Vàng, chứng khoán và bất động sản: Kênh đầu tư nào 'tỏa sáng' trong giai đoạn cuối năm?
Vàng, chứng khoán và bất động sản là 3 kênh đầu tư được nhiều người Việt gửi gắm với 'giấc mộng' làm giàu. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 tới nay, cả 3 kênh đầu tư này đều rung lắc dữ dội. Dù vậy, giới chuyên gia vẫn có góc nhìn lạc quan về các kênh đầu tư này.
Vàng có thể nhảy vọt lên ngưỡng 3.000 USD/ounce
Có thể nói vàng là kênh đầu tư “bất ổn” nhất hiện nay. Trong vài tháng gần đây, giá vàng trong nước trồi sụt liên tục. Đã có lúc, giá vàng miếng trong nước nhảy vọt lên mức kỷ lục chưa từng có, hơn 91 triệu đồng/lượng.
Ở thời điểm hiện tại, với sự kiểm soát thị trường vàng mạnh tay của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, giá vàng miếng đã bớt “ngáo giá” và duy trì ở ngưỡng dưới 80 triệu đồng/lượng.
Nhận định về thị trường vàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản Toàn cầu cho rằng: Hiện giá vàng thế giới đang duy trì ở ngưỡng dưới 2.500 USD/ounce và hoàn toàn có thể vượt mốc này trong năm nay. Sang năm tới, giá vàng có thể lên tới 3.000 USD/ounce.
“Hiện tại, tôi không thấy có yếu tố nào có thể tác động làm giảm giá vàng, nên dự báo này khả năng cao có thể xảy ra” - ông Hiếu nói.
Mặc dù giá vàng thế giới không liên thông với giá vàng trong nước, nhưng việc giá vàng thế giới tăng cao cũng tác động không nhỏ tới thị trường vàng trong nước.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết về thị trường chứng khoán. Từ đầu năm tới nay, thị trường chứng khoán duy trì tăng trưởng tốt, tuy nhiên sự phát triển vẫn còn bấp bênh, chưa ổn định, các nhà đầu tư cần cẩn trọng trong việc lựa chọn cổ phiếu đầu tư.
Phân tích rõ hơn về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói: Thế giới đang có nhiều biến động, Mỹ đang bước vào giai đoạn bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ mới, xung đột chính trị xảy ra tại nhiều nơi, từ Nga - Ukraine cho tới vấn đề Trung Đông sẽ tác động tới nền kinh tế thế giới và ảnh hưởng tới giá vàng.
“Hiện tại các Ngân hàng Trung ương đang mua vào vàng, đặc biệt là khối Brics* mua vàng, cùng với một số tài sản khác, để thay thế dự trữ quốc gia của họ, thay vì giữ tài sản được định nghĩa bằng USD. Chính vì thế, cùng với nhu cầu vàng trên thế giới điều đó sẽ đẩy giá vàng lên cao, và ảnh hưởng tới thị trường vàng của Việt Nam” - TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, vừa qua, Việt Nam thực hiện chính sách bình ổn giá trên thị trường vàng làm giá vàng miếng (vàng SJC) hạ nhiệt. Tuy nhiên, do nguồn cung hạn chế, rất ít người có thể mua được vàng, nên một số loại vàng khác, nhất là vàng nhẫn “dậy sóng”.
“Tại Việt Nam có 2 phân khúc vàng, thị trường vàng miếng và thị trường vàng nhẫn. Trong khi các chương trình bình ổn giá vàng chỉ áp dụng đối với vàng miếng, còn vàng nhẫn không nằm trong chương trình này. Vì vậy, có lúc vàng nhẫn vượt giá vàng miếng, tuy rằng hiện tại giá vàng nhẫn đã được kéo xuống” - ông Hiếu cho biết.
Đồng tình với nhận định này, ông Đạt Tống - Trưởng phòng cấp cao chiến lược thị trường Exness Investment Bank: Giá vàng tăng trưởng vững chắc 2024 nhờ các yếu tố cơ bản hỗ trợ, trong đó có sự nổi lên của khối BRICS* và Trung Quốc. Các quốc gia ưa chuộng về vàng cũng tích cực trong mảng bán lẻ.
“Dự trữ ngoại hối của các quốc gia thời điểm hiện tại còn nhiều room để tăng trưởng và nắm giữ vàng trong thời gian sắp tới. Điều này hỗ trợ cho sự tăng trưởng của thị trường vàng” - ông Đạt Tống nói.
Thị trường chứng khoán liệu có “sáng cửa”?
Đối với thị trường chứng khoán, trong 1 tuần trở lại đây biến động dữ dội. Cụ thể, phiên giao dịch thứ 2 (ngày 5/8), VN-Index “bốc hơi” gần 50 điểm, rơi xuống mốc 1.188,07 điểm, điều này khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào trạng thái hoảng hốt.
