Vàng lá hồn nhau gió trắng đường
Tôi là một trong những tín đồ bị tài văn Sao Mai ám ảnh. Cuộc đời ông chính là cuốn tiểu thuyết làm mê hoặc lòng người. Mãi sau này tôi mới có dịp lên xã Văn Luông (Tân Sơn-Phú Thọ) để tìm lại những kỷ vật và dấu tích huyền thoại mà ông để lại trên cánh rừng và sông Bứa hơn nửa thế kỷ qua. Chân dung nhà văn Sao Mai do cháu nội ông vẽ làm tôi giật mình bởi đôi mắt ông vẫn luôn sầu muộn nỗi đời.
Xin hãy cùng tôi vào thời gian cỏ
Tuy là nhà văn tài hoa nhưng Sao Mai lại làm thơ không kém cạnh ai. Đi đâu tôi cũng dẫn thơ ông để mở đầu câu chuyện về nhà văn Sao Mai. Nhiều người đặt câu hỏi vì cơn cớ gì mà nhà văn Sao Mai, một kẻ đã từng chìm đắm trong a phiến lại dắt díu bầu đoàn thê tử lên rừng núi xa xôi (năm 1964). Tôi trả lời ngay tắp lự là vì đói nghèo. Lắm con nhiều vợ sau một chặng đường dài sinh tử nên phải tìm sự sống mà thôi. Một trách nhiệm làm cha và người chồng chân chính. Nhưng có lẽ phần tâm linh mách bảo về một thân phận khác của Sao Mai trong chuyến đi này. Đó chính là hành trình đi tìm nguồn cảm xúc qua một thực tế khắc nghiệt nhất của đời người.
Chuyện ngày đó ông lên rừng với hai bà vợ xinh đẹp cùng đàn con không có gì lạ đối với bà con người Mường ở bản Văn Luông. Bởi đây là miền đất nổi tiếng nhiều người đẹp từ cổ xưa (Nhất Luông-Nhì Cốc-Tam Hiền). Tích xưa mỗi năm nơi đây phải hiến người đẹp cho chúa đất một thời vẫn còn lưu truyền đến nay. Một ông với nhiều thê thiếp không có gì ghê gớm. Người dân Mường ở đây sợ cho gia đình ông sẽ bị cọp beo hay gấu chó cắn chết. Hơn nữa họ lo rằng gia đình ông nhà văn tóc xoăn này sẽ cày cuốc sinh sống ra sao trên những cánh rừng hoang vu Văn Luông. Hầu như hàng chục gia đình đi lên khai hoang không chịu được khó nhọc đã lần lượt bỏ về. Vậy mà chỉ có gia đình ông trụ vững. Ông quyết ở lại khởi nghiệp bằng đôi bàn tay gầy guộc của mình. Đó chính là trách nhiệm công dân mãnh liệt của nhà văn. Lao động trên mảnh đất đời người. Vợ con ông cùng nhau lên đồi phát nương làm rẫy.
Những người con của ông kể lại cho tôi nghe biết bao gian khổ mỗi khi mùa đông rét cắt da cắt thịt họ đã đi gieo ngô, trồng chè như thế nào. Nhưng có lẽ chuyện vui nhất là nhà văn cùng các bà vợ khi lên đây đã tiếp tục sinh thêm những người con. Điều này thì cả tộc Mường ở Văn Luông bái phục sát đất. Bà cả Hoàng Thị Tiếng sinh thêm ba người. Bà vợ thứ Nguyễn Thị Loan đẻ tiếp hai con. Cả thảy nhà văn có tới 11 người con. Trong giới nhà văn cả nước có lẽ ông đạt kỷ lục đông con nhất cho đến nay.
