Vang mãi chiến công cụm tình báo chiến lược H63 Anh hùng
Anh hùng Lực lượng vũ trang, Ðại tá, Cụm trưởng tình báo H63 Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) kể: Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của cách mạng, tháng 4/1962, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng thành lập mạng lưới tình báo A18 - tiền thân của Cụm tình báo H63. A18 quy tụ những tình báo giỏi, am hiểu địa bàn, sẵn sàng hy sinh khi làm nhiệm vụ.

Ðại tá, Cụm trưởng Cụm tình báo H63 Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) ở nhà riêng tại Phường 26, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 10/10/1959, nhà báo Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung) trở về sau khi du học báo chí tại Mỹ. Trong những ngày đầu tiên đó, nữ giao liên tình báo Nguyễn Thị Mỹ Nhung (Tám Thảo) được H63 cử làm người liên lạc đầu tiên với nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, chuyển giao những tài liệu và thông tin tối mật cho tổ chức.
Ông Tư Cang kể: Bà Tám Thảo, đóng vai một nữ tiểu tư sản buôn bán tơ lụa giàu có ở Sài Gòn, là người sắc sảo, am hiểu địa bàn nội đô. Bà vào Ðảng từ năm 1953, gia đình là cơ sở cách mạng, và Cụm trưởng Cụm tình báo H63 thường xuyên lui tới cư trú tại huyện Củ Chi. Sau này, bà trở thành một tuyến giao liên nội đô đắc lực, hoạt động rất hiệu quả trong suốt nhiều năm.
Trong lần họp mặt gần đây của Phòng tình báo miền (B2), cô Tám Thảo (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) cho biết: "Anh Hai Trung giao cho tôi 21 "cục pin" (tài liệu hóa trang), có đánh số thứ tự. Khi anh Hai Trung đưa, không nói gì về việc đánh số thứ tự, vì trong mật mã tài liệu lưu trữ cần phải cụ thể. Sau này, khi tôi đưa cho tổ chức, tôi mới hiểu rằng số tài liệu đó là tối mật, rất quan trọng đối với cấp trên và phải chuyển ra Bộ Quốc phòng".
Ðại tá Nguyễn Văn Mạnh (Mười Nho), phụ trách tình báo chiến lược Xứ ủy Nam Bộ, theo dõi địa bàn Chợ Lớn, cho biết: "Ðó là những tài liệu đầu tiên mà anh Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung) đưa ra cho tổ chức. Trong đó có những tài liệu từ tướng Mỹ Westmoreland, khi ông ta chỉ đạo chính quyền Sài Gòn thực hiện các chiến dịch của Mỹ ở miền nam. Những tin tức tình báo này, ngay cả chính quyền Sài Gòn cũng chưa hề biết về việc triển khai cụ thể các chiến dịch đó", Ðại tá Mười Nho khẳng định.
Chính từ những tài liệu này, Trung ương đã có sự chỉ đạo rất cụ thể, đưa ra kế hoạch hành quân, giúp quân giải phóng có sự chỉ đạo sớm nhất để chống lại sự bình định, lấn chiếm của Mỹ-ngụy. Ðây là các kế hoạch cụ thể của tướng Mỹ Westmoreland, trong các "Kế hoạch hỗn hợp quân sự", "Kế hoạch A-B 140"… đều rất tuyệt mật mà Bộ Quốc phòng và Bộ Chính trị đang rất cần, mà nhà tình báo Hai Trung đã lấy được, kể cả các bản đồ cứ điểm, đóng quân, xuất quân của Mỹ-ngụy ở các điểm chiến trường miền nam.
Trong giai đoạn 1961-1965, nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung) đã đưa các tài liệu mật ra Cụm tình báo H63, để chuyển ra Trung ương hầu hết các kế hoạch về các trận đánh, về kế hoạch rải quân trên chiến trường Nam Bộ.
Bà Nguyễn Thị Ba (quê ở Long An), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cũng là người giao liên tình báo cho ông Hai Trung rất an toàn, thông qua những mật hiệu đã được bà và nhà tình báo hẹn trước.