Tuy nhiên, sang phiên giao dịch thứ 3 (ngày 6/8), VN-Index đảo chiều tăng hơn 22 điểm và trở về mốc 1.200 điểm. Đây chỉ là 2 trong số nhiều phiên giao dịch thị trường chứng khoán Việt Nam biến động mạnh trong thời gian qua.
Bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB rất lạc quan về thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm, nhờ vào nhiều yếu tố.
Một trong những yếu tố quan trọng đó là sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Nhờ đó, các doanh nghiệp niêm yết - những đại diện tốt nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay cũng sẽ có phục hồi bằng lợi nhuận.
“Chúng tôi ước tính rằng trong năm 2024, các doanh nghiệp niêm yết sẽ ghi nhận sự tăng trưởng khoảng 20% về mặt lợi nhuận và khoảng 15% trong năm 2025” - bà Hiền nói.
Bà Hiền dự báo, VN-Index sẽ duy trì mốc 1.350 điểm. Tuy nhiên, bà Hiền cũng lưu ý các nhà đầu tư cũng phải cẩn trọng 3 rủi ro bao gồm lạm phát, tỷ giá và việc các nhà đầu tư rút dòng tại thị trường chứng khoán Việt Nam.
“Từ đầu năm đến nay thì các nhà đầu tư nước ngoài rút dòng khoảng 1,6 - 1,7 tỷ USD. Ngoài việc tỷ giá của chúng ta đang yếu đi mà lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vẫn cao hơn thì điều này còn xuất phát từ việc là thị trường của chúng ta còn thiếu nhiều hàng hóa để thu hút nhà đầu tư” - bà Hiền nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán VPS cho rằng: Năm ngoái, VN-Index tăng 12%. Năm 2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá khởi sắc hơn năm ngoái. Vì vậy, ông Khánh dự báo kết thúc năm 2024, VN-Index có thể tăng 18%.
“Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn tích lũy để bứt lên, quy mô vốn hóa của thị trường đã tăng lên rất nhiều nên không có lý gì mà Vn-Index có thể nằm dưới 1200 lâu như thế cả, có thể sẽ tăng lên 1.350 trong thời gian tới” - ông Khánh nói
Kể cả trong bối cảnh chỉ số Vn-Index chưa bứt phá, không tăng nhiều, ông Khánh cho rằng vẫn có cổ phiếu nổi trội hơn.
“Nếu như trước đây chúng ta hay nói về những nhóm ngành chung thì nửa cuối và đặc thù trong năm 2024 này sẽ là cơ hội của các cổ phiếu riêng lẻ, những cổ phiếu có sự nổi trội về kết quả kinh doanh, cổ phiếu có sự thay đổi từ khó khăn mà đi lên hoặc những cổ phiếu đang tăng trưởng mà có kết quả kinh doanh đột phá trong các lĩnh vực như hóa chất, ngành thép, dệt may, bất động sản khu công nghiệp… kể cả trong những lĩnh vực chưa được chú ý lắm” - ông Khánh nhấn mạnh.
Bất động sản: Không chắc chắn về thời điểm bứt phá
Đối với thị trường bất động sản, ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc đầu tư Công ty DKRA Group đánh giá: Các luật về kinh doanh bất động sản, đất đai và luật đầu tư bất động sản chính thức có hiệu lực từ tháng 8 năm 2024. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, rất khó để có thể có sự tăng trưởng đột biến về giá cũng như cung trong thị trường. Điều này do cần có một khoảng thời gian để các luật này đưa vào thực tiễn đời sống.
Về trung và dài hạn, các luật này sẽ giúp cho thị trường minh bạch hơn, bảo vệ nhà đầu tư, và giúp thị trường phát triển bền vững hơn. Đối với một bộ luật mới thông qua, cần khoảng 6 đến 12 tháng để áp dụng vào cuộc sống.
“Tôi cho rằng, điểm rơi có thể sẽ vào khoảng cuối năm 2025 và đạt được đỉnh vào năm 2026. Khi đó, những tín hiệu hồi phục sẽ rõ nét hơn, và chúng ta có thể đón đầu một chu kỳ phát triển mới. Khi các luật mới thông qua, chi phí đầu vào của dự án có xu hướng tăng, đặc biệt là về tiền sử dụng đất, chi phí giải phóng mặt bằng, và các thuế phí liên quan”, ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, bên cạnh yếu tố pháp lý, sự hồi phục thị trường còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như kinh tế, lãi suất và tỷ giá.
“Tôi cho rằng thị trường sẽ có diễn biến tích cực trong khoảng 6 đến 12 tháng tới, phản ánh quyết định về sức cầu của thị trường và động thái về pháp lý” - ông Thắng chia sẻ.
*BRICS là một tổ chức quốc tế bao gồm các nước thành viên như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.