Sinh thời nhà thơ Trần Lê Văn đã viết thơ đùa tặng ông mấy câu: “Con thì bằng lọ vợ bằng chai/ Chồng gầy như chiếc gậy dài/ Kháng chiến mấy lần toan vỡ lọ/ Thế mà gậy cứ trực khua chai”. Khi hay tin nhà văn có con thứ 11 nhà văn Lý Biên Cương ở tận Quảng Ninh cũng hứng khởi đề thơ gửi cho Sao Mai rằng: “Bác Mai ơi hỡi bác Mai/ Vì sao bác có những hai điếu cày/ Một chiếc bác cầm ở tay/ Còn một chiếc nữa ngày rày đi đâu”. Biết là bạn văn đùa vui nhà văn Sao Mai chỉ cười phá lên và hét lớn trên núi cao. Một cảm giác sảng khoái trong ông như một Tarzan, người rừng bay từ cành cây này sang cành cây khác.
Điều kỳ lạ ở ông trong thời gian ngỡ như khủng hoảng với sự đói nghèo phải ăn cháo cám trừ cơm vậy mà ông vẫn viết. Ngày ngày ông cùng hai bà phải vượt thác buôn bè. Các con thay nhau lên nương làm cỏ trồng cây. Vậy mà cứ tối đến ông lại cầm bút với những ý tưởng đầy ắp trong đầu và những câu văn cuộn sóng. Hết dầu thắp đèn thì hai bà vợ ông thay nhau đốt đuốc vầu cho ông viết tiểu thuyết suốt đêm. Một bà quạt mát còn người kia soi đuốc. Họ sùng bái chồng như một tiên ông trên núi. Chính vì thế lần lượt ông hoàn thành các tác phẩm trong lúc kinh hoàng nhất. Đó là những cuốn “Tìm đất” (Ký sự-1966); “Ba Vì núi mới” (Truyện ký-1968); “Làng cao” (Tiểu thuyết-1972); “Sông rừng” (Tiểu thuyết-1977) và đoạt giải thưởng Hùng Vương với tiểu thuyết “Tiếng gọi rừng xa” (1990)…Nghe chuyện đến đây tôi lại chợt nhớ đến những câu thơ rất tượng trưng của ông: “Xin hãy cùng tôi vào thời gian cỏ/ Tìm về cho lá cái màu xưa/ Thời gian bâng khuâng gió/ Hoa không hương thơm dài” (Vào cỏ thời gian)
Trăng cứ mướt cỏ xưa
Khúc đột biến rất bất ngờ với cuộc đời nhà văn Sao Mai đã xuất hiện (năm 1989) cũng là một sự kiện lạ. Bởi lẽ khi đó ông là một nhà văn chân đất chính hiệu nhưng đã được vào biên chế nhà nước khi trúng cử Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Phú Thọ (Khóa III). Cuộc đời con người cường tráng này như được hồi xuân vào tuổi 65. Ông tạm biệt những trang ấp và ngọn núi sau nhà để lên thành phố. Mạch nguồn cảm xúc của nhà văn dường như trỗi dậy nỗi run rẩy ban đầu. Tiểu thuyết “Tiếng gọi rừng xa” (giải thưởng 1990) được coi là mạch vữa cuối cùng gắn với Văn Luông.
Bởi khi đó bóng hồng thứ ba đã xuất hiện. Đó là tia chớp trong cơn sấm sét của tình yêu. Cho dù người đẹp này còn kém ông những 30 tuổi. Đúng như cố thi sĩ Xuân Diệu đã trả lời câu hỏi tình yêu là gì. Ông viết: “Đến như tia chớp ấy thôi/ Mà gieo trận bão kinh người trong anh”. Cách diễn tả này đúng với trường hợp của nhà văn Sao Mai. Tháng tháng ông về lại Văn Luông thăm gia đình nhưng khi làm “quan” văn nghệ ông bận tối ngày. Mọi việc sinh hoạt trên thành phố ông nhờ cậy nàng ba cả.