Bà cho biết, khi đưa và nhận tài liệu từ ông Hai Trung, đều phải dùng mật mã riêng. Tài liệu được gói vào gói nem, hoặc hẹn gặp tại một điểm nào đó trong nội đô mà không nói trước.
Trong gần 15 năm làm giao liên cho nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, bà Nguyễn Thị Ba chưa bao giờ để lọt tài liệu vào tay CIA hay quân ngụy Sài Gòn, luôn bảo đảm an toàn khi gửi tài liệu ra Trung ương.
Thành công của nhà tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung) là việc ông khai thác và đưa ra gần 500 tài liệu mật và tuyệt mật, bao gồm cả bản chính lẫn sao chụp, gửi về Cụm tình báo H63 và Hà Nội. Các tài liệu này được Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị đánh giá là hết sức quý giá, nhất là những kế hoạch hành quân và các chiến dịch mà Mỹ-ngụy sẽ triển khai, bao gồm cả tài liệu tình báo của CIA.
Ðó còn là chiến công xuất sắc của Cụm tình báo H63 khi đã lấy được bức điện mật của Tổng thống Mỹ G. Ford gửi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ với mấy chữ: "Chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam chấm dứt rồi!" để trả lời câu hỏi của Trung ương: Liệu Mỹ có quay trở lại Việt Nam hay không? Có được bức điện mật này là công lao của một tình báo viên, đóng vai thượng sĩ quân đội Sài Gòn, lúc đó là thư ký văn phòng Ðại tướng, Tổng Tham mưu trưởng Nguy, Cao Văn Viên.
Người này là điệp viên của Cụm tình báo H63, được cài vào làm việc tại Bộ Tổng Tham mưu Ngụy. Bức điện mật này được điệp viên Nguyễn Văn Minh (Ðại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) lấy được và chuyển cho Cụm H63, để báo cáo lên Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương trong những thời khắc quyết định của cách mạng miền nam.
Nói về Cụm tình báo H63 và những chiến công của các điệp viên, Ðại tá Hà Ngọc Quỳnh, nguyên Viện trưởng Khoa học tình báo, Tổng cục II-Bộ Quốc phòng, nhận định: Cụm tình báo H63 gồm những điệp viên dũng cảm, sẵn sàng hy sinh nếu bị địch bắt, luôn giữ thế tiến công không ngừng vì nhiệm vụ cao cả mà Trung ương và Bộ Quốc phòng giao phó.
Vai trò của Cụm trưởng H63, Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), là rất quan trọng trong việc chỉ đạo Cụm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Dù đã 97 tuổi, Ðại tá Nguyễn Văn Tàu vẫn nhớ rõ từng chi tiết của những sự kiện đại thắng mùa xuân 50 năm trước, về những hy sinh to lớn, những chiến công thầm lặng của những cán bộ tình báo H63 mà ông là Cụm trưởng chỉ huy.
Sau ngày giải phóng, Cụm tình báo chiến lược H63 và nhiều cán bộ tình báo của H63 đã được Ðảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (trong đó có Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn).
Ðại tá Nguyễn Văn Tàu chia sẻ: "Qua gần 15 năm hoạt động, có 28 chiến sĩ tình báo H63 đã hy sinh, nhiều chiến sĩ bị thương tật nặng, có người bị địch cưa hai chân đến 6 lần, như Thiếu tá giao liên tình báo Nguyễn Văn Thương (Hai Thương); nhưng cuộc đời của họ vẫn tỏa sáng, vì tất cả đều vì nhiệm vụ cách mạng, tất cả vì sự hy sinh suốt đời cho Ðảng, cho cách mạng Việt Nam".
Những chiến công vang dội của Cụm tình báo chiến lược H63 là những đóng góp vô cùng quan trọng vào những thời khắc lịch sử của cách mạng Việt Nam, góp phần vào ngày hội thống nhất non sông, thống nhất đất nước.