưởng bởi thủy triều.

Quay về câu chuyện giải pháp cải thiện ngập ở chân cầu Ba Son, chuyên gia nhìn nhận, cống ngầm ở các công trình cũng gây bất lợi cho việc thoát nước.

Theo ông Phi, với những khu vực còn nhiều đất chưa xây dựng như TP Thủ Đức, nên đầu tư làm cống, kênh hở. Kênh hở thoát nước tốt hơn vì có thể nâng cấp, cải tạo bằng nạo vét, mở rộng sang 2 bên bờ.

Ngoài ra, thành phố cần quản lý chặt để không cho phép lấp mặt sông rạch hiện có, dành ra không gian cho nước, giúp nước có đường thoát và hạn chế mực nước dâng. Đây là biện pháp được nhiều quốc gia đang thực hiện.

Còn theo đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, một trong những nguyên nhân khách quan khiến điểm ngập ở chân cầu Ba Son xuất hiện là vị trí nằm ở phía Đông TP.HCM.

Đây vốn là khu vực có địa hình trũng, thấp, khiến nước có xu hướng chảy về, tạo ra nhiều điểm ngập hơn so với các khu vực khác.

“Ngập lụt của TP.HCM là biểu hiện rõ nét của quá trình đô thị hóa. Lượng nước sử dụng tăng, mặt đất không còn khả năng tiếp nhận nguồn nước thẩm thấu. Điều này đòi hỏi TP.HCM cần thêm phương án cho đầu tư hạ tầng”, vị này nói.

Giải bài toán từ gốc

Nhìn lại 10 năm qua, TP.HCM đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ và đổ nhiều công sức giải quyết bài toán chống ngập. Thế nhưng, kết quả chẳng thấm vào đâu, vấn nạn ngập vẫn cứ trở thành nỗi bức xúc của người dân.

Theo PGS. TS. Lê Văn Trung, chuyên gia về tài nguyên môi trường, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ với lượng mưa lớn hơn sự đáp ứng hệ thống thoát nước.

Ngoài ra, tác động của quá trình đô thị hóa, bê tông hóa đã làm tăng bề mặt không thấm; phát triển nhanh các công trình xây dựng trên vùng đất yếu và khai thác nguồn nước ngầm quá mức dẫn đến sụt lún mặt đất.

Để giải quyết bài toán từ gốc, chuyên gia cho rằng, TP.HCM cần giải quyết nhiều vấn đề thách thức trong quy hoạch cao độ nền và hệ thống thoát nước đến năm 2030, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.

Khi điều chỉnh quy hoạch, thành phố cần phân tích đánh giá chính xác năng lực hiện tại của hệ thống thoát nước mưa, nước thải, để có nhiều giải pháp tích hợp công trình và phi công trình đồng bộ, khi lượng mưa vượt tần suất thiết kế và triều đạt đỉnh.

Đặc biệt quy hoạch cao độ nền phải thống nhất đảm bảo lưu vực thoát nước tự nhiên, bền vững theo thời gian.

TS. Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về tài nguyên và môi trường cũng nhìn nhận, ngập lụt tại TP.HCM không chỉ xảy ra với tổ hợp lũ cao, triều cường và mưa lớn, mà còn xảy ngay trong trường hợp lũ - triều bình thường nhưng gặp mưa cường độ vượt quá sức chịu đựng của hệ thống cống thoát nước đô thị của thành phố hiện tại (200mm/trận trong vài giờ).

“Chúng ta chưa quy hoạch không gian cho nước và những khu vực ngập nhất hiện nay là nơi đã bị bê tông hóa, lấp hồ, kênh rạch, với mật độ xây dựng cao lên gấp chục lần nhưng không hề dành không gian dành cho nước hay hồ điều tiết”, ông Trường nhấn mạnh.

Về giải pháp, ông Trường cũng cho rằng, TP.HCM và các đô thị mới khác cần rà soát quy hoạch tổng thể phát triển không gian và phát triển hạ tầng cùng với cách tiếp cận tích hợp quản lý rủi ro ngập nước; dựa trên cơ sở kế thừa những công trình đã có, mạnh dạn điều chỉnh lại ý tưởng quy hoạch chống ngập...

Quy hoạch đô thị không được tạo ra vùng ngập

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, tại Hà Nội, lượng mưa được tính tối đa là 310mm/2 ngày đối với toàn bộ hệ thống. Tuy nhiên, thời gian qua, lượng mưa tích lũy trong 2h ghi nhận được đạt 180mm, trong khi hệ thống thoát nước của thành phố chỉ đáp ứng cho các trận mưa có cường độ trung bình 70mm/h.

Tương tự, tại TP.HCM, các tuyến cống cấp 1, 2, 3 được tính với cường độ mưa lần lượt là 95mm, 85mm và 76mm trong 3h ứng với mực nước triều là trên 1,32m. Trong khi đó hiện nay chỉ trong 1h lượng mưa đã đạt trên 120mm và thời gian mưa tăng cả tần suất và lượng mưa; về chiều đã có những lúc đỉnh triều đạt đến 1,68m.

Theo ông Vinh, quá trình đô thị hóa quá nhanh dẫn đến bê tông hóa, san lấp ao hồ nên diện tích thấm bị giảm đi nhiều, các vùng đất trũng, ao, hồ chứa nước không còn làm giảm khả năng thấm nước, lưu trữ nước.

Hệ thống thoát nước của đô thị đã được xây dựng lâu, hàng chục năm. Việc đầu tư nâng cấp hệ thống không đồng bộ do hạn chế kinh phí.

Về giải pháp khắc phục, trước mắt đơn vị quản lý thoát nước chuẩn bị và phương án xử lý tại các vị trí, tuyến đường dự báo khả năng xuất hiện ngập.

Các tỉnh, thành phố sớm công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trong phạm vi địa phương để phòng, chống ngập, úng và bảo vệ nguồn nước.

Về lâu dài, cần rà soát điều chỉnh quy hoạch thoát nước, tính toán lại hệ thống thoát nước. Quy hoạch đô thị, công trình không được tạo ra vùng ngập úng cục bộ.

Ông Vinh cho biết, việc quản lý thoát nước hiện được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014.

Các bộ, ngành đã ban hành cơ bản đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật làm cơ sở cho công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật tiêu thoát nước.

Đối với phương án thoát nước mưa bền vững là một trong các giải pháp thiết kế kỹ thuật đối với công trình thoát nước, hiện Bộ Xây dựng đang tiến hành sửa đổi, thay thế các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, trong đó có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 07:2016/BXD về các công trình hạ tầng kỹ thuật; Tiêu chuẩn thiết kế TCVN 7957:2008 về Thoát nước - Mạng lưới bên ngoài và công trình.

Nguyễn Hùng

Thư Trần - Tuệ Minh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/van-nan-ngap-lan-sang-cac-do-thi-moi-chong-ngap-ben-vung-cach-nao-d597275.html