Văn nghệ quần chúng góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống
Phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi nổi, sâu rộng thu hút đông đảo người dân tham gia. Qua đó, đóng góp tích cực vào công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và góp phần lưu giữ, phát triển bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc tại địa phương.
Là tỉnh có thế mạnh về du lịch, Cao Bằng xác định việc bảo tồn, phát huy các giá trị dân ca, dân vũ là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển du lịch theo hướng bền vững. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 700 đội văn nghệ hoạt động thường xuyên. Mỗi đội có khoảng 10 - 30 thành viên, trong đó có những hạt nhân tiêu biểu, nghệ nhân, người cao tuổi am hiểu về âm nhạc truyền thống dân tộc.
Thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn tỉnh”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trên địa bàn tỉnh duy trì, đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả. Trong 9 tháng năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện thành công chương trình ra mắt Câu lạc bộ (CLB) hát Then - đàn tính, hát dân ca xóm Bản Um, xã Tam Kim (Nguyên Bình), xóm Bản Giốc, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh), xóm Bản Giuồng, xã Tiên Thành (Quảng Hòa). Hướng dẫn tập luyện, ra mắt mô hình CLB hát Then - đàn tính, hát dân ca, dân vũ tại xóm Nà Tậu, xã Lê Lợi (Thạch An), xóm Đoàn Kết, xã Vũ Minh (Nguyên Bình), xóm Hồng Định II, xã Hạnh Phúc, tổ dân phố 4, thị trấn Hòa Thuận (Quảng Hòa), tổ dân phố 4 thị trấn Bảo Lạc (Bảo Lạc) và tiến hành khảo sát dân ca, dân nhạc tại một số xóm.
Công tác hướng dẫn tập luyện, ra mắt các mô hình CLB hát Then - đàn tính, hát dân ca, dân vũ tại cơ sở nhận được sự quan tâm, đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Các CLB duy trì hoạt động thường xuyên với mong muốn đóng góp cho kho tàng nghệ thuật để phục vụ đời sống tinh thần cho cộng đồng địa phương.
Sau hơn 9 năm thành lập, CLB bảo tồn và phát triển di sản Then thị trấn Nước Hai (Hòa An) được lựa chọn tham gia vào mô hình thí điểm bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then gắn với phát triển du lịch nhằm cụ thể hóa Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025”. Trên cơ sở đó, ngày 30/1/2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố quyết định thành lập Nhóm bảo tồn và phát triển di sản Then thị trấn Nước Hai gồm 15 thành viên chính thức và 7 cộng tác viên. Các thành viên từ 9 - 60 tuổi, là những người đam mê, yêu thích hát Then, có kinh nghiệm biểu diễn, truyền dạy hát Then - đàn tính.
Bà Nông Thị Mến, thành viên Nhóm bảo tồn và phát triển di sản Then thị trấn Nước Hai cho biết: Nhóm duy trì sinh hoạt, luyện tập các tiết mục đàn tính, các làn điệu Then cổ, Then cải biên, Then nâng cao, Lượn nàng ới, Dá hai, Phong slư... Hiện, nhóm dàn dựng được 8 tiết mục biểu diễn phục vụ các đoàn khách du lịch khi có nhu cầu thưởng thức cũng như các hoạt động văn hóa, văn nghệ dịp lễ hội, ngày tết, lễ kỷ niệm... của địa phương. Ngoài ra, các thành viên trong nhóm tích cực truyền dạy hát Then, đàn tính vào các trường học trên địa bàn, góp phần bảo tồn các làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương trên địa bàn chú trọng công tác tổ chức, tạo điều kiện cho người dân tham gia các hoạt động liên hoan văn nghệ quần chúng, hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh. Hằng năm có trên 100 buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng và các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ truyền thống được đầu tư nội dung, dàn dựng đẹp mắt, hấp dẫn người xem. Điển hình như tham gia Liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc vùng Đông Bắc diễn ra ngày 3/11/2024 tại tỉnh Lạng Sơn, chương trình nghệ thuật quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc của tỉnh tại liên hoan có sự tham gia của 28 diễn viên quần chúng các dân tộc, trình diễn 5 tiết mục múa, hát, hát Then, đàn tính mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Hoạt động văn nghệ quần chúng là “món ăn tinh thần” bổ ích, đem lại sức sống mới cho đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc. Không chỉ phát huy bản sắc văn hóa truyền thống mà văn nghệ quần chúng còn dần trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, cuốn hút du khách trong hành trình khám phá miền non nước.