Trong thời gian này Sao Mai viết như lên đồng và làm thơ cũng khác lạ hẳn. Nhân duyên thứ ba cũng là do ông trời ban cho nhà văn. Cô nhân tình bé nhỏ xinh đẹp luôn tìm đến nhà văn vì nỗi thương cảm của nhịp đập hai trái tim cô đơn. Mái nhà êm ả của cô đã trở thành tổ ấm cho Sao Mai sống lại những khát khao đổi mới sáng tạo. Cô gái xinh đẹp có má lúm đồng tiền ấy gây men tình ái tươi mới cho trái tim đã già nua trên rừng sâu. Có lần tôi cũng đã gặp nàng ba của nhà văn Sao Mai tại phố Liên Phương, thành phố Việt Trì. Đó là cựu chiến binh Lê Thị Hải Lý.
Có thể nói bà là sự xuất hiện của mạch ngầm cảm xúc một loạt tác phẩm lãng mạn đầy mê ly của Sao Mai. Tôi cũng không ngờ bà nhớ tới từng tác phẩm mà nhà văn Sao Mai đã từng viết trong ngôi nhà mình. Bà vẫn sôi nổi như một chiến binh Trường Sơn ngày nào. Đó là những tác phẩm mới lạ của Sao Mai như “Mắt chim le” (Tiểu thuyết-1990); “Thơ in chung với Lê Đạt” (1991); “Lông chim nhạn” (tập truyện ngắn-1994); “Lá về mây” (Tiểu thuyết-1996); “Sáng tối mặt người” (Tiểu thuyết-1998; tái bản 2003). Hai người sinh sống với nhau chừng 15 năm cho đến khi nhà văn đổ bệnh nặng ở tuổi 80. Biết tin hai người vợ cùng lên Việt Trì xin bà Lý đưa ông về quê chăm sóc cho đến khi mất (2008)
Thời gian bâng khuâng gió
Tôi tìm về Văn Luông lần này theo những bài thơ viết về quê hương của nhà thơ Sao Mai. Trong đầu tôi lảng vảng những vần thơ của bà Hoàng Thị Tiếng viết rất hồn nhiên về chồng. Bà khoe có tới cả ngàn câu thơ viết ghi lại những tình huống lên thác xuống ghềnh của ông. Đó là số phận nhà văn đầy trầm luân. Vậy nên khi đọc tập thơ Sao Mai in chung với Lê Đạt tôi nhập đồng với những câu thơ xuất thần của ông. Đặc biệt bài “Trưa quê” ông sáng tác bởi nỗi niềm rung động rất độc đáo về quê hương. Những hình ảnh đọng lại mang hơi thở của đồng làng xứ thành Nam (quê nội) cùng với nét đẹp của núi rừng Văn Luông. Phảng phất hình bóng thân thương của người vợ tần tảo thuở làm thợ cày hiện lên: “Trưa ấy quê nhà, mây trắng mây/ Đường trưa hun hút nắng vai gầy/ Người trong trưa quạnh nhìn không nói/ Mắt trẻ trưa làng xanh ánh cây”.
Bài thơ như một bức tranh dân gian gây ấn tượng với nhịp điệu và thanh âm trong từng câu thơ: “Trưa xóm đầu thôn trưa như không/ Trưa về gờn gợn cỏ may đồng/ Trưa nào xa quá gà đường gáy/ Ngang hơi gà xưa trưa quê sông”. Hồn thơ và tứ thơ được kết đọng như một bức tranh biểu hiện ấn tượng trong con tim day dứt vì nỗi nhớ quê: “Từ độ người đi biết trưa quê/ Thương giàn mướp nhỏ hoa chưa về/ Vàng hoa trưa ấy còn bay phấn/ Thơm đến trưa này trưa mướp quê”. Có lẽ Sao Mai đã định hình cho mình phong cách văn một thuở Văn Luông với câu kết đầy hoài vọng: “Thơm đến trưa này trưa mướp quê”. Đó là những phấn hương đã bay lên lấp lánh cùng các truyện ngắn “Lông chim nhạn” và “Lò lửa mùa xuân” đầy lãng mạn từ thập niên 90. Và cũng từ đây ông đã có những câu thơ tài tử vào loại sang trọng nhất: “Gốc em anh nghỉ nâu huyền thoại/ Vàng lá hồn nhau gió trắng đường”.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/vang-la-hon-nhau-gio-trang-duong-i661678/