Vận tải đường thủy sẽ là một trong những lĩnh vực vận tải trọng điểm của quốc gia

Sáng 14.10, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể chủ trì, tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương, đơn vị và doanh nghiệp liên quan trên cả nước về phát triển logistics vận tải đường thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, có Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Tấn Tài và các đơn vị liên quan.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh vai trò vị thế quan trọng của ngành Vận tải đường thủy nội địa trong 5 lĩnh vực GTVT, giúp chi phí vận chuyển giảm, khối lượng vận chuyển lớn, hạn chế tai nạn giao thông đường bộ. Khu vực phía Nam với hệ thống sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ, sông Đồng Nai, thời gian vừa qua, vận tải đường thủy phát triển khá tốt.

Theo Bộ trưởng Bô GTVT, trong 10 năm gần đây, lĩnh vực đường thủy nội địa đã có bước tiến rất mạnh mẽ. Nếu vào năm 2011, 2012, cả nước chỉ có khoảng 300 phương tiện thủy vận tải ven bờ với tải trọng vận tải khoảng 5.000 tấn/phương tiện thì sau gần 10 năm, tính đến cuối năm 2020, cả nước có gần 1.800 phương tiện thủy nội địa vận chuyển ven bờ với tải trọng cao nhất là 23.000 tấn.

“Vừa qua, khi thực hiện Luật Quy hoạch, Bộ GTVT cùng lúc nghiên cứu ban hành 5 quy hoạch ngành GTVT (đường bộ, đường thủy nội địa, cảng biển, hàng không, đường sắt). Khi so sánh lợi thế giữa các lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ xác định, vận tải đường thủy hiện nay và sắp tới sẽ là một trong những lĩnh vực vận tải trọng điểm của quốc gia với tiềm năng, thế mạnh còn dư địa rất lớn”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Cục trưởng Cục đường thủy nội địa Việt Nam Bùi Thiên Thu cho biết, vận tải đường thủy nội địa ngày càng có vai trò quan trọng đối với ngành giao thông vận tải, hằng năm chiếm khoảng 19% lưu lượng hàng hóa cả nước, tỷ lệ đảm nhận về luân chuyển hàng hóa của đường thủy nội địa ở vùng đồng bằng sông Hồng là 45%, vùng Đông Nam bộ là 47,5%, đặc biệt tại vùng sông bằng sông Cửu Long chiếm tới gần 80%.

Tổng chiều dài đường thủy nội địa cả nước đang được quản lý khai thác là 17.253 km (chiếm 41,2% tổng chiều dài sông, kênh cả nước). Khu vực phía Nam có trên 6.500 km sông kênh đang khai thác vận tải, với 110 cảng thủy nội địa, trong đó có 93 cảng hàng hóa, 27 cảng chuyên dùng.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, vận tải thủy nội địa đã phát huy vai trò, lợi thế để tiếp tục đảm nhận khoảng 20% vận chuyển và luân chuyển hàng hóa của toàn ngành giao thông. Về sản lượng vận tải, tuy ảnh hưởng của dịch bệnh, vận tải hành khách và vận tải hàng hóa có sụt giảm nhưng không đáng kể.

9 tháng năm 2021, vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa đạt gần 240 triệu tấn, chỉ giảm 1% so với cùng kỳ. Trong điều kiện dịch bệnh, ngành ban hành hướng dẫn về vận tải đường thủy nội địa trên phạm vi cả nước trong giai đoạn dịch bệnh. Các luồng vận tải thủy đều là “luồng xanh”.

Riêng các cảng thủy nội địa chính khu vực Đông Nam bộ chủ yếu tập trung trên các tuyến sông như: sông Đồng Nai 9 cảng (qua địa bàn Bình Dương, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh), sông Vàm Cỏ Đông 21 cảng (qua địa bàn các tỉnh Long An, Tây Ninh),… trong đó, Cảng An Sơn, sông Sài Gòn, là đầu mối kết nối các khu công nghiệp lớn của các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, được kết nối với Quốc lộ 13, tỉnh lộ 8, tỉnh lộ 15 và kết nối đường bộ đến ga đường sắt Sóng Thần.

Cảng Thanh Phước, sông Vàm Cỏ Đông là cảng đầu mối lớn của tỉnh Tây Ninh, gần biên giới Campuchia, nằm trong khu công nghiệp lớn, có kết nối đường nội bộ trực tiếp với các tuyến quốc lộ.

Cục trưởng Bùi Thiên Thu đề xuất giải quyết các điểm nghẽn, tiềm ẩn tai nạn giao thông trên tuyến hành lang vận tải thủy chính tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư cảng, bến và phương tiện hiện đại, có kích thước lớn để thúc đẩy xu hướng vận chuyển hàng container bằng phương tiện thủy nội địa từ cảng biển cửa ngõ vào sâu trong nội địa.

Khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống cảng theo cụm, kết nối thuận lợi tối đa với đường bộ, cảng cạn, tạo điều kiện hình thành các cảng đầu mối quy mô lớn có công nghệ bốc xếp hiện đại, tiến tới hình thành các trung tâm logistics đường thủy nội địa và tham gia vận tải đa phương thức.

Cục trưởng cũng kiến nghị UBND cấp tỉnh quan tâm bố trí đất dọc theo các tuyến đường thủy nội địa chính để hình thành những cụm cảng ở khu vực thuận lợi cho việc kết nối với các khu công nghiệp, khu chế xuất; hình thành tuyến vận tải thủy container kết nối với các cảng biển cửa ngõ quốc tế, tối ưu hóa hiệu quả công tác vận tải, đặc biệt phục vụ cho xuất nhập khẩu.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quy hoạch đường thủy nội địa và cho biết, Bộ đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đề nghị phê duyệt quy hoạch, làm cơ sở để phát triển vận tải đường thủy nội địa.

Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương, đơn vị quan tâm phối hợp giữa hàng hải và đường thủy nội địa tốt hơn, giúp kết nối hiệu quả giữa vận tải đường thủy nội địa với các cảng biển, từ đó khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hệ thống phương tiện và cảng, bến hiện đại, trung tâm logistics, cảng cạn có kết nối tốt với đường thủy, góp phần thúc đẩy xu hướng vận tải container bằng đường thủy, giúp vận tải đường thủy nội địa tham gia hiệu quả vào các chuỗi cung ứng logistics.

C.T

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/van-tai-duong-thuy-se-la-mot-trong-nhung-linh-vuc-van-tai-trong-diem-cua-quoc-gia-a138148.html