Vãng cảnh chùa Tà Mơn

Tôi tìm đến chùa Sêrây Tà Mơn (ấp Đào Viên, xã Viên Bình, huyện Trần Đề) sau khi được người bạn đồng nghiệp cũ và các phượt thủ 'giới thiệu' là ngôi chùa có thể đẹp nhất miền Tây. Do không có điều kiện viếng thăm hết các chùa Khmer ở các tỉnh có đông đồng bào Khmer như Trà Vinh, Bạc Liêu nên tôi chưa dám khẳng định 'chùa Tà Mơn - ngôi chùa đẹp nhất miền Tây' như lời của các 'phượt thủ' đã nói trên các trang mạng xã hội. Hơn 10 năm trước, tôi đã từng ghé thăm và cũng từng chụp một số ảnh về con rạch Tà Mơn đầy sen và cảnh chùa thoáng đãng nhưng ngày đó, chùa Tà Mơn cũng bình dị như bao ngôi chùa Khmer khác trong tỉnh. Chính điều đó đã khiến tôi vừa băn khoăn về tính xác thực của 'thông tin' vừa tò mò muốn tận mắt chứng kiến sự đổi thay của ngôi chùa trang nghiêm, trầm mặc bên con rạch Tà Mơn tĩnh lặng.

Chùa Tà Mơn được tôn tạo khang trang, đẹp mắt. Ảnh: THIÊN LÝ

Chùa Tà Mơn được tôn tạo khang trang, đẹp mắt. Ảnh: THIÊN LÝ

Đến chùa Tà Mơn trong ngày cuối tuần với tiết trời khá đẹp, bầu trời quang đãng như hứa hẹn sẽ có một ngày không mưa. Ngôi chùa tọa lạc ngay trên tuyến lộ huyết mạch thông thoáng nối liền hai huyện Mỹ Xuyên - Trần Đề, trong một khuôn viên khá rộng (3ha) và nằm cặp với con rạch Tà Mơn - tên của bậc tiên hiền có công gây dựng vùng đất này. Hình ảnh đầu tiên mà tôi thấy được là ngôi chánh điện uy nghi, sừng sững, đồ sộ với nét đặc thù rất tiêu biểu cho kiến trúc Khmer truyền thống được xây, đắp một cách công phu từ bàn tay tài hoa của những người thợ vốn là những nông dân con cháu trong bổn sóc. Đi dọc theo dãy hành lang của chánh điện là những hàng cột dày đặc mà mỗi đầu cột đều có gắn tượng Krud (người chim): một nửa thân là chim, nửa là người hoặc là tiên nữ trong tư thế đứng dang hai tay đỡ mái, trông rất khỏe khoắn, sinh động và thể hiện tính thẩm mỹ tuyệt đẹp đậm chất kiến trúc điêu khắc truyền thống của bà con Khmer Nam bộ.

Không riêng gì tôi mà hầu hết các du khách đang có mặt tại hành lang ngôi chánh điện đều thể hiện sự thán phục khi lặng ngắm những hoa văn trang trí rất công phu và cũng rất phong phú. Cũng trên ngôi chánh điện đồ sộ và uy nghi này, cứ mỗi khoảng trống đều được các nghệ nhân tận dụng chế tác ra những mô típ hoa văn cực kỳ đẹp mắt. Từ những cây cột, khuôn cửa, nóc mái cho đến khoảng không chật hẹp của bất kỳ công trình hay bộ phận kiến trúc nào đều được khắc, chạm, tô vẽ kỹ lưỡng. Hoa văn trang trí phong phú với nhiều hình thức phức tạp phối hợp lẫn nhau: chạm chìm, chạm nổi trên gỗ, trên đá, đổ khuôn ximăng, tô đắp trực tiếp... với sự tỉ mỉ tài hoa của các nghệ nhân đậm chất nông dân. Sự thay đổi nhịp nhàng của tiết điệu, đường nét kết hợp với những khối lồi lõm sinh động. Rồi sự đậm nhạt của màu sắc do ánh sáng kết hợp tạo thành càng làm cho ngôi chùa thêm lộng lẫy, làm tăng thêm vẻ uy nghi đầy chất thánh thiện của ngôi chùa. Phía hậu viên sau chánh điện, các nghệ nhân đang cùng các vị sa di miệt mài lao động luôn đọng trên môi nụ cười hiền hậu, niềm nở tiếp chuyện với các du khách đang chiêm ngưỡng cảnh chùa. Con rạch Tà Mơn tĩnh lặng năm nào giờ đó đây nhú lên những chiếc lá non xanh mơn mởn. Một sa di cho biết: “Năm nay nước biển xâm nhập vô quá lâu, thêm nắng nóng kéo dài nên đám sen trong rạch bị rụi gần hết, giờ mới sống lại, chớ không thì lúc này bông sen nở rất đẹp”. Các sa di còn cho biết thêm, toàn bộ các công trình của nhà chùa được khởi công vào năm 2013 và dự kiến cuối năm 2021 hoàn chỉnh và tổ chức khánh thành.

Trong lúc đang vãng cảnh, vô tình tôi làm quen một chú sinh viên tên Sơn Phuôl, người Khmer quê Bạc Liêu - cụ thể là nhà chú ấy ở gần ngôi chùa Xiêm Cán, một ngôi chùa cũng được du khách công nhận đẹp nhất Bạc Liêu. Chú sinh viên năm cuối của Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh cho biết, mình đang làm luận văn tốt nghiệp với đề tài về kiến trúc chùa Khmer nhưng do quá quen thuộc với ngôi chùa Xiêm Cán nên chú chọn tỉnh Sóc Trăng thực hiện đề tài này và cũng là để giới thiệu sự tài hoa của những nghệ nhân Sóc Trăng thông qua những nét hoa văn chạm trổ, điêu khác và những vẻ đẹp rất riêng của vùng miền mà chỉ có những người con của dân tộc Khmer mới cảm nhận hết. Chúng tôi đi vòng quanh chánh điện, vòng qua các sala rồi bọc một vòng khuôn viên phía sau chánh điện là nơi các nghệ nhân đang làm các khung tượng đắp ximăng tạo hình các tượng Phật, chim muông sẽ hoàn thành trong nay mai. Sơn Phuôl với cây bút và cuốn sổ tay, thỉnh thoảng “hạ bàn” ngồi bệt xuống ghi ngúy ngoáy điều gì đó vào cuốn sổ tay đặc kín chữ Khmer được viết theo kiểu chữ chân phương khá đẹp. Vất vả lắm tôi mới nhận ra được vài chữ, như: “pco rohom” (màu đỏ), “khang cơt” (phía đông), “khang khnong” (bên trong), “phca chhuk” (hoa sen)...

Trời trở chiều, trước khi chia tay, Sơn Phuôl nói: "Ngôi chùa tuy còn nhiều hạng mục công trình phải làm nhưng nhìn tổng quát, cách bố trí ngôi chánh điện, các công trình phụ trong một khuôn viên thoáng đãng đã góp phần làm cho ngôi chùa hòa quyện với thiên nhiên. Tuy còn nhiều hạng mục chưa xong nhưng cháu chắc chắn chùa Tà Mơn này sẽ là ngôi chùa đẹp nhất của Sóc Trăng...”.

THIÊN LÝ

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/soc-trang-que-toi/vang-canh-chua-ta-mon-40747.html