Văn nghệ sĩ Điện Biên tuyên truyền chiến thắng Điện Biên Phủ

ĐBP - Với lợi thế của vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, đặc biệt gắn với chiến thắng huyền thoại Điện Biên Phủ, đó là chất liệu, nguồn cảm hứng vô tận cũng là thuận lợi 'căn cốt' để các văn nghệ sĩ khai thác, sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị. Những câu chuyện xoay quanh chiến thắng Điện Biên đã được khai thác bởi nhiều tác giả cả trong nước và nước ngoài suốt hơn sáu chục năm qua. Có nhiều tác phẩm viết về Chiến thắng Điện Biên Phủ tầm cỡ vượt cả không gian và thời gian. Mặt khác, do đặc trưng của tờ tạp chí văn nghệ, ngoài yếu tố khoa học, khách quan, tôn trọng lịch sử còn phải mềm mại, hấp dẫn độc giả; nên cũng là khó khăn đối với văn nghệ sĩ hiện nay. Nhưng với niềm tự hào là con, em của quê hương Điện Biên anh hùng, văn nghệ sĩ Điện Biên đã sáng tạo những tác phẩm văn học, nghệ thuật phục vụ tốt cho công tác tuyên truyền chiến thắng Điện Biên Phủ. Hơn nữa, văn nghệ sĩ Điện Biên luôn xác định viết về quê hương, con người, truyền thống lịch sử, văn hóa Điện Biên, trong đó có Chiến thắng Điện Biên Phủ chính là sản phẩm đặc trưng, tạo nên thương hiệu của văn nghệ sĩ Điện Biên.

Hình thức tuyên truyền cũng đa dạng và phong phú ở hầu hết các thể loại như: Văn xuôi (ký, phóng sự, hồi ký, ghi chép, tùy bút, truyện ngắn, tản văn), thơ, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, nghiên cứu phê bình.

Về văn xuôi, trung bình mỗi năm các tác giả sáng tạo từ 8 - 10 tác phẩm, trong đó chủ yếu là ghi chép, bút ký hoặc phóng sự phản ánh cuộc sống của những người đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Nổi bật là các tác phẩm của các tác giả Phạm Đức Cư (cựu chiến sĩ Điện Biên Phủ), Thanh Huyền, Song Thanh. Những tác phẩm có giá trị về mặt nội dung cũng như nghệ thuật như: Tôi là chiến sĩ cao xạ (Phạm Đức Cư), Tôi đi dân công chiến dịch (Thanh Huyền), Con nhím Điện Biên và sự can thiệp của Mỹ (Trần Thành). Truyện ngắn với những cây bút đã thành danh như: Du An, Nguyễn Thanh Long viết về Điện Biên Phủ với lăng kính đa chiều, đi vào phận người của cả hai bên chiến tuyến. Trong đó nổi bật là tác phẩm Gương mặt cánh đồng của tác giả Nguyễn Thanh Long, đạt giải 3 cuộc thi truyện ngắn trên báo Văn nghệ năm 2018. Ngoài ra còn có những tùy bút, tản văn trong trẻo của những cây bút trẻ như: Ngọc Bích, Trần Thanh Huyền, đưa người đọc trở về những năm tháng hào hùng của cha ông trên chiến trường Điện Biên năm xưa.

Thể loại thơ viết về chiến thắng Điện Biên Phủ được coi là thể loại có nhiều tác giả tham gia sáng tạo nhất, mỗi năm có hàng trăm tác phẩm. Nổi bật là các tác giả: Đỗ Trọng Luân, Phạm Hữu Dược, Phạm Đình Thi, Nguyễn Đình Hải, Trần Hải Dương…

Mỹ thuật và nhiếp ảnh Điện Biên so với cả nước còn tương đối non trẻ, với số lượng các tác giả còn khiêm tốn. Nhưng các tác giả vẫn dành nhiều thời gian và công sức để sáng tạo những tác phẩm về chiến thắng Điện Biên. Các họa sĩ: Vũ Hữu Cương, Trần Văn Hoa, Lê Văn Ninh, Mai Thanh Hưng… là những cây cọ tiên phong trong thể hiện đề tài chiến tranh và cách mạng. Trong đó có những tác phẩm để lại dấu ấn như: “Cầu Mường Thanh” (Sơn dầu - Lê Văn Linh), “Bên hầm tướng bại trận” (khắc gỗ - Mai Thanh Hưng)… Những nghệ sĩ nhiếp ảnh như: Lê Anh Tuấn, Văn Thành Chương, Trịnh Xuân Tư… có nhiều bức hình ấn tượng ghi lại những khoảnh khắc sống động về di tích chiến trường Điện Biên Phủ. Về âm nhạc các nhạc sĩ Huy Thông, Mạnh Cường, Thanh Sơn, Lù Văn Sẹn dành nhiều tâm sức sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị về chiến thắng Điện Biên và âm vang của nó trong lịch sử. Bên cạnh đó là mảng nghiên cứu, phê bình, giới thiệu về chiến thắng Điện Biên Phủ, dù chưa thực sự chuyên nghiệp và có nhiều thông tin mới nhưng vẫn “tròn vai” và đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền vào những ngày lễ lớn .

Đánh giá tổng thể việc tuyên truyền chiến thắng Điện Biên Phủ trong những năm qua về cơ bản văn học, nghệ thuật đã đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ chính trị. Đồng thời với thế mạnh của văn chương, nghệ thuật đã đưa nội dung này mềm mại hơn, hấp dẫn hơn và cũng mới mẻ hơn, gần gũi với đời sống người dân vùng sâu, vùng xa. Góp phần tuyên truyền về giá trị của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với lịch sử dân tộc nói riêng và nhân loại nói chung, cũng như giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Trần Thành

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/van-hoa/187497/van-nghe-si-dien-bien-tuyen-truyen-chien-thang-dien-bien-phu